Tự chủ đại học, chiếc “khóa 2 chìa 4 nấc”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các trường tại hội nghị Ảnh: Nghiêm Huê.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các trường tại hội nghị Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - “Tự chủ giáo dục Đại học (ĐH) của Việt Nam hiện nay mới chỉ như chiếc khóa có 2 chìa với 4 nấc. Tùy điều kiện từng trường mà từng nấc được nhích lên. Hai chiếc chìa đó là Bộ GD&ĐT và Bộ chủ quản”.
Tự chủ đại học, chiếc “khóa 2 chìa 4 nấc” ảnh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các trường tại hội nghị Ảnh: Nghiêm Huê.

Đó là nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ giai đoạn  2014-2017, được Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 20/10 tại Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, thay mặt nhóm khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ, PGS.TS Lê Trung Thành đưa ra những tác động của Nghị quyết đối với các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện thí điểm tự chủ. Trong đó, đối với nhiệm vụ đào tạo, Nghị quyết 77 đã có những tác động đến việc mở ngành, tuyển sinh và in phôi bằng chứng chỉ.

Theo PGS Lê Trung Thành, một số trường chủ động dừng và loại các ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu người học, thị trường lao động và đồng thời mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.  Nhóm khảo sát cũng cho biết số lượng các chương trình, ngành đào tạo được mở mới trong vòng hai năm khá lớn.

Tuy nhiên, việc mở ngành được thực hiện trong bối cảnh số lượng giảng viên, cơ sở vật chất chưa cải thiện với tốc độ tương ứng. Có trường chỉ chú trọng tăng số ngành mở mới mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo. Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TPHCM Nguyễn Thiên Tuế cho biết, trong 2 năm được tự chủ trường đã mở 16 ngành.  Ngoài tác động đến đào tạo, Nghị quyết 77 cũng tác động đến  tổ chức nhân sự, tài chính và các hoạt động khác của trường.

Hội đồng trường: vẫn là hư danh

Bên cạnh những tác động tích cực tới mọi hoạt động của các trường được tự chủ, quá trình thí điểm cũng bộc lộ  nhiều khó khăn, hạn chế. Đại diện cho nhóm khảo sát, PGS. Lê Trung Thành cũng cho biết một trong những bất cập,  đó là sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách.

Bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM cho rằng,  vấn đề cần giải quyết đối với tự chủ ĐH hiện nay là mối quan hệ về hiệu lực pháp lý giữa các văn bản  giáo dục với hệ thống văn bản khác về pháp luật liên quan đến giáo dục.

Bà Mai Hồng Quỳ cũng cho rằng, cần phải thoát khỏi tư duy tự chủ ĐH là nhà nước cắt hết kinh phí, các trường phải tự bơi.  Bởi bản chất của tự chủ ĐH chính là  tạo ra một cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

“Tuy trong đề án tự chủ cho phép được tăng học phí  nhưng các trường cũng không dám tăng đến mức tối đa. Vì hiện nay, cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Các cơ sở giáo dục khác cùng đào tạo các ngành như các trường tự chủ nhưng mức học phí của họ lại thấp hơn” – bà Mai Hồng Quỳ cho hay.

Còn PGS. Nguyễn Đình Luận, hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cho biết, trường thực hiện thí điểm tự chủ từ khi chưa có văn bản chính thức cho phép của Chính phủ, năm 2008, và bị cắt kinh phí chi thường xuyên đã 9 năm.  Tuy nhiên,  khi thực hiện tự  chủ, nhà trường nhận thấy, tất cả  cán bộ giảng viên của trường, cũng như sinh viên  năng động hơn, tư duy cũng đổi khác rất nhiều. “Sinh viên đã tư duy không thể mua chất xám với giá rẻ”  - PGS. Nguyễn Đình Luận cho hay.

 Thực hiện tự chủ từ rất sớm, PGS. Nguyễn Đình Luận kiến nghị  muốn các trường ĐH quản trị tốt thì các văn bản pháp luật phải tiếp cận từ khía cạnh tự chủ. Kiến nghị thứ hai mà PGS. Nguyễn Đình Luận đưa ra đó là Hội đồng trường phải thực quyền. Hội đồng trường phải đưa ra được chủ trương, chiến lược phát triển của trường.  Đa số các hội đồng trường có vai trò giám sát rất mờ nhạt, hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu thẩm quyền cụ thể.

Một chiếc khóa hai chìa, 4 nấc

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vấn đề tự chủ giáo dục ĐH đã được nói tại Điều lệ các trường ĐH vào năm 2003. Nhưng tại sao sau 14 năm,  vẫn phải ngồi bàn bạc có nên  làm tiếp tự chủ hay không sau khi thực hiện thí điểm vừa qua. 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ ĐH là một thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới. Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện tự chủ ĐH có tính đặc thù của Việt Nam, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục ĐH thế giới.

Nói rõ về khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví von hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”. “Nấc 1 là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc 2 cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút. Nấc 3 là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên mới cho tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, đó là nấc 4 chứ không phải đã được “tháo” hết khóa đó ra. Còn 2 chìa, một chìa là của cơ quan quản lý nhà nước; chìa thứ 2 là cơ quan chủ quản” - Phó thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho hay, tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó, ra các quyền về bộ máy, về nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ và tự chủ tài chính chỉ là một phần.

Trong khi đó, chỉ còn 2 tháng nữa Nghị quyết 77  hết hiệu lực. Các trường thực hiện thí điểm cũng đang  băn khoăn cho vấn đề này.  Phó thủ tướng một lần nữa khẳng định thời gian tới, tất cả các trường ĐH đều phải tự chủ.

Đưa ra những vấn đề phải “gỡ”, Phó thủ tướng cho rằng, phải đổi mới ngay tư duy cho lãnh đạo các trường ĐH, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng.  Hội đồng trường phải quyết định được 2 vấn đề : tổ chức bộ máy nhân sự của trường và quyết định về tài chính. Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, phải có một cơ chế để lập ra các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách. Cuối cùng, phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng ĐH.

Kiến nghị bỏ cơ quan chủ quan trường ĐH

Nhóm nghiên cứu, khảo sát kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho NQ77. Xây dựng, công bố lộ trình và điều kiện để xoá bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”. Về lâu dài, các trường cần trở thành pháp nhân độc lập, không có cơ quan chủ quản.

MỚI - NÓNG