TS Trịnh Thu Tuyết: Cảnh báo nhầm lẫn hướng dẫn viết đoạn văn

Nhiều giáo viên hướng dẫn học sinh viết đoạn văn 200 từ thành bài văn nghị luận.
Nhiều giáo viên hướng dẫn học sinh viết đoạn văn 200 từ thành bài văn nghị luận.
TPO - TS Trịnh Thu Tuyết, Nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, những năm gần đây, đề thi THPT Quốc gia có câu yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ, trong khi một số giáo viên đưa đáp án hoặc hướng dẫn học sinh viết thành bài văn với tư duy thừa hơn thiếu là không chính xác, học sinh có nguy cơ bị mất điểm.

Đề yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ

Theo TS Tuyết, từ kì thì THPT Quốc gia năm 2017, đề thi môn Ngữ văn có nhiều sự thay đổi. Đặc biệt, trong câu Nghị luận xã hội, thay vì yêu cầu học sinh viết bài văn khoảng 600 từ, đề thi yêu cầu các em viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Theo đó, các đề thi minh họa và đề thi chính thức hai năm 2017, 2018 có yêu cầu cho câu hỏi và đáp án phần nghị luận xã hội cụthể.

Đề minh họa lần 1 năm 2017, yêu cầu học sinh viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về  ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu:"Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em”.

Đề thi thử nghiệm lần 2 năm 2017, yêu cầu học sinh viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về sức mạnh niềm tin trong cuộc sống được gợi ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu.

Đề minh họa lần 3 năm 2017, thì từ nội dung phần đọc hiểu, yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.

Đề thi THPT QG 2017, từ nội dung phần đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Với đề như vậy, đán án của Bộ GD&ĐT đưa ra sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm. Sự thấu cảm tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đep hơn.

Đề thi minh họa năm 2018, cũng từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, yêucầu học sinhviết một đọan văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Đề minh hoạ là vậy, đến đề thi THPT QG năm 2018 cũng yêu cầu, từ nội dung phần Đọc hiểu, thí sinh hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

Và đáp án là xuất phát từ thực tế đất nước, mỗi cá nhân cần ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực của bản thân, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực của đất nước.

Về phần đoạn văn, là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh trong hệ thống ý hướng tới chủ đề chung của văn bản. 

Quan sát các đề và đáp án sau đó của Bộ trong câu NLXH, đặc biệt trong hai đề thi THPT Quốc gia năm 2017 và 2018, có thể nắm bắt chính xác yêu cầu về hình thức (một đoạn văn khoảng 200 chữ) và nội dung (nghị luận về một khía cạnh nội dung của vấn đề).

Giáo viên hiểu sai cách viết đoạn văn

TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ, thực tế hai năm qua cho thấy, bất chấp những yêu cầu chuẩn mực của đề và đáp án câu hỏi NLXH trong đề thi THPTQuốc gia, nhiều tỉnh, thành hay nhiều trang mạng... vẫn công bố những đề và đáp án chưa đáp ứng yêu cầu của một đoạn văn, không khỏi khiến phân tâm cho thầy và trò trong quá trình dạy, học, ôn luyện...

Lấy ví dụ gần đây nhất, trong bài "Đáp án chi tiết đề thi tham khảo THPT Quốc gia 2019 môn Ngữ văn"đăng trên báo mạng, đáp án cho câu nghị luận xã hội vẫn cho thấy người ra đáp án chưa nắm vững tinh thần về chuẩn đáp án cho đoạn văn nghị luận xã hội của Bộ.

Với đề bài: "Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống", có thể thấy rõ đề bài yêu cầu học trò trình bày suy nghĩ về một nội dung nhỏ của vấn đề, đó là "bài học cho bản thân trong vấn đề thay đổi để thành công".

Tuy nhiên, phần gợi ý đáp án đăng trên báo viết như sau: "Để thành công thì thay đổi là một trong những yếu tố cần thiết trong cuộc sống. Mỗi người khi bàn về điều này sẽ có quan niệm khác nhau, hiểu nôm na thì nó là sự biến đổi khác biệt so với trước đó. Có thể thấy, chất cuốc sống là sự thay đổi, nó diễn ra không chỉ trong hành động mà còn trong cả suy nghĩ.

Cho nên, mỗi quyết định nào đó đều có thể làm nên sự khác biệt trong cuộc đời của một người. Khi mang trong mình tâm thế đối diện và sẵn sàng thay đổi sẽ giúp giúp cuộc sống con người có được nhiều phương tiện sống tốt hơn, nhiều cách làm hiệu quả hơn, nhiều ước mơ đạt được và sống ý nghĩa hơn.....

Tuy vậy, đáng buồn là hiện nay không phải ai cũng có tư duy thay đổi cho nên cuộc sống của họ không hề được cải thiện gì thêm, sống trong một vòng lẩn quẩn, mặc cho dòng đời đưa đẩy, họ cam chịu trong kiếp người khốn khổ.

Nói tóm lại, tất cả chúng ta đặc biệt là thế hệ trẻ và cả bản thân tôi nữa cần nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có những thay đổi phù hợp và tích cực nhất. “Bạn không thể mong đạt được những mục tiêu mới hay vượt qua hoàn cảnh hiện tại nếu bạn không thay đổi.”_Les Brown"

Đây thực chất là đáp án cho "bài văn" nghị luận về toàn bộ vấn đề "thay đổi để thành công". Do vậy, cần có cảnh báo về hai điểm sai cơ bản trong một đáp án được đăng tải trên báo, có thể gây hiệu ứng lan tỏa đáng ngại cho thầy trò cả nướcvề cách thức ôn tập. TS Tuyết nói: “Thứ nhất, sai về vấn đề nghị luận. Thứ hai, sai về cấu trúc nội dung của đoạn vănnhư vậy là chưa chính xác”.

Trong Hướng dẫn chấm thi của Bộ năm 2018, có lưu ý giáo viên khi chấm rất cụ thể là, không cho điểm tối đa đối với các bài làm có cách triển khai ý như 1 bài văn. Tuy vậy, vẫn tồn tại một hiện tượng đáng ngại, đó là có những giáo viên tuy nắm bắt chính xác tinh thần của Bộ, hiểu yêu cầu về nội dung và hình thức một đoạn văn, nhưng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, lo lắng cái đúng có nguy cơ bị cái sai lấn át, lo học sinh mình thiệt thòi, mất điểm, đành khuyên trò “ thừa hơn thiếu cho yên tâm”.

Đó cũng là nguyên nhân khiến cái sai ngày càng lan rộng, và mặc nhiên thành một giải pháp an toàn. Ngoài ra, cũng còn hiện tượng một số thầy cô khi ra đề NLXH chưa thật lưu tâm trong câu lệnh, có khi yêu cầu “viết bài luận khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về....” thay vì yêu cầu “Viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về...”. Sự thiếu nhất quán khi dùng thuật ngữ “bài văn/ đoạn văn” cũng là nguyên nhân khiến học trò băn khoăn khi triển khai ý cho đoạn văn NLXH! 

Từ thực tiễn dạy và học đó, TS Trịnh Thu Tuyết bày tỏ sự mong muốn, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn cụ thể hơn tới các Sở Giáo dục trong cả nước, thống nhất về cách hiểu tiêu chí hình thức và nội dung của đoạn văn, cảnh báo những cách hiểu sai lầm khi coi đoạn văn là bài văn thu nhỏ - sai lầm ấy không chỉ làm sai lệch cách hiểu về đoạn văn, sai với chỉ đạo của Bộ đã thể hiện trong đáp án đề thi QG hai năm 2017, 2018 mà còn có thể dẫn tới sự thiếu khách quan, thiếu công bằng, gây thiệt thòi cho học sinh trong kì thì QG năm 2019 do chủ trương chấm chéo các tỉnh thành trong cả nước.

MỚI - NÓNG