Từ một đứa trẻ cơ nhỡ trở thành bảo mẫu cho trẻ mồ côi

Thạch Thị Ra Đô luôn xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi như chính con mình
Thạch Thị Ra Đô luôn xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi như chính con mình
Thạch Thị Ra Đô (sinh năm 1987),  quê xã Tân Mỹ, Trà Ôn (Vĩnh Long), dân tộc Khơ Me là một trong những tấm gương chăm sóc trẻ em cơ nhỡ mà lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội đánh giá cao và ghi nhận.   

Năm 1999, khi 14-15 tuổi, Ra Đô được đón vào Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long nuôi dưỡng và cho ăn học. Nơi này, được sự tận tình giúp đỡ, chăm sóc của cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, cô Trương Thị Ngọc Yến, Ra Đô đã trưởng thành.

Năm 2007, em tốt nghiệp Trung cấp nghề Điện và ở lại Tp Hồ Chí Minh làm việc. Nơi phồn hoa nhộn nhịp không níu được chân em. Trong em luôn thôi thúc những ánh mắt của những em bé cùng hoàn cảnh với em. Em mong muốn một ngày trở thành cô căm sóc trẻ.

Chị Trương Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Quản lý Chăm sóc (Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long) chia sẻ: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không nuôi được em, em phải ở với bà nội. Bà nội già em yếu không nuôi nổi nữa, các anh, em của Ra Đô (3 người) đều được đón vào đây chăm sóc, nuôi dưỡng trưởng thành. Trong thời gian ở trung tâm em luôn là người ngoan ngoãn, yêu thương các các cô chú và các bạn”.

Có lẽ vì hoàn cảnh đó, mà Thạch Thị Ra Đô luôn xót xa những đứa trẻ bị bỏ rơi như chính con mình. Công việc chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi không hề đơn giản.

Thạch Thị Ra Đô tâm sự: “Chính nơi này đã nuôi dưỡng em trưởng thành, sát cánh bên các cô để chăm sóc cho các cháu nhỏ là niềm vui của em. Lúc đầu em chỉ sợ các cô các chú không nhận, các cô các nhận em vào làm em vui lắm”

Khu vực Ra Đô chăm sóc là khu dành cho trẻ bé, có 5 cô một ca chăm sóc cho 30 trẻ, cháu bé nhất 1 tháng tuổi, cháu lớn nhất 5, 6 tuổi. Trong đó, có 3 cháu bị bại não. Chăm sóc cho các cháu ở lứa tuổi này là rất vất vả. Công việc tại đây luôn chân luôn tay vì các cháu không tự đi vệ sinh và tự vệ sinh cá nhân được.

Ra Đô tâm sự: “Khó nhất là thời gian đầu, em học về điện lại chưa có gia đình, chẳng biết chăm bé thế nào, bế trên tay các bé lọt thỏm, lại càng lo lắng. Cho các cháu uống sữa em cứ lóng nga lóng ngóng, chẳng biết pha bao nhiêu, làm sao các cháu không bị sặc…”

Ra Đô tâm sự thêm, có những đêm mấy trẻ cứ khóc hoài không chịu nín. Cô chẳng biết làm thế nào, nước mắt lưng tròng khóc theo. Nhưng nhờ sự động viên và hướng dẫn tỉ mỉ của các cô là những người mẹ thứ 2 của Ra Đô như cô Mỹ Linh, cô Yến… thêm và đó, em cũng kiên trì theo học các khóa đào tạo ngắn hạn về cho con bú, cho trẻ ăn, giờ Thạch Thị Ra Đô đã trở nên thành thạo.

Nhìn Ra Đô chăm sóc những đứa trẻ cơ nhỡ nhanh nhẹn, thành thạo và đầy tình cảm, trách nhiệm, ai cũng hiểu em đang chăm sóc các cháu không chỉ bằng tình thương của cộng đồng cho những sinh linh bé nhỏ không may mắn mà bằng trái tim đồng cảm của người đã từng lớn lên ở chính nơi này.

Trò chuyện với tôi, Ra Đô đã nhiều lần gạt nước mắt nói về các em. Cô ước ao có nhiều người tìm đến nơi này để nhận các em về làm con nuôi, cho các em một gia đình thì tốt biết bao. Bởi theo cô, dù các cô ở đây có chăm sóc nhiệt tình đến đâu, thì các cháu đông không thể bằng sự chăm sóc của một gia đình. Hơn nữa các cháu sẽ được hòa nhập vào cộng đồng….

Ra Đô tâm sự: “Anh biết không, mỗi lần em bước vào, các cháu quấn lấy em, khiến em không thể rời được mỗi ca trực trở về”. Câu nói này đã giải thích cho tôi hiểu, mặc dù hôm gặp Ra Đô tại trung tâm, cô không phải ca của mình, không nề hà vào trung tâm trực cùng các cô. Công việc của Ra Đô chăm sóc cho trẻ bận đến mức, chị Trương Ngọc Yến gọi điện thoại mấy lần nhưng Ra Đô không kịp nhấc máy….

Với những nỗ lực đó, Thạch Thị Ra Đô luôn được Ban lãnh đạo Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long đánh gia cao. Năm nào Ra Đô cũng được là lao động tiên tiến.

Nói về các cháu nhỏ lang thang cơ nhỡ, anh mắt Ra Đô lúc vui lúc ngấn lệ, nhưng hỏi về hoàn cảnh gia đình, em ngại ngùng chia sẻ, em không có nhà, phải thuê trọ ở gần chỗ làm, chồng em không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm đấy. Cuộc sống gia đình, vợ chồng, con cái dựa cả vào lương hơn 2 triệu đồng và phụ cấp của Ra Đô.

Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng với lòng yêu nghề yêu trẻ, đồng cảm với những sinh linh bé nhỏ không may mắn, Thạch Thị Ra Đô mong muốn được gắn bó lâu dài ở đây. Hiện này, sau giờ làm em vẫn đi học bổ túc văn hóa hết cấp 3 để có nhiều kiến thức hơn chăm cho các cháu.

Bài viết phục vụ tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội (Đề án 32)

MỚI - NÓNG