Tư vấn du học: Thật giả khó lường!

Tư vấn du học: Thật giả khó lường!
Chuyện du học ngày càng trở nên bình thường với những gia đình có điều kiện. Chỉ cần được thư chấp nhận của một trường ở nước ngoài và nước đó cấp visa nhập cảnh là có thể du học.

Tuy nhiên, những đường đi nước bước để có được hai thứ ấy lại muôn hình vạn trạng. Và thực tế đó đang tạo cơ hội cho nhiều trung tâm tư vấn du học "làm mưa làm gió" đối với học sinh có nhu cầu du học...

Bát nháo thủ tục, hồ sơ

Sự đa dạng của các thành phần tham gia dịch vụ du học đã tạo nên một sự cạnh tranh khá gay gắt về chất lượng phục vụ, và trong thực tế HS gặp phải những chuyện dở khóc dở mếu không phải hiếm. Gia đình bà N., thường trú tại Q. Phú Nhuận, TP.HCM là một ví dụ.

Tin tưởng Công ty tư vấn du học S, bà ủy thác tương lai của con mình cho công ty để mong con sớm được sang du học Mỹ. Vì thế khi công ty yêu cầu bà ký giấy ủy quyền xin visa cho một người hoàn toàn xa lạ nào đó, bà cũng làm theo.

Bà khẳng định: "Tôi chưa bao giờ biết mặt mũi của người đó như thế nào, công ty bảo làm vậy nên tôi làm". Nhưng kết quả nơi công ty đưa con bà đến học chỉ là một trường trên đảo vắng có vài chương trình liên kết đào tạo với Mỹ.

Đáng tiếc đó không phải là trường hợp duy nhất. Hàng chục gia đình đến đăng ký làm thủ tục du học tại Công ty S đều ký một tờ giấy ủy quyền tương tự cho một người có số chứng minh nhân dân 111324185 để thay mặt và nhân danh mình đi xin visa.

Và thật lạ, visa mà người được ủy quyền đó xin cho con họ đều là những visa quá cảnh trong thời hạn chỉ có... ba ngày, mặc dù không có quốc gia nào lại cấp visa quá cảnh chỉ vài ba ngày cho du học sinh.

Chính vì thế, các học sinh đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục hải quan ở các sân bay và buộc phải xin lại visa du học sau khi đã đến nơi, trong khi số khác phải trở về nước bất đắc dĩ. Một trường hợp khác cũng buộc phải về nước mà chúng tôi vừa phát hiện là trường hợp của học sinh P.T. (Gò Vấp, TP.HCM).

Đầu tiên P.T. đến Công ty tư vấn du học A để được tư vấn và làm thủ tục du học Canada. P.T. báo công ty biết mình đã bị mất học bạ THPT. Thế nhưng không biết bằng cách nào, trong hồ sơ của học sinh này lại có một bộ học bạ được dịch sang tiếng Anh hết sức đường hoàng.

Học bạ được Công ty A chứng nhận dịch từ bản gốc tiếng Việt ngày 8/11/2004. Trong học bạ này, điểm số các môn của P.T. rất "đều đặn". Điểm trung bình học kỳ I năm lớp 10 là 5,9; học kỳ II là 6,1, trung bình cả năm là 6,0. Năm lớp 11 là 6,2 - 6,3 - 6,3 và năm lớp 12 là 6,3 - 6,3 - 6,3 (!)

Chưa hết, sau khi P.T. bị Lãnh sự quán Canada từ chối cấp visa, phía Công ty A đã gợi ý "làm sạch" dấu vết từ chối visa bằng một hộ chiếu hoàn toàn mới để đi du học một nước khác.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty này còn sẵn sàng làm khống một số giấy tờ khác. Trong phiếu yêu cầu cung cấp các giấy tờ, thủ tục du học Cyprus, Công ty A công khai ghi "sổ tiết kiệm ngân hàng có thể chứng khống".

Tiền mất, học dở dang

Đau đớn hơn nữa là trường hợp của bà P., ngụ Q.8, TP.HCM. Do có ý định đưa con gái đang là học sinh lớp 10 đi du học Úc từ lâu nên bà tìm mọi cách nhờ vả giám đốc một trung tâm Anh ngữ là Việt kiều Úc giúp đỡ.

Bà P. kể: “Thời gian đầu, bà giám đốc nói rằng bà chỉ tìm cách giúp đỡ để đưa con tôi đi du học chứ không phải làm dịch vụ, lấy lợi nhuận gì cả. Cho nên về tiền bạc thì cứ làm đến đâu, hết bao nhiêu thì đưa đến đó. Thấy bà là Việt kiều Úc, lại là người làm giáo dục nên tôi hoàn toàn nghe theo”.

Công việc được chuẩn bị trong một thời gian khá dài và chính thức được bắt đầu bằng một khoản đặt cọc 2.000 USD để triển khai cái gọi là hợp đồng du học. Cho đến trước khi T. lên đường du học thì số tiền bà P. đã phải đóng, theo chứng từ còn giữ được, là 19.300 USD.

Mọi việc diễn tiến tốt đẹp cho đến khi T. kết thúc ba tháng học ngoại ngữ đầu tiên về quê ăn tết. Khi quay trở lại trường, T. được thông báo chưa đóng đủ học phí cho năm học đầu tiên.

Không lý giải được với nhà trường và cũng không chịu được sức ép, T. buộc phải quay về nước và trở thành một học sinh... thất học do đã lỡ trường lỡ lớp.

Đón con trở về, bà P. nhiều lần liên lạc với bà giám đốc để hỏi cho ra lẽ. Nhưng sau bao nhiêu lần gặp gỡ, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Bà P. cho rằng mình đã đóng đủ tiền trọn năm học cho con nhưng bà giám đốc trung tâm chưa chuyển đủ cho trường. Còn bà giám đốc thì lý giải rằng số tiền bà nhận được đã chi vào việc giúp T. đi học và giúp bà P. sang Úc thăm con mình.

Trong khi đó gần đây hàng loạt học sinh lại làm ầm ĩ vụ Công ty tư vấn đầu tư dịch vụ thương mại Xuân Vinh không đưa họ lên đường du học Hà Lan như thỏa thuận ban đầu.

Vẫn "bài ca" quen thuộc, Công ty Xuân Vinh rêu rao không thu phí dịch vụ. Thậm chí, công ty này còn thông báo đang thực hiện chương trình liên kết với Trường ĐH Fontys - Hà Lan, hỗ trợ đào tạo cho học sinh, không cần xin visa tại VN, bảo lãnh trình độ tiếng Anh.

Thế nhưng khi trả lời câu hỏi cơ quan chức năng nào cho phép việc thực hiện chương trình liên kết thì bà Nguyễn Thanh Thúy, phụ trách đào tạo, đã thừa nhận chẳng qua cũng chỉ là đại lý tuyển sinh cho trường bên kia mà thôi. Về lệ phí, bù vào cái gọi là miễn phí dịch vụ, công ty này thu một số tiền không nhỏ dưới tên gọi khác: "phí chương trình".

Vì lợi nhuận trước mắt của mình, các công ty tư vấn du học, các đơn vị môi giới đã bất chấp tất cả để đưa học sinh ra nước ngoài mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao.

Nếu không sớm có một sự giám sát, kiểm tra hợp lý, chắc chắn du học sinh du học tự túc vẫn còn phải đối mặt với tình trạng tư vấn không đúng về điều kiện học tập, chương trình học, bằng cấp và cả với sự cám dỗ của những trò gian dối .

MỚI - NÓNG