Tự chủ đại học cần cởi mở, thông thoáng hơn

PGS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM
PGS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM
TPO - Nhiều vướng mắc được lãnh đạo các trường đại học nêu ra, thậm chí có lãnh đạo một trường đại học còn cho biết, đã có lúc nghĩ đến chuyện xin rút, không thực hiện thí điểm tự chủ đại học.

Ngày 19/3, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo về cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Đây là xu hướng mang tính toàn cầu, là xu thế tất yếu của các quốc gia trong quản trị đại học. Với mỗi quốc gia, nguồn lực tài chính dành cho giáo dục đại học là nhân tố quyết định quy mô và chất lượng giáo dục.

Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập gồm tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tự chủ về tài chính. Theo GS,TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, bên cạnh những kết quả đạt được sau một thời gian thực hiện, tự chủ đại học còn bộc lộ không ít những tồn tại, vướng mắc, điển hình như việc quản lý tài chính chưa thật hiệu quả, vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao... Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các trường đại học công lập.

Từ kinh nghiệm thực hiện thí điểm tự chủ thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên- Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được xem là khâu then chốt trong quá trình tự chủ của các trường đại học.

Đến cuối năm 2017, 14/19 trường đã thành lập Hội đồng trường, trong đó 7 trường thành lập Hội đồng trường sau khi có quyết định được giao tự chủ. Tuy nhiên, vai trò thực sự của Hội đồng trường trong việc quản trị đại học vẫn còn là điểm tranh luận, và Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học đã khẳng định rõ hơn vai trò của Hội đồng trường đối với thực hiện tự chủ.

Để chủ trương này được thực hiện tốt hơn, ông đề nghị phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua công bố thông tin. Bên cạnh đó, yêu cầu kiểm toán cũng là một điểm đặt ra đối với các đơn vị tự chủ chi thường xuyên, do vậy cần có những hướng dẫn rõ ràng hơn về việc này.

Liên quan đến vấn đề học phí, PGS,TS. Phạm Xuân Hoan, Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đại học này là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thu học phí tuân thủ theo đúng quy định tại Nghị định 86 mà không thu thêm bất cứ khoản thu “trá hình” nào. Lẽ thường, thực hiện đúng quy định của nhà nước sẽ tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy.

Lý do theo ông Hoan, mức trần học phí theo Nghị định 86 tương đối thấp, nên hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều áp đặt mức trần, tức là áp dụng mức học phí bằng với học phí của Đại học Quốc gia Hà Nội; trong khi đại học này đào tạo rất bài bản nên phát sinh chi phí cao. Học phí giống nhau, nhưng Đại học Quốc gia lại tập trung đào tạo các ngành khoa học cơ bản không hấp dẫn thị trường, với chi phí đào tạo cao hơn để đảm bảo chất lượng, đã tạo ra sức ép tài chính tương đối lớn cho trường này.

Giãi bày những bất cập trong quá trình thực hiện, PGS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, những khó khăn luôn hiện hữu, phải suy nghĩ để vượt hết chướng ngại vật này đến chướng ngại vật khác do chưa có sự đồng bộ về hành lang pháp lý.

Bà cho rằng, nếu làm đúng các luật thì việc tự chủ không thực hiện được, còn nếu vượt luật thì rất khó, đặc biệt khi bị kiểm toán. “Án tại hồ sơ”, nên bà mong muốn nhận được sự chia sẻ từ phía kiểm toán về việc này. “Thú thực đã có lúc chúng tôi nghĩ đến phương án xin rút, vì rất nhiều cái vướng. Nếu muốn thực hiện tự chủ thành công, chúng ta phải cởi mở hơn trong việc làm luật, phải có góc nhìn phù hợp để các trường thực hiện dễ dàng hơn”, bà Nguyệt kiến nghị.

Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các trường đang gặp phải khi thí điểm tự chủ, ông Đoàn Xuân Tiên cũng cho rằng, việc kiến nghị xử lý tài chính trong những trường hợp này cũng rất khó, đặc biệt về vấn đề định mức quy đổi, thanh toán ngoài giờ. Nhưng các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước rất đa dạng, không máy móc, làm sao để vừa có tình, vừa có lý. Cái gì thuộc về cơ chế chính sách sẽ kiến nghị tháo gỡ, sửa đổi chứ không phải kiến nghị xử lý một cách cứng nhắc.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.