TS Thu Hương: Chung nhà vệ sinh, sao lại lo mất hình ảnh người thầy?

TS Vũ Thu Hương
TS Vũ Thu Hương
TPO - Ở bậc đại học thì đi chung cả, có phân biệt gì đâu. Còn ở các cấp học nhỏ hơn, nếu nhà trường tôn trọng trẻ, nhận biết rõ là trẻ cần học cả kĩ năng đi và giữ gìn vệ sinh chung thì sẽ chẳng thấy ngại và lo gì mất hình ảnh.

Trước thực trạng nhà vệ sinh của giáo viên sạch 'như ở khách sạn' còn của học sinh lại bốc mùi hôi thối khiến có luồng ý kiến đề nghị thầy cô “đi chung” với học sinh để cải thiện tình trạng này. 

Trước ý kiến trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đi chung nhà vệ sinh với học sinh là “Tối kiến”. “Nếu đi chung thì hình ảnh của người giáo viên sẽ khác trong mắt học sinh. Thầy trò ra vào vệ sinh cùng nhau sẽ không tốt”- TS Lâm nhận định.

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội đã "phản pháo" lại ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm. "Mỗi người một ý kiến. Nhưng theo tôi, việc đi chung không ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy".

Coi học sinh như sinh viên hạng 2?

TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Như chúng tôi, giảng viên trường đại học đi chung với sinh viên bao nhiêu năm có thấy ngại gì đâu. Tất nhiên, vì sinh viên lớn rồi, các em đủ khả năng giữ gìn vệ sinh. Trẻ nhỏ chưa biết nhiều nhưng thầy cô không để ý, uốn nắn thì nhà vệ sinh hôi là đương nhiên”- TS Hương khẳng định.

“Trẻ nhỏ không dám kêu, kể cả đi nhà về sinh bẩn. Tôi thấy phân biệt nhà vệ sinh giáo viên và học sinh ở Việt Nam, giống như coi trẻ con là sinh viên hạng 2 ấy”- TS Hương chia sẻ.

TS Hương phân tích, nếu nhà trường và xã hội tôn trọng trẻ, nhận biết rõ là trẻ cần học cả kĩ năng đi vệ sinh và giữ gìn vệ sinh chung thì sẽ chẳng thấy ngại.

TS Nguyễn Tùng Lâm: Đi chung nhà vệ sinh với học sinh là “Tối kiến”

Trước thực trạng nhà vệ sinh của giáo viên sạch 'như ở khách sạn' còn của học sinh lại bốc mùi hôi thối khiến có luồng ý kiến đề nghị thầy cô “đi chung” với học sinh để cải thiện tình trạng này. TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khẳng định, đây không phải là sáng kiến mà là tối kiến.

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, nhà vệ sinh là nơi có rất nhiều vi khuẩn. Nếu nhà vệ sinh không sạch thì sẽ trở thành nguồn lây bệnh cho mọi người. Trẻ nhỏ càng cần được giữ vệ sinh tốt hơn.

“Vì thế, nếu như giáo viên đi vệ sinh cùng với học sinh một nơi thì họ sẽ biết được là khi nào nhà vệ sinh bẩn, sẽ kiến nghị nhà trường dọn cho sạch. Khi đó nhà vệ sinh của học sinh sẽ sạch sẽ hơn và phòng tránh được nhiều bệnh tật cho trẻ”- TS Hương nhận định.

Dạy kỹ năng tốt sẽ không còn nhà vệ sinh bẩn

TS Vũ Thu Hương cho rằng, về quy trình đi vệ sinh gồm có các bước sau: Xé giấy lau bệ vệ sinh; Ngồi lên bệ và đi vệ sinh; Lau chùi vùng kín; Đứng dậy mặc đồ và đậy nắp bồn cầu; Bấm nút xả nước; Mở nắp bồn cầu, xé miếng giấy vệ sinh lau bệ lần 2; Rửa tay 6 bước theo quy định của bộ Y tế.

“Nếu trẻ nào cũng thực hiện nghiêm túc quy định này, nhà vệ sinh sẽ rất sạch sẽ. Nếu nhà trường nào cũng chú trọng dạy trẻ kĩ năng này thì sẽ không có nhà vệ sinh hôi và bẩn”- TS Hương khẳng định.

Cũng theo TS Hương, điều cần chú ý là cần đảm bảo nước, giấy vệ sinh và xà phòng rửa tay cho trẻ sử dụng. Ngoài ra, trẻ cần học cách sử dụng giấy, xà phòng và nước tiết kiệm.

Hiện nay các trường vẫn tập trung dạy kiến thức và bỏ qua các kĩ năng. Vì vậy, cần phải dạy và phải cho vào chương trình chứ không thể để ở ngoại khóa được. Chương trình này là của mầm non nhưng ở bậc mầm non không dạy, bậc tiểu học cũng bỏ qua.
 
“Nhà vệ sinh bẩn có nhiều nguyên nhân. Ở mình không được dạy nghiêm chỉnh là nguyên nhân thứ nhất, thứ hai bố mẹ cũng làm không đúng. Nhiều người còn xui con trèo lên bệ vệ sinh để đi, cứ phá của công vì sự ích kỉ của bản thân thì sao mà không bẩn với hỏng”- TS Hương nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.