Từ một bài văn

Từ một bài văn
TP - Bài văn của cô nữ sinh lớp 10 Hà Minh Ngọc theo đề bài: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em” (đăng trên báo Tiền phong số 242 ngày 24/10/2006) rất hay, hay đến bất ngờ.
Từ một bài văn ảnh 1
Bài văn được 9 điểm cộng của cô bé lớp 10 văn, Hà Minh Ngọc.

Đó không còn là một bài tập làm văn bình thường, mà thật sự là một tác phẩm văn chương trong trẻo, ngọt lành và sâu sắc. Có biết bao nhiêu sự anh minh, đức tin và lòng nhân từ ở trong đó!

Bài văn hay trước hết vì tác giả viết văn hay. Nhưng cũng còn vì những nguyên nhân khác nữa. Và cụ thể trong trường hợp này, bài văn hay là vì đề văn hay. Đề văn hay là vì cô giáo văn “hay”.

Trước hết là về đề văn, “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em” là một đề bài rất hấp dẫn và rất mở. Nó cung cấp đủ cả sự hứng thú và cả không gian cho sự sáng tạo.

Với một đề bài như vậy thì không thể học thuộc và sao chép mà được. Thế nhưng, nó vẫn đòi hỏi những kiến thức sâu rộng về văn chương, về con người, về xã hội và về giá trị.

Việc truyền thụ kiến thức ở nhà trường trong trường hợp này là để tạo dựng một nền tảng cần thiết cho sự nhận thức, sự chiêm nghiệm và sáng tạo cái đẹp chứ không phải là mục đích tự thân.

Về cô giáo dạy văn, cô giáo là người thật sự có hiểu biết về văn chương và về những yếu tố cần cho hoạt động văn chương. Cách ra đề bài của cô đã giúp cho chúng ta cảm nhận được điều này.

Ngoài ra, cô đã làm được nhiều điều hơn là việc giảng dạy đơn thuần. Cô đã là một người bạn tâm tình, là một người chị gợi mở và chia sẻ. Hơn thế nữa, cô còn nhìn thấy trong học sinh những nhân cách, những người đương thời “bằng vai phải lứa” với mình.

Cứ nhìn vào lời phê của cô về bài văn chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó. “Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thật sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công”. Đó là những  lời động viên không chỉ của một cô giáo, mà còn là của một người bạn biết ơn.

Rất tiếc, những gì chúng ta thấy được nhân đọc bài văn của em Hà Minh Ngọc có vẻ chỉ là chuyện ngoại lệ. Ít nhất, cách dạy và học văn như trong trường hợp nói trên vẫn chưa phải là phổ biến hiện nay.

Cách phổ biến vẫn thì là học thuộc và nhồi nhét. Cách học như vậy cùng lắm thì chỉ tạo ra được những thợ chữ, chứ chưa chắc đã tạo ra được  những nhân cách, những tâm hồn biết thưởng thức, biết rung động trước cái đẹp và sáng tạo ra cái đẹp.

Tại sao chúng ta lại không thể học văn như em Hà Minh Ngọc đã học và dạy văn như cô giáo của em đã dạy?

MỚI - NÓNG