Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội: Tăng giá bữa ăn, phụ huynh phản ứng

Bữa ăn của học sinh ngày 19/12. Ảnh: Nghiêm Huê.
Bữa ăn của học sinh ngày 19/12. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Theo phản ánh của một số phụ huynh có con khiếm thị đang học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, thì  bắt đầu từ năm học 2017-2018, các phụ huynh nhận được thông tin là bữa ăn tại trường của các con sẽ tăng lên thành 23.000 đồng/bữa với tiểu học và 25.000 đồng/bữa đối với THCS. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng mức tăng như thế không hợp lý.

“Hôm nay con được ăn gì thế”?

Trưa 19/12, có mặt tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đúng giờ ăn trưa của các học sinh trong trường. Trong khi các học sinh bình thường ngồi ăn tại lớp, thì một số học sinh khiếm thị di chuyển về bếp ăn của trường. Các em đến nhận đồ ăn. Hỏi chuyện một học sinh đã nhận được khay cơm và đang ăn bữa trưa, em bất ngờ hỏi:  “cô ơi, hôm nay con được ăn gì thế cô?”.

Bữa ăn trưa ngày 19/12 thực đơn gồm thịt gà rang gừng, rau cải xào, đậu phụ sốt cà chua và canh. Với học sinh bình thường, các em sẽ biết được mình đang ăn gì. Còn với học sinh khiếm  thị, các em chỉ cảm nhận được thức ăn qua vị giác, thế nên, nhà trường cho ăn gì, các em ăn thế.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, một phụ huynh cho biết trước đây, bữa ăn của các con là 15.000 đồng/bữa. Nhưng từ đầu năm học 2017-2018, phụ huynh có con khiếm thị nhận được thông báo là tiền ăn sẽ tăng lên là 20.000đồng/bữa. Rồi từ tháng 11/2017, bữa ăn tăng lên 23.000đồngbữa đối với tiểu học và 25.000đồng/bữa đối với THCS. Lý do được nhà trường đưa ra là từ năm học này, bữa ăn của học sinh khiếm thị cũng như học sinh thường đều do công ty Hương Việt Sinh đảm nhiệm. Còn từ năm học trước, học sinh khiếm thị do hai cô chăm sóc được Sở GD&ĐT cho biên chế nấu, còn học sinh thường do Hương Việt Sinh nấu. “Tại sao Sở có biên chế chăm sóc cho học sinh khiếm thị mà trường vẫn bắt phải sáp nhập bếp ăn để Hương Việt Sinh nấu?” – một phụ huynh đặt câu hỏi.

Vị phụ huynh cũng cho hay, bắt đầu từ năm học này, phụ huynh có con khiếm thị cũng phải đóng thêm một số khoản tiền mà từ trước tới nay học sinh không phải đóng. Ví dụ như tiền chăm sóc bán trú là 50.000 đồng, chăm sóc nội trú là 100.000 đồng,  tiền trông thứ bảy, chủ nhật, tiền học phí đối với THCS. “Thực ra, tất cả những học sinh khiếm thị học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu không phải đều ở Hà Nội. Có rất nhiều học sinh ở các tỉnh khác, điều kiện của các em rất khó khăn. Hiện nay, các con khiếm thị học hòa nhập nhưng buổi chiều các con không có quà chiều. Trong khi học sinh bình thường có. Chúng tôi là phụ huynh cũng xót xa lắm chứ. Lớp có mấy chục bạn mà chỉ có vài bạn không được ăn quà chiều còn các bạn khác có, các con cũng tủi thân lắm. Nhưng quà chiều là 5.000 đồng/học sinh, nói thế thôi, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đóng. Tôi chia sẻ để nói rằng, tại sao trường không tìm mọi cách để giảm chi phí cho phụ huynh, tận dụng hai biên chế chăm sóc để phục vụ ăn uống cho các con như ngày xưa mà lại đưa công ty vào nấu?” - Vị phụ huynh nói.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tiền Phong, để được công ty Hương Việt Sinh phục vụ bữa ăn, mỗi học sinh sẽ phải mất 1.000 đồng/bữa tiền nhân công.

Cũng theo phản ánh của phụ huynh, từ năm học này, học sinh khiếm thị không không được hỗ trợ như trước. Nếu như trước đây, đề cương ôn tập  của học sinh khiếm thị được giáo viên soạn chữ nổi giúp các em, còn giờ, phụ huynh sẽ phải làm việc này. “Với những học sinh khiếm thị ở nội trú như con tôi thì em mắt mờ lấy kính lúp phóng to lên để đọc đề cương cho những bạn  không nhìn thấy gì” – vị phụ huynh cho hay.

Nhà trường nói gì?

Trước phản ánh của phụ huynh, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Ban Giám hiệu nhà trường. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu giải thích, sở dĩ có sự thay đổi này là vì mức ăn 15.000 đồng/học sinh khiếm thị tồn tại từ lâu nay. Trước đó Sở GD-ĐT có hỗ trợ 3 biên chế nấu ăn. Hiện chỉ còn 2 người với 176 cháu, mỗi cô theo phân công chỉ có thể nấu cho 50  người nên không thể đảm đương hết phần việc.

Bên cạnh đó, nhà trường và ban phụ huynh học sinh khiếm thị cũng đặt vấn đề về sự chênh lệch bữa ăn giữa học sinh sáng mắt và học sinh khiếm thị, tồn tại 2 bếp ăn, 2 mức ăn khác nhau trong cùng một trường. Do vậy nhà trường đã đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh trong việc tăng mức ăn của học sinh khiếm thị để đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất và sự bình đẳng trong việc chăm sóc học sinh khiếm thị.

Về các khoản thu năm nay phát sinh, lãnh đạo nhà trường cũng cho biết do năm nay, viện trợ, từ thiện của các mạnh thường quân bị cắt nên trường đã có văn bản đề nghị sở được thu và sở GD&ĐT đã đồng ý. Nhà trường đã công khai các khoản thu này trong các cuộc họp và đăng trên website của nhà trường. 

Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng, họ đề nghị bữa ăn của các con chỉ 20.000 đồng, nếu một thời gian không đảm bảo thì họ sẽ đồng ý nâng lên mức 23.000 đồng. “Tôi cho rằng không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Vì có những em khiếm thị cả bố và mẹ đều bị khiếm thị, họ cũng rất khó khăn. Hơn nữa trước đây chưa sáp nhập bếp ăn, tôi thấy bữa ăn của các con vẫn đầy đủ dinh dưỡng” - vị phụ huynh băn khoăn.

Tối qua, 20/12, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu  đã có buổi họp phụ huynh để giải đáp những băn khoăn.  Trưởng ban phụ huynh đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường nên có một buổi làm việc riêng với phụ huynh có con khiếm thị để lắng nghe tâm tư nguyện vọng.  Đồng thời cũng cần làm việc lại với phía công ty cung cấp thực phẩm, nấu ăn của trường để xem xét định lượng bữa ăn cho học sinh. Chia sẻ tại buổi họp, bà Phạm Thị Kim Nga, khẳng định sẽ ngồi lại với phụ huynh có học sinh khiếm thị để hiểu nhau hơn.

MỚI - NÓNG