Từ 2010 trở đi mới nên thực hiện cải cách

Từ 2010 trở đi mới nên thực hiện cải cách
TP - Đó là ý kiến của GS Lê Văn Giạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp là người “mở màn” cho các cuộc trao đổi trên diễn đàn “Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ và…” .
Từ 2010 trở đi mới nên thực hiện cải cách ảnh 1
Trao đổi kinh nghiệm làm bài sau giờ thi

Diễn đàn này trên báo Tiền phong  và trên www.tienphong.vn từ ngày 23/10 đã nhận được hàng ngàn ý kiến đóng góp của độc giả.

GS Lê Văn Giạng nhận xét:

Ý kiến của GS Văn Như Cương mở màn diễn đàn do báo Tiền phong tổ chức cũng như những ý kiến của độc giả dù hưởng ứng hay phản bác là một cuộc sinh hoạt dân chủ về một vấn đề có ý nghĩa thời sự lớn ở nước ta và rất đáng được các cơ quan quản lý và nghiên cứu giáo dục nước ta hoan nghênh và tham khảo một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Hàng trăm các ý kiến tham gia, trong đó đa phần ủng hộ ý  kiến của GS Văn Như Cương, đa phần đưa ra ý kiến ngần ngại, phản đối và đề nghị nghiên cứu kỹ là điều đáng để các nhà hoạch định chính sách giáo dục suy nghĩ.

Một ý kiến nói rằng trên diễn đàn gần như là ý kiến của những người tự do không thuộc hệ thống quản lý giáo dục, nhà trường...?

Tôi chưa làm thống kê để xác định trong đó có bao nhiêu người là không chuyên về giáo dục, nhưng trong diễn đàn có rất nhiều ý kiến của các giảng viên ĐH, giáo viên phổ thông, các học trò phổ thông và ĐH, không lẽ đó là người ngoài?

Vả lại, trên một diễn đàn dân chủ về giáo dục, nhất là bàn về một vấn đề sát sườn với hầu hết mọi người trong xã hội như vấn đề thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì nên hiểu thế nào là chuyên về giáo dục?

Thầy cô lẽ dĩ nhiên là rất chuyên rồi. Sinh viên và các học sinh (đang học hay đã ra trường) có những kinh nghiệm bản thân về thi cử cũng phải được coi là rất đáng được lắng nghe.

Rồi đến các phụ huynh của học sinh và sinh viên cũng có những trăn trở, lo lắng, kiến nghị rất cần được các cơ quan có trách nhiệm về giáo dục phải tìm  hiểu, cân nhắc khi dự định đưa ra những chủ trương có tác động nhiều đến các gia đình như các chủ trương về thi cử mà chúng ta đang bàn.

Trên diễn đàn của báo Tiền phong, chỉ có 3 thành phần nói trên, mà hình như 2 thành phần đầu lại chiếm tuyệt đại đa số. Vì vậy sẽ là sai lầm nếu coi nhẹ các ý kiến đó vì lý do họ là những người “không chuyên”.

Vị lãnh đạo này cũng nói rằng Bộ GD&ĐT đã đưa vấn đề ra bàn bạc trong các hội nghị của ngành với các sở, phụ trách các trường phổ thông và đạt được sự đồng tình cao. Phải chăng những ý kiến của các thành phần “chuyên” sâu hơn như trên là đủ để các cơ quan có trách nhiệm quyết định chủ trương lớn như vậy?

Tất nhiên những hội nghị với các thành phần như vậy là không thể thiếu để Bộ GD&ĐT đi đến những quyết định đúng đắn và để sau này triển khai việc thực hiện được thông suốt.

Nhưng với những vấn đề tác động đến rất nhiều thành phần trong xã hội như các cuộc thi quốc gia thì còn cần phải tìm hiểu ý kiến của nhiều thành phần khác: các trường ĐH, CĐ quan trọng không kém ý kiến Sở, trường phổ thông; ý kiến giáo viên quan trọng không kém ý kiến các cán bộ quản lý.

Tất nhiên, cũng cần tìm hiểu lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên và cả của phụ huynh nữa. Nói chung các ý kiến của những thành phần khác nhau đó cũng thường khác nhau vì phản ánh những hiểu biết, kinh nghiệm và cả những quyền lợi khác nhau, vì thế muốn có quyết định đúng đắn và có sức thuyết phục cao, được sự đồng tình rộng rãi thì phải chú ý tìm hiểu và lắng nghe tất cả các luồng ý kiến khác nhau nói trên.

Ông đã đưa ra 4 phương án khả dĩ về cải cách 2 kỳ thi quốc gia và nói rằng phương án nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, muốn chọn phương án nào thì phải xác định rõ và đúng các mục tiêu ưu tiên. Theo ý ông nên xác định những ưu tiên nào?

Tôi xin kiến nghị những ưu tiên sau đây. Thứ nhất, tổ chức được những kỳ thi thật nghiêm túc và công bằng, không có tiêu cực và gian lận về phía người thi cũng như về phía người tổ chức thi và chấm thi. Thứ hai, chọn được những học sinh thật xứng đáng và phù hợp cho các ngành đào tạo ở ĐH và CĐ.

Thứ ba, tạo được sự phân luồng hợp lý để hướng nghiệp theo khả năng của học sinh vừa để phục vụ cho viêc đào tạo nhân lực có cơ cấu hợp lý cho đất nước vừa để giảm gánh nặng cho kỳ thi vào ĐH. Thứ tư, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhẹ nhàng để những học sinh học lực bình thường đều có thể tốt nghiệp.

Đạt được như vậy, việc thi cử sẽ vừa bớt nặng nề, vừa có tác dụng tốt tới việc dạy và học ở phổ thông. Muốn thế, phải có thời gian chuẩn bị rất công phu về nhiều mặt.

Cho nên, tôi đề nghị, đến khoảng  năm 2010 hay 2011 mới thực hiện cải cách, còn từ nay đến đó hãy tạm giữ phương thức thi cử như hiện nay, tập trung sức vừa để chuẩn bị cho cải cách, vừa đẩy mạnh cuộc vận động 2 không vào bề sâu, để tạo được những kỳ thi thật nghiêm túc được dư luận xã hội tin tưởng ở các địa phương và ở các trường.

“Các nước tiên tiến làm thế cả, mình cứ  theo họ mà làm”? Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Rất cần tham khảo kinh nghiệm các nước nhưng phải nghiên cứu kỹ càng, không những phải hiểu cách làm cụ thể của họ chứ không dừng lại ở những chủ trương chung chung, mà còn phải hiểu rõ tại sao họ làm như vậy, trong những điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội nào v.v... Có như thế mới tránh khỏi học tập máy móc kinh nghiệm nước ngoài không phù hợp với thực tế nước ta.

Hình thức thi tuyển của các nước chẳng hạn như Pháp, Nga, Mỹ có lịch sử hình thành hoặc quá trình chuẩn bị của nó. Những kinh nghiệm này đa dạng đến mức mà chúng ta rất dễ mắc vào bệnh “thầy bói sờ voi” nếu không nghiên cứu kỹ lịch sử hình thành của nền đại học đó.

Nói đến tham khảo kinh nghiệm thế giới rất cần tránh “cưỡi ngựa xem hoa”, lại càng cần tránh “nghe nói và truyền khẩu”.

Cám ơn ông!

Hồ Thu
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.