TS Lê Viết Khuyến: Bệnh thành tích ầm ầm, sống chết phải duy trì kì thi tốt nghiệp

TS Lê Viết Khuyến
TS Lê Viết Khuyến
TPO - Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, gọi kỳ thi "hai trong một" là sai và đây cũng chưa phải lúc để bỏ kì thi tốt nghiệp được chừng nào chưa hình thành văn hóa chất lượng, trong khi bệnh thành tích vẫn ầm ầm.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ ra nhiều vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia và đề xuất tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.

Tiền Phong có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này.

Ai bắt nhập đâu mà đề xuất tách?

PV: Ông có đồng ý với việc tách hai kì thi tốt nghiệp THPT và thi đại học vừa được đề xuất không?

TS Lê Viết Khuyến: Tôi không rõ ý kiến ông Bình nói ý đó như thế nào. Nhưng mà câu chuyện có ai bắt phải nhập hai kì thi đâu mà hiện nay lại đề xuất là tách. Kỳ thi tổ chức vừa qua mang tính quốc gia là kì thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia chứ xét tuyển các trường đại học là quyền của các trường đã được quy định theo điều 354 của Luật giáo dục đại học.

Các trường đại học có quyền là dựa vào kết quả của kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển vào đại học, đó chỉ là một cách. Có những trường ĐH họ thấy dựa vào kết quả của quá trình học ở trung học, dựa vào học bạ chính xác hơn thì họ xét tuyển vào tiêu chí đó. Như thế, việc xét tuyển ĐH là quyền của các trường. Việc kết hợp lấy kết quả của thi tốt nghiệp THPT để mà xét tuyển ĐH thì không phải trường nào cũng làm.

Kinh nghiệm trên thế giới các trường bậc trung và bậc thấp họ làm kiểu như thế khi mà cung xấp xỉ hoặc vượt với cầu thì họ làm như thế. Thậm chí, họ còn bỏ qua kì tuyển sinh vào trường họ, cho ghi danh vào học khi chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT.

Ở Pháp có trường chỉ cần bằng tốt nghiệp vào trường nhưng các trường danh tiếng có uy tín họ có kì thi riêng mà cạnh tranh khủng khiếp, thậm chí 1000 đầu vào đi thi chỉ có 1 người đỗ, rất khắt khe. Nhưng đó là quyền quyết định các trường.

Ở Việt Nam vừa qua có chuyện nhầm lẫn là những trường top dưới và giữa dựa vào kết quả kì thi THPT để xét tuyển là đúng nhưng những trường top trên, những ngành hot chỉ dựa vào kết quả THPT mà không bổ sung thêm các tiêu chí khác để xét tuyển thì đó là sai lầm của các trường, dẫn tới tình trạng 30 điểm mà vẫn không đỗ vào đại học.

PV: Nếu vậy gọi kì thi 2 trong 1 là sai, thưa ông?

Không có kì thi 2 in 1 mà chỉ có một kì thi thôi, một kì thi tốt nghiệp THPT còn kết quả đó có được sử dụng hay sử dụng đến mức nào là quyền của các trường, chứ không phải bắt buộc các trường. Nếu Bộ bắt buộc tất cả các trường sử dụng kết quả này thì Bộ sai nhưng Bộ không bắt buộc.

Tiêu chuẩn tốt nghiệp ở Việt Nam không bình thường

PV: Đánh giá kì thi THPT quốc gia năm 2017,  ông đánh giá mặt được và mặt không được của kỳ thi này?

Định hướng của kì thi là tốt vì giảm nhẹ sự căng thẳng của kì thi. Tuy nhiên, kì thi chỉ là gây căng thẳng với vài ngành hot thôi, nhưng đằng này lại làm nhiều trường, nhiều ngành căng thẳng theo, đó là không tốt.

Kì thi năm nay theo tôi đã khác những năm trước vì hướng đi là tốt nhưng về kĩ thuật còn nhiều việc phải làm thì mới đi đến điều mong muốn.

Về đề thi năm nay chưa tốt. Kỳ thi trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa nhưng với phổ điểm mà thể hiện như ta thấy méo mó chứ không phải đường hình trụ úp xuống, phổ điểm đấy thể hiện đề thi không phải đề thi trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa.

Nguyên nhân ở chỗ làm đề chưa cẩn thận, chưa đủ độ tin cậy mà đưa vào chọn lọc để đưa vào ngân hàng câu hỏi. Đề thi tiêu chuẩn là khi được thực thi trên người học, đề đó được kiểm tra trên học sinh, sau đó kế cấu lại. Đề thi tiêu chuẩn sẽ phân bố theo kiểu hình chuông úp xuống.

Qua phổ điểm hầu hết môn thi năm nay thì thấy không phân bố chuẩn, nếu phân bố không chuẩn thì đề chưa chuẩn bị kín kẽ.

Điều này không phải chủ trương sai nhưng kĩ thuật chưa hoàn thiện thì phải cải thiện cho hoàn thiện cho những năm tiếp theo.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về kỳ thi mà có hơn 90% đỗ tốt nghiệp và nhiều tỉnh đạt trên 99%?

Tôi muốn đề cập là thế nào là tốt nghiệp THPT.

Thí dụ, lâu nay đại học là đánh giá trung bình chung phải từ 5 điểm trở lên thì mới gọi tốt nghiệp. Ngoài ra, tất cả các điểm của các môn học, học phải từ 5 trở lên chứ có một điểm một học phần dưới 5 thì đã không đõ tốt nghiệp. Như vậy, các điểm phải từ mức độ trung bình trở lên.

Vì thế, trong hệ thống chứng chỉ, muốn tốt nghiệp người học phải tích lũy được tất cả các môn học trong chương trình đào tạo của người đó phải từ 5 trở lên, chưa đạt phải học lại.

Còn yêu cầu của ta vừa tốt nghiệp THPT năm nay có thể điểm thấp, có môn 1 điểm nghĩa là không phải điểm liệt thì là vẫn tốt nghiệp. Rõ ràng tiêu chuẩn đó không bình thường mà chính cái không bình thường dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp của ta 99,3%, tỉ lệ đó không nước nào có được, các nước phát triển chỉ 70-80% chứ không nước nào cao như thế.

Thế mới có chuyện là nếu hơn 99% đỗ tốt nghiệp thì bỏ luôn thi tốt nghiệp đi. Nhưng nếu ở Việt Nam bệnh thành tích như thế mà bỏ thi tốt nghiệp thì có quản lý được quá trình học ở 12 năm ở phổ thông hay không.  Chứ chạy theo bệnh thành tích cho điểm vống lên thì không ổn, như thế vẫn phải có kì thi toàn quốc.

Thời điểm này sống chết phải duy trì kì thi tốt nghiệp

PV: Vậy câu hỏi khi nào bỏ được kì thi quốc gia?

Theo tôi, cũng có lúc bỏ được nhưng lúc nào hình thành được văn hóa chất lượng, chúng ta xóa đi được bệnh thành tích. Trong khi bệnh thành tích đang ầm ầm, thì làm sao bỏ tốt nghiệp được.

Còn chuyện thi tuyển sinh vào các trường ĐH thì có thể mức độ yêu cầu các trường khác nhau, trong quá trình học của trường đó nữa thì có thể sân siu một tý, nhưng cái đó quyền giao cho các trường.

Còn thời điểm này sống chết phải duy trì kì thi tốt nghiệp, còn kì thi tốt nghiệp phổ thông nếu làm cực đoan, giao cho các trường đại học quản lý còn các Sở đứng ngoài thì cũng không giải quyết được.

Vấn đề phải giao cho các địa phương, các địa phương phải chịu trách nhiệm và lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong chuyện đó.

PV: Kì thi THPT quốc gia vừa qua như ông phân tích là xét tốt nghiệp cũng không đạt, xét đại học cũng không xong?

Cho nên tôi nói phải xem lại cách đặt vấn đề thế nào tốt nghiệp. Tôi nhớ lúc ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục, ông xiết lại kì thi tốt nghiệp đợt 1 chưa tới 60% sau đó có áp lực từ các địa phương thi lại lần 2 mới cao cao  hơn chút. Nhưng sau lần đó không bao giờ dám làm chuyện đó nữa. Tại sao chúng ta lại không dám làm một chuyện đúng như thế nữa, năm sau tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lại lên 80-90% .

PV: Nếu giữ kì thi tốt nghiệp thì chúng ta phải làm thế nào để vừa giảm áp lực thi cử nhưng vẫn hiệu quả, thưa ông?

Đề thi dưới dạng trắc nghiệm khách quan bớt thuộc lòng đi, nó đòi hỏi người học dựa vào năng lực suy luận là chính, đấy là một cách giảm tải áp lực cho kì thi.

Ngoài ra, giảm tải bằng hình thức hệ thống câu hỏi, nội dung câu hỏi khác kiểu đi, như môn Lịch sử trước nhớ máy móc từ ngày tháng năm gần đây môn Lịch sử đã có câu hỏi làm cho thí sinh học sáng tạo hơn, không nặng nề.

Trước đây, thi 1 môn còn giờ thi 1 bài thi có tổ hợp mấy môn học đấy cũng  là hình thức giảm tải.

Mà  những cái này không có gì mới mà các nước đã làm nhiều rồi, chỉ Việt Nam không chịu làm và giờ làm thì lại ý kiến thế này, thế khác.

Trong những giải pháp đưa ra có ý kiến khen, có ý kiến chê. Nhưng phải tỉnh táo khi quyết định duy trì hay loại bỏ nó, phải có quản lý nhà nước, có lý luận chứ không phải theo kiểu đẽo cày giữa đường, không phải cứ bị kêu lại thay đổi. Nếu giáo dục cứ luẩn quẩn như vậy thì không tiến lên được.

Cần chỉnh đốn lại kì thi THPT quốc gia

PV: Có ý kiến cho rằng kì thi xét vào đại học như hiện nay đã lạc hậu?

Điều 354 của Luật giáo dục là trao quyền xét tuyển, quyền tuyển sinh vào các trường cho chính các trường đại học. Ta đã làm theo đúng theo hướng như vậy, đó là xu hướng đúng. Yêu cầu của mỗi trường phương thức xét tuyển khác nhau thì phải để các trường tự quyết định.

Tôi thấy có hiệu trưởng xin là cho họ không tự chủ mà cứ tiếp tục được sự lãnh đạo của Bộ. Tôi ngạc nhiên thực sự khi anh có quyền được tự chủ và xu hướng đại học phải tự chủ thì nhà nước đã trao cho anh rồi còn xin phép, không dám tự chủ. Họ muốn xin chịu sự chỉ đạo, dẫn dắt trực tiếp của cơ quan chủ quản thì hỏng.

PV: Vậy theo ông, tại sao các trường không dám tự chủ trong tuyển sinh?

Điều này có nhiều lí do. Nhưng tôi nghĩ có mấy lý do chính.

Hệ thống của chúng ta có những trường gọi là đại học nhưng mà đã thực sự xứng đáng là trường đại học chưa?  Có thể nói là chưa. Trong thời gian rất ngắn chúng ta mở ra rất nhiều trường và những người làm công tác quản trị ở nhiều trường không được học hành bài bản, hoặc có học hành cũng lơ mơ, không được chuẩn hóa. Những người đó được giao quản trị các trường, khi làm quản trị các trường điều cần quyết định thì họ không dám quyết, vì thực tế năng lực họ hạn chế nên không dám quyết. Đó là lí do thứ nhất.

Lí do thứ 2, đối với các trường công, tư duy bao cấp lớn. Bởi vẫn còn tồn tại Bộ chủ quản, nếu anh ngoan ngoãn sẽ cho anh cái này các khác. Việc này giống như ta gọi xóa chế độ bao cấp nhưng thực ra người ta vẫn thích có bao cấp để bâu vào vòi sữa của nhà nước để có thể sống được.

Bây giờ, nhà nước không thể nuôi mãi được với bộ máy cồng kềnh như thế này. Khi cho các trường tự chủ, anh phải tự lo nấy. Các trường khi ấy sợ tự chủ như thế nguồn sữa nhà nước cung cấp sẽ bị cắt nên không muốn.

Ngoài ra, hệ thống quản lý của ta không ổn nên có nhiều chuyện dẫn tới hậu quả không tốt cho các nhà trường cho nên người ta đổ cho cơ chế này, cơ chế khác.

Theo tôi, tất cả những điều này phải phân tích rõ ràng, nếu ai không làm được chuyện đó thì phải mạnh dạn đưa họ ra khỏi đưa máy quản trị của nhà trường đi khi đó các trường mới phát triển được, giáo dục đại học của chúng ta mới phát triển được.

PV: Tuyển sinh là một khâu nâng cao chất lượng giáo dục đại học? Vấn đề tuyển sinh thay đổi như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ số 1 hiện nay là mình chỉnh đốn lại kì thi tốt nghiệp THPT cho kì thi đó thực sự là kì thi chuẩn, người ta thực sự tin cậy từ kì thi đó và nhà nước quan tâm chuyện đó, tập trung toàn lực làm cho tốt, xã hội tin tưởng

Còn việc xét tuyển các trường ĐH thì đó là quyền của các trường, các trường phải công khai minh bạch, phải công khai cho rõ, chứ không phải im im theo ý của anh, tự chủ đi kèm với trách nhiệm giải trình. Nếu tự chủ và trách nhiệm giải trình tốt, phải có người giám sát. Hiện nay giám sát vẫn là cơ quan nhà nước, một dúm người ở Bộ, tranh tra Bộ làm sao giám sát bao nhiêu trường, bao nhiêu việc như thế, phải có giám sát xã hội nữa.

PV: Có đề xuất là kỳ thi quốc gia như hiện nay có thể xét một phần học sinh khá- giỏi qua kết quả học tập ở bậc phổ thông. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Xét vào kết quả học bạ không công bằng bởi vì hệ thống giáo dục của mình chưa được chuẩn hóa. Chỉ khi nào kiểm định tốt các trường, độ đồng đều như nhau thì làm thế được.

Như ở mình bệnh thành tích rất dữ dội. Từ đó, mình dùng hình thức chỉ dựa vào kết quả của học lực, học bạ thì nó phản ánh không chính xác. Tất nhiên, nếu tuyệt vời nhất là mình có một nền văn hóa chất lượng thì lúc đó không cần thi cứ xét học bạ là được rồi. Nhưng mình chưa đạt được mức độ đó mà áp dụng lúc này là đốt cháy giai đoạn, phản tác dụng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.