Tự tử vì sợ trượt ĐH: Cần giáo dục bản lĩnh cho học sinh

Tự tử vì sợ trượt ĐH: Cần giáo dục bản lĩnh cho học sinh
Hành động tự tử vì sợ trượt đại học của Trần Duy Hùng, học sinh lớp 12 Toán 2 Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) một lần nữa đặt ra vấn đề giáo dục bản lĩnh cho học sinh để các em có thể đối mặt với những thử thách khi bước vào đời...

Lần tìm mãi cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà của em Hùng. Mẹ Hùng ngồi đờ đẫn nhìn bàn thờ con trong nỗi đau tột cùng. Anh Thịnh - bố Hùng cũng nghẹn ngào không nói được gì nhiều. Nhìn gương mặt khôi ngô, tuấn tú của em trong tấm ảnh thờ, chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.

Một số người chứng kiến vụ việc kể lại: Khoảng 17h ngày 2/8/2005, mẹ em Hùng đi làm về thì thấy Hùng đã tự vẫn trên tầng 2. Vừa lúc đó, bố Hùng cũng về tới nhà. Gia đình và hàng xóm đã nhanh chóng đưa Hùng vào Bệnh viện I Nam Định cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Theo thông tin từ người dân sống cạnh nhà Hùng thì việc em tự tử là rất bất ngờ. Trước đó, Hùng còn đèo xe đạp đưa em đi học, sau đó về nhà tắm rửa, giặt giũ. Khi đưa Hùng đến cấp cứu tại Bệnh viện I Nam Định mọi người nhận thấy tóc em vẫn chưa khô.

Một số người quen cho biết, lúc 13h cùng ngày Hùng lên mạng xem điểm thi ĐH. Hùng đăng ký vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bài thi đạt 20 điểm, trong khi phương án điểm chuẩn của trường còn đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt và sẽ có quyết định chính thức sau ngày 15/8/2005.

Ông Nguyễn Đình Hoan tổ trưởng tổ dân phố số 11 ngậm ngùi than với chúng tôi về sự nông nổi đáng tiếc này. Ông Hoan cho biết thêm, bố mẹ Hùng đều đang công tác tại Công ty Cổ phần May Nam Định, là công dân gương mẫu ở tổ dân phố. Hùng sống trầm tính, ít nói nhưng ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ.

Theo bạn bè của Hùng, trong các lần gặp  gỡ trước đó Hùng đã tự tính điểm làm bài thi ĐH và xác định mình sẽ không đỗ năm nay. Việc thi trượt đã được Hùng dự đoán từ trước khi xem kết quả điểm thi trên mạng.

Cô Phạm Ngọc Hạnh, giáo viên chủ nhiệm của Hùng cho chúng tôi xem sổ điểm của lớp, Hùng có điểm tổng kết trung bình cả năm là 7,5. Lớp Toán 2 là lớp dự bị chuyên có 50 học sinh và có tới 37 em xếp học lực đạt loại giỏi. Học lực của Hùng so với các học sinh của trường khác là cao nhưng so với lớp Toán 2 và các lớp khác của trường Lê Hồng Phong thì chỉ ở mức khá.

Được biết, mỗi năm Trường PTTH Lê Hồng Phong  tổ chức thi thử ĐH 4 lần đối với khối 12, trong 4 lần thi có 2 lần Hùng đạt cao nhất là 18 điểm. Như vậy, điểm thi ĐH của Hùng đạt 20 là đã cao hơn so với cả 4 lần thi thử, chứng tỏ em đã rất cố gắng và điểm thi phần nào đã phản ánh đúng sức học của em.

Cô Hạnh cho biết, ở lớp Hùng không mấy sôi nổi, chỉ chơi thân với một bạn tên là Trần Sơn Hải và một cô bạn khác học ở lớp 12 chuyên Pháp.

Gặp Trần Sơn Hải, chúng tôi biết thêm: Hải, Hùng và cô bạn kia học cùng với nhau từ cấp II. May mắn là trong kỳ thi ĐH vừa diễn ra Hải và cô bạn thân đều đạt điểm cao; hai người anh em họ hàng gần nhà của Hùng cũng vậy.

Sự việc đáng tiếc xảy ra đột ngột khiến các bạn thân của Hùng đều bàng hoàng, đau xót, niềm vui đạt điểm cao như mất đi một nửa. Ai biết Hùng nghĩ gì trong phút giây oan nghiệt ấy và chẳng ai dám khẳng định nguyên nhân đích thực đã khiến một thanh niên đầy sức sống tự dứt bỏ cuộc đời mình.

Có phải vì sức ép học tập và thi cử?

Ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: “Cần định hướng, động viên... đừng “thần tượng hoá” con em và học sinh của mình”

Sau khi vụ việc xẩy ra, PV báo Tiền Phong đã gặp ông Nguyễn Tất Thắng để tìm hiểu nguyên nhân và được ông Thắng cho biết: “Vụ việc xẩy ra thật là đau xót. Sau khi nghe tin, lãnh đạo Sở chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường đến phúng viếng và động viên người nhà gia đình em Hùng. Và cũng đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường báo cáo rõ về vụ việc…”.

Hành động của em Hùng có phải do bắt nguồn từ sức ép của học tập và thi cử không thưa ông?

Sức ép có nhưng không phải lớn đến mức để em Hùng phải hành động như thế. Cũng còn những em khác không đỗ ĐH nhưng không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, sau vụ việc này chúng tôi sẽ yêu cầu nhà trường phải rút kinh nghiệm.

Thưa ông, trách nhiệm của nhà trường trong vụ việc này?

Việc giáo dục đạo đức, thái độ học tập ở nhà trường có thể còn hạn chế. Nhà trường cần phải tư vấn, góp ý… cho học sinh để tránh những vụ việc tương tự xẩy ra.

Qua vụ việc này, ông có khuyến cáo gì ?

Đó là điều hết sức đáng tiếc, gây đau xót cho nhà trường và thầy cô giáo. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần định hướng, động viên… cho học sinh và con em. Đừng nên “thần tượng hóa” con em và học sinh của mình!

Nhiều phụ huynh có con đang học tại trường Lê Hồng Phong cho biết: Để trở thành học sinh của ngôi trường danh giá này, học sinh phải trải qua một kỳ thi hết sức gắt gao. Sau khi vào trường, các em càng phải cố gắng. Có một cuộc thi đua thường xuyên, nói là cạnh tranh cũng được, rất quyết liệt. Học sinh nào điểm thấp thường là cảm thấy xấu hổ.

Một cựu học sinh cho chúng tôi biết, nếu thi trượt ĐH, sức ép tâm lý lớn lắm vì đã trót mang trên mình “thương hiệu” Lê Hồng Phong(?). Có bạn thi trượt ra đường thường tránh gặp người quen. Rất ngại tiếp xúc với bạn bè, thầy cô…

Một phụ huynh khác thì cho biết, đa số học sinh Lê Hồng Phong hết sức tự giác trong việc học tập, nhưng có phải chính điều đó đã làm nên sức ép vô hình với các em?

Việc học tập gần như choán hết thời gian của những người đang tuổi ăn tuổi lớn, nhiều em bị cận hoặc luôn trong tình trạng mệt mỏi; thậm chí, có em học xong ra khỏi cổng cứ đờ đẫn… Hùng có phải là người không may mắn rơi vào số  đó?

Chúng tôi đã gặp thầy Cao Xuân Hùng - Phó hiệu trưởng trường Lê Hồng Phong. Thầy Hùng cho biết: “Đó quả là một việc rất đáng tiếc. Hành động của em Hùng không chỉ để lại nỗi đau lớn cho gia đình mà còn cho nhà trường, bạn bè em và các thầy cô giáo”.

Chúng tôi hỏi: “Nguyên nhân dẫn đến hành động nông nổi đáng tiếc của em Hùng là gì?”. Thầy Hùng nói: “Rất khó khẳng định vì sao một người tự tìm đến cái chết, nhất lại là ở lứa tuổi tâm tính chưa ổn định như em Hùng. Thêm nữa, em Hùng còn là một học sinh sống trầm tính, ít cởi mở với bạn bè và thầy, cô giáo…”. 

“Nhiều phụ huynh cho rằng việc học hành căng thẳng đã tạo nên sức ép đối với học sinh?”. “Nhà trường có tiêu chí của nhà trường, học sinh cũng thế. Vì Lê Hồng Phong là trường điểm nên đòi hỏi có cao hơn trường khác. Nhưng không thể nói sức ép do học tập và thi cử là nguyên nhân chính”.

Đúng là chỉ có em Hùng mới trả lời được những câu hỏi nhói lên trong lòng gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Nhưng sự việc đáng tiếc và đau xót xảy ra trùng với thời điểm các trường ĐH đang bắt đầu công bố điểm chuẩn khiến dư luận dễ liên hệ đến sức ép từ việc học hành, thi cử mà lâu nay các em học sinh phải gánh chịu.

“Sự cố” tương tự như ở trường Lê Hồng Phong - Nam Định năm nay đã từng xảy ra trong một vài mùa thi trước. Theo thiển ý của chúng tôi  thì  dường như lâu nay chúng ta chỉ tập trung vào cung cấp kiến thức mà có phần sao nhãng việc giáo dục bản lĩnh, lý tưởng và lẽ sống cho học sinh để các em có thể đối mặt với những thử thách khi bước vào đời, có nghị lực vượt qua những thời điểm khó khăn để sống mạnh mẽ và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Trở lại vụ việc này, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần cùng ngành giáo dục và các bậc phụ huynh rút ra những bài học cần thiết để câu chuyện đau lòng trên không bao giờ xảy ra nữa.

MỚI - NÓNG