Tự chủ đại học phải gắn với kiểm soát chất lượng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh Như Ý
TPO - Chiều 12/6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật đã quy định rõ hơn về quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.  

Để đảm bảo tính khả thi, theo bà Lan, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường đại học phải làm sao cho hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, tránh mở ra quá nhiều trường trong một khu vực, làm dư thừa và gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.

Khắc phục điều này, trước khi quyết định cho mở trường, cần xem xét đến tính đặc thù, đặc biệt là dự báo nhu cầu nhân lực để trường phát triển tốt và không ảnh hưởng tới trường đã có trong khu vực.

Tuy nhiên theo ĐB Lan, tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi, mà chỉ thay đổi cách đầu tư cho hiệu quả hơn. Căn cứ vào các chỉ số đầu ra và chất lượng sản phẩm của các trường, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục đại học là hướng đi đúng, nhưng vẫn cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo cho một số ngành đặc thù, và một số ngành khó xã hội hóa thông qua hình thức “đặt hàng” với các trường có thế mạnh.

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề “trọng tâm, then chốt”. Tuy nhiên, tự chủ không phải là tự thân mà là nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Do vậy, chỉ khi nào cơ sở giáo dục đại học đảm bảo thì mới được trao cơ chế tự chủ. Trên cơ sở đó, cần làm rõ cơ chế tự chủ đại học gồm học thuật, tài chính, nhân sự, đồng thời làm rõ phương thức, trách nhiệm giải trình để có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật liên quan.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, tự chủ đại học là một nội dung trọng tâm của luật, nhưng tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình. Bộ chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tập trung vào chiến lược quy hoạch, kế hoạch và các quy chuẩn chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, vai trò thực thi, còn quản trị thuộc về nhà trường.

Theo ông Nhạ, như vậy rất tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản trị của nhà trường, giữa tự chủ, trách nhiệm tự giải trình với kiểm soát chất lượng.

Tuy nhiên, quá trình tự chủ phải thực hiện có lộ trình theo từng bước. Theo ông Nhạ, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ và tiếp tục sang một giai đoạn về tự chủ cao hơn.

Bộ đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường theo cơ chế bỏ chủ quản, trong bộ hiện nay còn 36 đơn vị và được đẩy mạnh quá trình thực hiện tự chủ theo hướng không chủ quản. Ông cũng mong muốn các bộ, ngành khác thực hiện để làm sao tự chủ phải thực sự thực chất để hạn chế can thiệp hành chính.

“Tất nhiên trong quá trình tự chủ phải bao gồm quá trình giám sát chất lượng và có lộ trình. Không có nghĩa tự chủ là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính. Đặc biệt là những trường ở vùng 3 tây như đại biểu nêu, có đầu tư, có nhiều chính sách về học bổng, học phí và miễn học phí. Đặc biệt là có những chính sách đặt hàng, đặt bài theo nhu cầu của nhà nước. Những ngành có tính đặc thù nhà nước vẫn phải đặt hàng theo nhu cầu của xã hội và chất lượng của đào tạo”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

MỚI - NÓNG