Tự do lao động trong ASEAN: Các trường đại học nhập cuộc

Đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, nhiều trường đại học Việt Nam đang từng bước nâng cao chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, nhiều trường đại học Việt Nam đang từng bước nâng cao chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Siết đầu vào, nâng cao chuẩn đầu ra, đào tạo thêm kỹ năng mềm, cọ xát với thực tế… là những gì đã, đang và sẽ được các trường đại học Việt Nam áp dụng, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời ngày 31/12/2015 với quy định nhân lực trong 8 ngành nghề được tự do dịch chuyển trong khối.

Theo công bố cập nhật thị trường lao động quý III/2015 (Bộ LĐ-TB&XH thực hiện), hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó, hơn 483 nghìn người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, người có bằng đại học trở lên thất nghiệp chiếm số lượng lớn nhất với 225,5 nghìn người. Ngoài ra, 117,3 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp không tìm được việc làm…

Sinh viên chịu ảnh hưởng trực tiếp

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ở TPHCM, cho biết, theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển, gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.

“Chúng ta có cơ hội tiếp nhận lao động có tay nghề và năng suất cao từ các nước trong khu vực và theo lý thuyết thì lao động chất lượng cao của chúng ta cũng có cơ hội thử sức, phát triển nghề nghiệp tại những nước tiên tiến trong ASEAN”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, bà Hồng băn khoăn với thực trạng trình độ lao động Việt Nam nói chung về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, ý thức còn rất hạn chế, nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với lực lượng lao động có tay nghề và kỷ luật tốt đến từ các nước trong khu vực. Nỗi lo còn hiện hữu khi giai đoạn đầu sau khi AEC được thành lập, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

Theo bà Hồng, về lý thuyết, chúng ta sẽ có cơ hội phát triển ở các nước tiên tiến, nhưng thực tế, thị trường lao động Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị tổn thương từ cơ hội này trong những năm đầu. “Sinh viên là lực lượng lao động chính trong tương lai nên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cộng đồng kinh tế này”, bà Hồng nói.

“Sinh viên hãy nắm bắt cơ hội, suy nghĩ tích cực để đón nhận các kiến thức, trau dồi kỹ năng và có thái độ phù hợp để tích luỹ nhiều nhất cho 3 vấn đề: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đặc biệt, kỹ năng hội nhập nên xem là điều bình thường, không còn mới mẻ nữa bởi các nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội đã cho thấy, để thành đạt trong sự nghiệp thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm đến 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%”.

Ông Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM

Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM là trường công lập duy nhất hiện nay được phép đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh (trừ các môn chính trị, quân sự…). Tuy nhiên, ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, vẫn có phần lo lắng khi sinh viên ra trường phải cạnh tranh việc làm với các nước trong khu vực.

Theo ông Phong, kinh nghiệm giao tiếp là điều hết sức cần thiết bởi sinh viên dù có tiếng Anh tốt, nhưng không có môi trường tiếp xúc, giao lưu với người nước ngoài thì cũng rất khó để nâng cao năng lực. Ông Phong cho rằng, nhiều người đang có công việc tốt thì không có lý do gì để họ bỏ công việc đó, chạy qua Việt Nam để cạnh tranh với chúng ta. “Nếu có thì cũng chỉ xảy ra ở những vị trí có mức thu nhập cao mà thôi. Chính vì thế, sinh viên cần phải khoanh vùng lao động, trình độ để đầu tư cho phù hợp”, ông Phong nói.

Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển đủ người. Tuy nhiên, ông Lý cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vươn tầm quốc tế trong bối cảnh gia nhập AEC và TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). “Vấn đề quan trọng là sinh viên cần tự tin để học hỏi và phát huy những tiềm năng sẵn có trên nền tảng kiến thức và cơ hội mà cơ sở giáo dục đào tạo, cả các doanh nghiệp và xã hội mang đến cho các em”, ông nói.

Tự do lao động trong ASEAN: Các trường đại học nhập cuộc ảnh 1

Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, nhiều trường đại học Việt Nam đang có các bước thay đổi để nâng cao chất lượng đào tạo. (Ảnh minh họa)

Siết đầu vào, nâng chuẩn đầu ra

Trước tình trạng sinh viên sau khi ra trường sẽ phải cạnh tranh với lực lượng có tay nghề cao, chuyên môn tốt, ông Hồ Thanh Phong cho biết, thời gian tới, trường sẽ siết đầu vào và nâng chuẩn đầu ra, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm... “Sắp tới, trong chương trình học, nhà trường sẽ đưa các kiến thức địa lý, văn hóa của các nước trong khu vực vào dạy cho sinh viên để các em làm quen, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp…”, ông Phong thông tin.

Bà Trần Thị Hồng cho rằng, các cơ sở đào tạo phải mạnh mẽ thay đổi tư duy giảng dạy, cải tổ chương trình đào tạo, cơ sở vật chất…

“Trong những năm qua, chúng tôi đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến cho nhiều ngành (trong đó có khối ngành kinh tế, y dược và kiến trúc) trên cơ sở kết hợp hài hòa nhất chương trình, giáo trình của các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc với tài liệu giảng dạy và giáo trình trong nước, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, trang bị khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh) cho các em sinh viên, giúp các em có cơ hội tiếp cận kho tri thức của thế giới với nguồn sách và tài liệu online”, bà Hồng nói.

Theo bà, trường còn đặt ra những chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng ngành học, trên cơ sở nghiên cứu những yêu cầu thực tế trong công việc của doanh nghiệp thông qua khảo sát, tham vấn mạng lưới gần mà trường đang có quan hệ rất chặt chẽ, từ đó liên tục điều chỉnh để phù hợp với thị trường.

Để sinh viên sau khi ra trường có thể cạnh tranh được với lao động trong khu vực, ông Trần Đình Lý cho biết, dù chưa tăng chuẩn đầu ra, nhưng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng có những động thái để giúp sinh viên đạt được chuẩn B1 trong khung tham chiếu châu Âu như bổ sung vào chương trình học bắt buộc 7 tín chỉ tiếng Anh cơ bản…

MỚI - NÓNG