TS Lê Thống Nhất nói gì về đề xuất chia nhỏ nghỉ hè của Chủ tịch Hà Nội?

TS Lê Thống Nhất nói gì về đề xuất chia nhỏ nghỉ hè của Chủ tịch Hà Nội?
TPO - Theo nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên thay vì cho học sinh nghỉ 3 tháng hè như hiện nay, phương án học 2 kỳ với nhiều lần nghỉ trong năm khi chưa có một nghiên cứu giáo dục đoàng hoàng thì không thể trả lời là áp dụng được hay không.

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.

Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.

Chỉ là cách nêu vấn đề, chưa thể kết luận được

TS Lê Thống Nhất một chuyên gia giáo dục cho biết, đề xuất này của Chủ tịch thành phố Hà Nội là một cách nêu vấn đề. Còn có áp dụng  4 kì nghỉ hay không thì Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu giáo dục đoàng hoàng,  đến lúc đó mới có đưa ra câu trả lời được.

TS Nhất cho rằng, đây không phải chuyện biểu quyết mà phải nghiên cứu khoa học. Theo ông, Bộ GD&ĐT cần phải nghiên cứu giáo dục đoàng hoàng,  đến lúc đó mới có đưa ra câu trả lời được.

“Hiện tại chưa thể kết luận được gì đâu. Việc có thể áp dụng được hay không thì khi chưa có một nghiên cứu kĩ lưỡng thì chưa thể biết được”- TS Nhất nhấn mạnh.

Nghỉ Tết thế là quá dài

Cô Đình Thị Thủy - giáo viên môn Văn của trường THPT ở Hà Nội cho rằng, về mặt chủ trương thì đồng ý với cách chia nhỏ nhiều kỳ nghỉ như đề xuất của ông Chung.

Nhưng theo cô Thủy, nếu đề xuất được áp dụng thì cô thấy nghỉ Tết tới 30 ngày cho học sinh là dài quá. Sau kì nghỉ dài của Tết, kéo dư âm ngày lễ, hội dài thì việc học sinh dễ bị xao nhãng học tập.

Mặt khác, điều quan trọng là nên căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương về cơ sở vật chất và thời tiết cũng như nguồn nhân lực để thực hiện việc thay đổi. Mùa hè, thời tiết ở Miền Bắc rất nóng, hiệu quả dạy học sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Thêm nữa, nếu nghỉ một tháng thì làm khó cho Bộ GD&ĐT, Sở giáo dục hay các trường làm công tác đánh giá, thi tuyển cuối năm.

“Tôi có tham khảo ý kiến của học sinh thì nhận được câu trả lời cũng không thích nghỉ Tết dài vì thời tiết thời điểm này thuận lợi. Học sinh sợ hè nóng, đang nghỉ nhiều nay lại phải đi học sớm hơn”- cô Thủy nêu quan điểm.

*Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý... xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG