Trường thiếu vắng học sinh

Trường thiếu vắng học sinh
TP - Năm học mới đã khai giảng gần một tuần, song số lượng học sinh theo học lớp 10 ở các trường THPT tại Lạng Sơn vẫn chưa “lấp đầy” theo chỉ tiêu. Có trường dân lập không tuyển được học sinh, phải công bố đóng cửa trường.

> Nhiều học sinh nghỉ học

Trường THPT dân lập Ngô Thì Sỹ (Lạng Sơn) thiếu vắng học sinh. Ảnh: PV
Trường THPT dân lập Ngô Thì Sỹ (Lạng Sơn) thiếu vắng học sinh. Ảnh: PV.

Năm học 2012-2013, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhu cầu tuyển 1.600 học sinh đầu cấp, nhưng số người tham gia thi chỉ có trên một nghìn, vậy nên các trường đều trong tình trạng khát học sinh.

Ông Nguyễn Khắc Sắc, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Ngô Thì Sỹ (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Từ năm 2000, trên địa bàn tỉnh có hai trường THPT dân lập, mỗi năm tuyển trên dưới 200 học sinh. Thế nhưng, năm học này, nhà trường không tuyển sinh, vì không có nguồn.

Còn Trường THPT dân lập Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng), mới đây đã công bố giải thể, vì thiếu vắng học sinh.

Giải thích về hiện tượng này, ông Sắc cho rằng, các cơ sở trường công lập ở Lạng Sơn ngày càng mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh và điểm đầu vào quá thấp, ví như, học sinh chỉ cần đạt 10,25 điểm (trung bình mỗi môn đạt hơn 3 điểm), là lọt vào các trường ở thành phố Lạng Sơn.

Đầu năm học 2012- 2013, trường có khoảng 30 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, sau đó các em đồng loạt đến xin rút để nộp trường khác…

Bà Bế Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm GDTX 1 tỉnh Lạng Sơn cho rằng, năm nay, nhà trường cũng chỉ tuyển được chừng 70 em, không biết có trụ đủ cho đến hết năm hay không, vì nhiều em mải chơi, gia đình “bận” buôn bán, làm ăn, không màng đến việc học hành, tương lai của con em mình. Hiện tượng học sinh bỏ học đứt quãng khá nhiều.

Lượng học sinh sụt giảm thường rơi vào thời điểm cuối năm, các em ở vùng biên giới tranh thủ đi vác hàng thuê kiếm tiền.

Năm nào cũng vậy, vào lúc hàng nông sản xuất khẩu nhiều, các trường học ở Tân Thanh (huyện Văn Lãng), lại đối mặt với số học sinh nghỉ học, vì các em “bận” đi mót dưa hấu.

Đời sống người dân miền núi khó khăn, nên có gia đình không muốn con em mình đến trường. Trường hợp gia đình ông Đinh Văn Thành ở thôn Sông Hoá (xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn), có 5 con chưa một lần được đến trường, chỉ vì không có tiền đóng góp…mua ghế nhựa là một ví dụ. Hiện tượng này không phải cá biệt ở Lạng Sơn.

Mặc dù không tuyển được học sinh lớp 10, song năm học 2012-2013, Trường THPT dân lập Ngô Thì Sỹ vẫn duy trì việc dạy và học cho 89 em học sinh khối 11 và 12.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển GD tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020”, theo đó, từ nay đến năm 2015 sẽ thành lập mới 5 trường và khuyến khích phát triển các cơ sở GD ngoài công lập.

Theo ông Sắc, để thực hiện quy hoạch này, cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt, công bằng; nếu không sẽ rơi vào tình trạng đánh trống, bỏ dùi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG