Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO
(TPO) Đúng 14h, các khách mời của chúng tôi đã có mặt để sẵn sàng tư vấn cho các bạn học sinh trên cả nước. Gần 100 câu hỏi đã được giải đáp. Buổi tư vấn đã phải kéo dài ngoài thời gian dự kiến 30 phút.
Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 1

Đến dự buổi tư vấn trực tuyến hôm nay còn có đông đảo các học sinh 2 trường THPT Nguyễn Trãi và Việt Đức Hà Nội.

Mở đầu buổi tư vấn, các thầy giáo đã đưa ra những lời khuyên cơ bản nhất trong từng môn thi.

Thầy Nguyễn Ngọc Long nói : Tôi xin nói về chủ trương ra đề. Đề thi tuyển sinh và các trường ĐH CĐ phải đạt yêu cầu là kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh. Trong phạm vi chương trình học phổ thông, chủ yếu lớp 12.

Riêng môn Vật lý, chủ yếu kiến thức lớp 12. Trong nội dung ra đề, có 1 số công thức điện và chuyển động cơ học ở lớp 10 và lớp 11, nhưng không ra đề lý thuyết, chỉ chủ yếu là công thức. Tuy nhiên các công thức sẽ được dạy trong chương trình lớp 12.

Nếu nắm vững chương trình lớp 12 thì tôi cho là đủ.

Tôi xin nói ngắn gọn, tý nữa tôi sẽ giải đáp tiếp:

- Nắm vững các khái niệm, các hiện tượng vật lý.

- Để có thể nhớ và hiểu chính xác các khái niệm, khi học phải so sánh.

Môn vật lý chủ yếu hỏi kiến thức. Lý thuyết sẽ được ra rất ngắn gọn, nhưng muốn trả lời được phải thuộc và biết suy nghĩ, tổng hợp thì mới trả lời đầy đủ.

- Về các hiện tượng, chúng ta phải thuộc các công thức, định luật để giải thích các hiện tượng. Nếu đề thi ra khác công thức 1 chút thì chúng ta rất dễ bị nhầm. Các em phải lưu ý từng trường hợp khác nhau.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 2
Thầy Nguyễn Vũ Lương (bên trái)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Thực chất các đề thi đại học không khó. Có 4 tiêu chuẩn các thí sinh cần lưu ý: 1.Giải được; 2. Giải đúng; Giải đủ; 4. Giải đẹp.

Để học thi, các em yên tâm một điều là đề Toán đều dựa trên các nội dung cơ bản. Nhưng chính sự cơ bản này là một điều rất khó.

Một lời khuyên của tôi: Toán là cần phải học kỹ từng loại bài tập, phải làm đến tận cùng đầy đủ các bước. Khi biết được một nội dung cơ bản nào phải biết chắc chắn trước khi sang nội dung khác. Nội dung thi nhiều phần rất cơ bản như: Khảo sát hàm, nguyên hàm, tích phân xác định, đại số tổ hợp....

Em Nguyễn Đăng Huy, HS lớp 12 trường PTTH Nguyễn Trãi: Theo kinh nghiệm các anh chị đã từng thi: Khi làm bài xong để ra 4- 5  dòng để nếu có gì sai thì có thể chữa được. Xin hỏi các Thầy nếu làm như vậy thì có bị coi là đánh dấu bài hay không?

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 3
PGS TS Nguyễn Ngọc Long

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long: Các em khi làm bài thi trên giấy ở bất kỳ chỗ nào thì các thầy vẫn chấm. Tôi nghĩ các em không nên để trống như vậy vì sau khi làm xong bài thì vẫn có thể bố sung, sửa chữa được những phần muốn giải ở phần cuối của bài.

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Khi làm bài trên giấy thi, bất kỳ ở chỗ nào các thầy vẫn chấm. Vì vậy, cứ viết tuần tự, sau này bổ sung vẫn được, không vấn đề gì.

Một học sinh: Em sợ nếu để cách quãng nhiều quá thì sẽ gây phản cảm cho người chấm. Như vậy có sao không ạ?

Tất nhiên là không nên. Các thầy cũng không để các em bị thiệt. Tuy nhiên các em nên tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy khi chấm bài. Chẳng hạn các ký hiệu, các em nên sử dụng đúng như trong chương trình học trong sách giáo không hoặc các ký hiệu thông dụng, không nên đặt ký hiệu tùy tiện làm cho người chấm sẽ mệt mỏi và dễ nhầm.

Học sinh trường Nguyễn Trãi: Bọn em thường để cách vài dòng sau mỗi bài giải, phòng trường hợp bổ sung thông tin thiếu. Như thế khi chấm, bài thi của em có bị cho là đánh dấu không?

Tiến sĩ Lê Kim Long: Đánh dấu hay không đánh dấu không quan trọng. Bởi vì bài thi có đến hai hoặc ba người chấm thi độc lập cho nên không thể có chuyện ưu tiên và nhận ra bài của người quen được. Mà có nhận ra người quen thì cũng không thể cho điểm "liều" được. Các em làm thế thì sẽ rất "tốn" giấy! (Cười!)

Một học sinh trường Nguyễn Trãi: Khi làm bài toán Hoá thì không lường được những hiện tượng bất ngờ nên cảm thấy bài toán Hoá khó giải! Theo các thầy thì bọn em nên làm thế nào?

Tiến sĩ Lê Kim Long: Nếu các em phân biệt được rành rọt từng phản ứng, từng chất thì các em sẽ không bị bất ngờ trước đề bài. Chất phản ứng thì xảy ra phản ứng gì? Trong đó các chất tạo thành thì ở trạng thái nào? Có phản ứng nữa không? Nếu có thì lại tạo thành chất gì? Khi nào kết thúc không có phản ứng nữa thì tính toán theo yêu cầu của đề bài.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 4
Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Theo quy định của Bộ, chương trình học của các trường có thể có đôi chút khác nhau. Tuy nhiên, nếu làm đúng theo chương trình SGK đã hướng dẫn thì sẽ không bị trừ điểm. Đáp án và thang điểm của Bộ cho theo từng phần một chứ không phải theo đáp số cuối cùng. Nếu các em làm bài được đến đâu sẽ chấm điểm đến đó.

Tiến sĩ Lê Kim Long: Theo thầy, em nên đọc lý thuyết rồi mới  làm bài tập. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay em sẽ cảm thấy biết hết về mặt lý thuyết nhưng không vận dụng được. Vì thế, khi giải các bài tập cần liên tưởng đến các phần lý thuyết liên quan. Như thế vừa nhớ được lý thuyết lại vừa giải được bài tập. Và em cũng nên dành thời gian thích hợp để nghỉ ngơi giải trí thì hiệu quả học mới cao. Chúc em vừa học vừa chơi thoải mái mà vẫn đạt kết quả tốt.

Em xin hỏi ngoài việc học kĩ kiến thức cơ bản thì trong làm bài thi cần phải trình bày theo ý mình đươc không?(Nguyễn Văn Lý, 19 tuổi, Việt Trì-Phú Thọ)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Hoàn toàn được. Miễn là em trình bày một cách mạch lạc, logic.

Em học hoá hữu cơ kém, không thể nào em nhớ nổi những phản ứng hoá học. Các thầy có thể chỉ cho em cách để học tốt môn hóa được không ạ? (Trang, 18 tuổi, Lò Đúc, Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Đặc trưng của môn Hoá hữu cơ là phản ứng xảy ra theo nhiều cách khác nhau, tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Vì thế, cần phải nhớ điều kiện phản ứng. Khi học một phản ứng, em phải so sánh điều kiện để cùng những chất ấy ở điều kiện khác sẽ tạo ra sản phẩm gì. Như thế thì em nhớ được cả hai phản ứng. Đó cũng là nhược điểm của môn Hoá là phải nhớ nhiều.

Trong các buổi thi thử em thường làm bài rất tốt, nhưng không hiểu sao đến khi thi chính thức em lại đạt kết quả không tốt mặc dù theo đánh giá, đề thi chính còn dễ hơn là thi thử. Thầy có thể cho em biết làm sao để em có thể đạt "phong độ" tốt nhất trong lần thi chính không ạ? (Huy Hoàng, 19 tuổi, Hà Tây)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Theo thầy thì tâm lý làm bài của em chưa tốt, dễ bị hồi hộp và mất tinh thần trong khi thi chính thức. Trong một số trường hợp em quá căng thẳng mà không huy động hết kiến thức của mình. Theo thầy, trước khi làm bài thi chính thức em giành khoảng 10 phút đọc kỹ đầu bài, hít thở sâu lấy lại bình tĩnh rồi mới chọn câu dễ nhất để làm trước. Nếu gặp câu khó làm giang dở thì bỏ qua, để làm câu dễ hơn trước rồi làm lại sau.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 5
Trần Hà Phương. Học sinh trường Nguyễn Trãi

Một học sinh hỏi : Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sách để tham khảo. Có sách rất ngắn gọn nhưng cũng có những sách diễn giải rất chi tiết. Vậy các thầy có thể tư vấn cho chúng em chọn được cuốn sách luyện thi hay?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Theo chương trình hợp nhất của Bộ Giáo dục Đào tạo, SGK là chuẩn kiến thức. Sách tham khảo chỉ là để tham khảo. Tốt nhất khi làm bài thi, HS nên vận dụng những kiến thức trong SGK

Kinh nghiệm để đạt điểm tối đa khi đi thi: Tốc độ làm bài rất quan trọng. Trước khi đi thi vài buổi, các em hãy lấy đề cũ thử làm ở nhà (như khi thật) xem tốc độ làm được bao nhiêu. Từ đó, tự rút ra những kinh nghiệm.

Môn hoá là một môn được coi là ăn điểm của khối A. Theo thầy Long thì ý kiến này có đúng không? Em thấy các anh chị năm trước nói rằng môn Hoá thì phải làm thật ngắn gọn càng tốt. Nhưng hiện này em luôn bị mất điểm ở cách trình bày. Theo thầy em phải làm sao ạ?(Thuỳ Linh, 18 tuổi, Q1, TPHCM)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Đúng! Thường các em mất điểm ở chỗ không trình bày theo từng ý, trình bày quá vắn tắt dẫn đến là không giải thích được theo yêu cầu của đầu bài. Các em nên xem các đáp án và thang điểm, hướng dẫn của ba kỳ thi chung vừa rồi các em sẽ thấy thường mình mất điểm ở chỗ nào để rút kinh nghiệm. Chúc em thành công!

Xin hỏi thầy: các thầy giáo phổ thông chấm rất tỉ mỉ, còn các thầy chấm thi là lấy kết quả cuối cùng, vậy liệu có chính xác không?

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Vài năm gần đây, giáo viên phổ thông tham gia ra đề gần như chiếm một nửa, nửa còn lại là các thầy ĐH. Tuy nhiên đã có đáp án thang điểm, các thầy đều phải tuân theo. Hơn nữa bao giờ cũng phải chấm độc lập nhau, do vậy không có chuyện chênh lệch điểm. Nếu chênh lệch 1 điểm thì phải kiểm tra lại rất nhiều lần.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 6
Bạn Nguyễn Thu Cúc, HS lớp 12 trường PTTH Nguyễn Trãi

Bạn Nguyễn Thu Cúc, HS lớp 12 trường PTTH Nguyễn Trãi: Theo đáp án thang điểm của Bộ GD&ĐT thì khi làm bài đến mức nào đó thì bài thi của em vẫn được chấm điểm? Có cách nào để em có thể đạt điểm tối đa khi làm các bài Toán, Lý, Hóa

Thầy Nguyễn Văn Xoa: Các bài chấm theo thang điểm mà các em làm đến bước nào đúng thì sẽ được chấm điểm đến đấy.

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Đây là một câu hỏi khó. Để đạt điểm tối đa trong các bài Toán, Lý Hóa thì các em phải giải hết. Trong đề thi không có câu hỏi nào là khó. Theo tôi, đối với các học sinh khá đó là phải giải, làm đủ bước và trình bày một cách đầy đủ.

Nhiều khi chỉ vì thiếu một chi tiết nhưng em rất dễ bị trừ đến 1/ 4 điểm. Theo tôi những em nào đạt được điểm 10 khi thi đại học là em rất giỏi. Tôi rất tôn trọng những em học sinh này.

Một lời khuyên: Các em chỉ quan tâm có giải được hay không chứ không quan tâm đến việc các em phải mất bao nhiêu thời gian để giải bài toán đó. Các bước trung gian thường người ta không tính toán cụ thể một cách trực tiếp để tránh nhầm lẫn và không mang lại sai sót ở tính toán bước sau. 

Một bạn lớp 12 trường PTTH Nguyễn Trãi: Hiện trong quá trình học em biết có rất nhiều sách tham khảo. Có sách giải một bài Toán rất đơn giản nhưng có cách nào để tìm được cuốn sách đưa ra lơi giải một cách đầy đủ, ngắn gọn mà không sợ bị mất điểm?

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Đây là một câu hỏi thú vị. Làm toán cần phải hết sức cẩn thận và phải đặc biệt khi trình bày. Thứ nhất là phải trình bày theo mẫu sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT, giải thích đầy đủ các bước lôgíc.

Gửi thầy Lê Kim Long. Em thấy lo lắng nhất môn Hóa thầy ạ, em xin hỏi thầy năm nay đề thi Hóa trọng tâm vào phần nào ạ? (Thùy Linh, 18 tuổi, Trường PTTH Việt Đức, Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Trọng tâm của môn Hoá là không có. Nhưng theo chỉ đạo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nội dung chủ yếu của môn Hóa thuộc chương trình lớp 12. Tuy nhiên, không thể không có kiến thức lớp 10 và 11 vì đó là những kiến thức cơ sở. Vì vậy, em cần ôn trọng tâm là lớp 12 nhưng vẫn phải nắm được những kiến thức căn bản của lớp 10, 11 là mối liên hệ của hóa trị và tính chất của các nguyên tố. Các điều kiện để cho phản ứng xảy ra. Cách cân bằng các phương trình phản ứng, nhất là các phản ứng ôxy hóa khử. Chúc em ôn thi tốt!

Trần Thị Thúy, Lớp 12A trường Nguyễn Trãi: Thầy giáo em dạy cách giải bài toán khảo sát với các bước không giống với trình tự trong SGK. Vậy khi đi thi, nếu giải bài khảo sát theo các bước không trình tự trong SGK thì có bị trừ điểm không?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Nếu làm đúng các em sẽ không bị trừ điểm, dù cho các bước có thể không theo một trình tự. Nhưng tốt nhất, các em nên làm theo các bước của SGK, bởi đó là chuẩn mực.

Neu nam vung kien thuc trong sach giao khoa thi ty le do dai hoc la bao nhieu phan tram (tran doan thai, 18 tuổi, to1 phuong hoang van thu thai nguyen)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Nếu nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa thì thường đạt điểm 6 trong kỳ thi. Nếu vận dụng tốt kiến thức trong sách giáo khoa thì có thể đạt được đến điểm 8. Còn nếu vận dụng sáng tạo kiến thức trong sách giáo khoa thì em có thể nhận được điểm tối đa. Chúc em vận dụng sáng tạo kiến thức trong sách giáo khoa ở kỳ thi đại học!

Em xin kính chào các thầy. Xin các thầy cho em biết khi làm bài thi vì khoảng cách dòng của giấy thi khá nhỏ nên em viết cách dòng ( 2 dòng) thì có bị hiểu là đánh dấu bài không ạ. Em xin cảm ơn(lưu thuỳ liên, 18 tuổi, 173 minh khai hà nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Như thầy đã trả lời từ đầu, kể cả em có đánh dấu bài thì cũng không hy vọng rằng sẽ đạt được điểm cao hơn so với thực tế vì quá trình chấm thi là nghiêm túc, khách quan và công bằng!

Em thưa thầy, môn Toán em thấy rất nhiều phần, theo thầy phần nào quan trọng mà mình cần phải đầu tư học nhất, thầy có thể cho em biết được không ạ? (Hoàng Cầm, 18 tuổi, Vinh, Nghệ An)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Các phần quan trọng: Các bài toán khảo sát hàm; các dạng bài toán cực trị sử dụng đạo hàm; nguyên hàm tích phân xác định; đại số tổ hợp và nhị thức Newton; hình học giải tích; phương trình lượng giác; phương trình và bất phương trình mũ và lô ga.

Phương pháp nào giúp sinh viên nhớ không thể quên các công thức toán học? (Lã thị Hương Giang, 20 tuổi, Sơn Dương, T.Quang)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Để nhớ các công thức toán học các bạn nên đọc, hiểu cách chứng minh và ứng dụng giải các dạng bài tập đơn giản. Hoặc tốt hơn nữa nên phân loại các dạng bài tập theo các công thức.

Một bạn gái hỏi: Môn Lý nhiều cái làm mình bối rối. Có cách nào giải tỏa để mình làm bài tốt không ạ ?

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Nếu không nắm vững kiến thức thì vào phòng thi rất run. Nếu nắm vững thì vào phòng thi với tư thế rất đàng hòang. Việc đầu tiên, các em phải nắm vững kiến thức.

Đi thi lần đầu thì tất nhiên là run. Vì vậy, phải tập trung vào đề, tập trung vào công việc để quên cái run.

Khi mình học lý thuyết Lý, các em phải dựa vào SGK hoặc tự phân ra ý. VD khi mô tả 1 hiện tượng Vật lý, phải mô tả dụng cụ thí nghiệm, các chi tiết quan sát được, rồi sau đó rút ra kết luận, ứng dụng định luật gì...Hơn nữa, khi học phải tìm ra thí dụ, bản chất là gì, tính chất là gì, ứng dụng để làm gì... Các em cứ trình bầy theo mục, sẽ rất dễ nhớ. Đồng thời nên kết hợp so sánh.Sau khi học xong, phải gấp sách lại, rồi viết lại vào giấy nháp. Nếu quên mục nào thì mở ra xem lại mục đó.

Về bài tập: nhất thiết phải tóm tắt đầu bài để nắm chắc câu hỏi. Sau đó tìm các công thức, định luật vật lý mô tả giữa đại lượng cho và đại lượng phải tìm.

Khi giải phương trình, bao giờ cũng phải thay số vào công thức, đồng thời đổi đơn vị. Nếu không, kết quả đó khó được chấp nhận. Giả sử nếu mình có tính sai (thay số vẫn đúng) thì vẫn có tính điểm.

Tôi xin nói thêm: khi thi ĐH người ta cũng trông trước nhiều hơn. Nếu các em làm nhiều phương án thì đừng xóa đi, các thầy sẽ xem xét để cho điểm. Tốt nhất các em để nguyên.

Các em nên làm tuần tự, chậm mà chắc, không nên cuống.

Em thi đại học 2 năm rồi mà đều trượt lý do là em thường tính toán sai vậy em xin hỏi các thầy kinh nghiêm để không tính toán sai, em cảm ơn(hoa, 20 tuổi, hà nội)

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 7

Tiến sĩ Lê Kim Long

Tiến sĩ Lê Kim Long: Theo thầy đoán thì em cảm thấy bị sức ép về thời gian, cho nên thường tính toán sai. Em hãy bình tĩnh vì thời gian làm bài 180 phút là khá dài, cho nên các thao tác tính toán cần phải chuẩn. Thí dụ: trước khi nhập số để tính toán một phép tính mới, em hãy nhấn phím bật máy tính (On) để xóa hết các giá trị trước thì phép tính của em sẽ không bị lẫn với kết quả lưu từ phép tính trước. Hít thở thật sâu trước khi làm bài. Thầy chúc em luôn tính toán tốt!

Thưa thầy Nguyễn Vũ Lương, theo thầy năm nay đề thi môn Toán sẽ tập trung thi vào những phần nào. Hầu như những năm trước em thấy các đề thi chỉ tập trung vào kiến thức toán của lớp 12 là chủ yếu, một phần còn lại là 11. Theo như vậy, em chỉ cần học tốt các kiến thức toán lớp 12 là có thể thi được? (Thanh Nam, 18 tuổi, Hà Nội)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Câu hỏi của em là đúng nhưng các em nên ôn lại hàm số lượng giác, hàm số mũ và logarit để ứng dụng nó vào các kiến thức của lớp 12 và giải các bài tập.

Đại số, lượng giác và hình giải tích em học rất tốt nhưng không hiểu sao cứ hình không gian là em lại mất điểm. Thưa thầy Xoa, thầy có thể cho em lời khuyên để học tốt hình không gian được không ạ!(Vũ Ngọc Lan, 18 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Hình học không gian là môn học đòi hỏi tự duy chặt chẽ nên trước tiên em phải nắm thật chắc lý thuyết trước khi làm bài tập.Sau khi đã nắm vững lý thuyết, em nên làm đầy đủ những bài tập trong SGK theo bước từ dễ đến khó. Đừng quá nóng ruột, bắt tay ngay vào những bài toán khó.

Để học tốt hình không gian, quan trọng là em phải học nghiêm túc ngay từ đầu. Nếu em chăm chỉ làm khoảng và chục bài hình không gian ngay từ đầu, sau đó em sẽ thấy học hình không gian không khó.

Em cũng nên đọc tham khảo những cuốn sách về môn hình học không gian để nâng cao kiến thức. Chúc em thành công!

Em muon nho cac thay tu van cho em cach lam bai thi mon hoa (le bich duyen, 19 tuổi, hai phong)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Các bước để giải quyết một bài toán Hóa như sau:

Bước 1: Đọc kỹ đầu bài, hình dung các chuyển hóa có thể xảy ra trong quá trình thí nghiệm ( trong đầu bài cho).

Bước 2: Tính toán số mol các chất theo đầu bài cho.

Bước 3 : Viết phương trình phản ứng hóa học xảy ra.

Bước 4: Biện luận phản ứng xảy ra thì chất nào thừa, chất nào thiếu, chất tạo thành tồn tại ở đâu. Có xảy ra phản ứng tiếp tục hay không.

Bước 5: Tính toán theo yêu cầu của đầu bài.

Theo thầy thì bước 4 bước đầu là quan trọng nhất. Vì nếu biện luận được thì sẽ lường hết được các khả năng phản ứng thì kết quả tính sẽ tốt hơn.

Em muon hoi trong tam cua chuong trinh toan la lop 12, vay theo cac thay hoc sinh nen on o nhung tai lieu nào (vulephuong, 18 tuổi, Tp Thai Nguyen)

Thầy Phạm Văn Hùng: Bài toán khảo sát hàm số, nguyên hàm và tích phân và các bài tóan về đại số tổ hợp. Về phần hình học thì trọng tâm của lớp 12 là hình học giải tích và tọa độ trong không gian. Các tài liệu tham khảo tốt nhất mà các em có thể tham khảo là bộ sách: Các phương pháp chọn lọc giải các bài toán sơ cấp của ĐHKHTN, ĐHQGHN.

Tuy nhiên trong cuốn sách này còn thiếu một số phần cần bổ sung thêm trong bộ sách của tác giả Đỗ Thanh Sơn có tên Phương pháp giải các bài tóan hình học (phần Hình học).

Môn hoá cần nắm chắc những phần lý thuyết nào để giải được bài tập(mai, 20 tuổi, ha noi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Lý thuyết cần vận dụng tốt để giải được bài tập là: Hóa trị của các nguyên tố, điều kiện xảy ra của một phản ứng, những công thức để tính toán số mol theo từng chất. Các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng hóa học. Các định luật bảo toàn nguyên tố, bảo toàn ion, bảo toàn điện tích, bảo toàn khối lượng, bảo toàn số mol.... Biết vận dụng linh hoạt và làm thêm bài tập sẽ nắm được vững kiến thức để thi tốt.

Em kính chào các Thầy. Sức học của em không được thật giỏi,chỉ khá thôi nên em rất lo. Về ôn luyện, em thường làm rất nhiều bài tập tuy nhiên về lý thuyết môn lý, hoá em chưa thật thuộc liệu có sao không ạ. Bây giờ em chỉ được ngủ có 4 tiếng một ngày thôi, hình như học thi đại học thì ai cũng phải thế. Tuy nhiên em cũng khá mệt. Xin các thầy chỉ bảo cho em cách học và cách làm bài thi với ạ. Em xin cảm ơn các thầy. (Lưu Thuỳ Linh, 18 tuổi, Nguyễn Sơn - Long biên - Hà nội)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Cách học lý thuyết môn Lý: khi học 1 bài, cần dựa và SGK hoặc tự phân ra các ý nhỏ. Thí dụ: học về hiện tượng quang điện thì cần trình bày các ý như sau:

- Mô tả dụng cụ và bố trí thí nghiệm

- Các hiện tượng quan sát được

- Kết luận

- Ứng dụng

Hoặc khi học về các tia alpha, beta, gama hoặc các tia Rơnghen, tia hồng ngoại tử ngoại... thì nên học theo các mục sau:

- Nguồn phát, bản chất, tính chất, ứng dụng của các loại tia trên.

Hoặc khi học về các dụng cụ điện như động cơ máy phát thì trình bày nguyên lý cấu tạo, nguyên lý hoạt động, trong kỹ thuật thì người ta làm thế nào, có khác gì so với nguyên lý và cuối cùng là ứng dụng.

Khi học cần so sánh các khái niệm, hiện tượng có gì giống và khác nhau.

Cần phải kiểm tra trí nhớ bằng cách gập sách vở lại rồi trình bày lại trên giấy nháp. Nếu cảm thấy chưa đầy đủ thì mở sách vở ra xem quên chỗ nào. Cứ thế lặp lại vài lần thì sẽ nhớ.

Học và làm trong sách bài tập hoá đầy đủ thì được bao nhiêu điểm?(Thanh, 19 tuổi, Ha Noi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Nếu như em học và làm trong sách bài tập Hóa thì tối đa chỉ được 6 điểm.

Một thực tế mà cá nhân em không giải thích được. Em thấy ở các thành phố lớn, để đạt được điểm 9 điểm 10 là rất dễ dàng. Một lớp học bình thường có tỉ lệ HS giỏi đạt rất cao. Còn ở các vùng nông thôn và miền núi em thấy tỉ lệ HS Tiên tiến thôi cũng đã không nhiều rồi, cho dù đó là lớp chọn, lớp A. Thế theo như cách đánh giá đó thì HS vùng núi và nông thôn ko bằng HS ở các TP lớn? Những thực tế không là như vậy?(Bùi Kiêu Phong, 19 tuổi, Thái Nguyên)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Về năng lực và trí tuệ, các em HS ở các vùng nông thôn không hề thua kém HS ở thành thị. Bằng chứng là có không ít HS vùng nông thôn đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học và thành đạt trong cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, nếu xét về điều kiện giáo viên, tài liệu, đầu tư thời gian cho học tập... thì ở miền núi, vùng sâu, xa không bằng được ở thành phố. Do đó, kết quả học tập cũng có phần yếu hơn HS ở các thành phố.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 8

EM CHAO CAC THAY cac thay kinh men nam nay de thi ra co kho hon nam ngoai hay khong?bo co gioi han gi ve kien thuc thi khong a?vi du nhu mon Ly chang han co phai chu y lop 10 va 11 hay chi lop 12 thoi(DAMVANVIET, 19 tuổi, CD TUDONG HOA KHOA 3 TRUONG DAI HOC BACH KHOA HA NOI)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Thứ nhất, đề thi năm nay mức độ như năm ngoái, không khó hơn.

Về môn Vật lý, chủ yếu dựa vào chương trình lớp 12, những kiến thức ở lớp 11 và lớp 10 vận dụng vào lớp 12 đã được các thầy dạy ngay trong lớp 12. Tuy nhiên, không hỏi lý thuyết, hoặc ra các bài tập Vật lý ở lớp 10 và lớp 11 (tôi khẳng định ở môn Vật lý)

Giới hạn kiến thức: hầu như không có giới hạn. Chỉ có một số điều chỉnh, theo chủ chương của Bộ GDĐT. Chắc chắn đề thi môn Vật lý giải khắp chương trình.

Thầy Phạm Văn Hùng: Về môn Toán thì đề thi vẫn ra như những đề thi của Bộ trong những năm gần đây (từ 2002). Phần lớn vẫn là chương trình của lớp 12 (chiếm khoảng 60% đề thi). Vẫn có những bài thi của chương trình lớp 10 và lớp 11, tất nhiên chiếm khoảng 40% là của lớp 10 và lớp 11. Ngoài việc nắm chắc chương trình lớp 12, các em vẫn phải xem lại chương trình lớp 10 và lớp 11. 

Thưa thầy Long, em học Lý rất kém, thầy có thể cho em biết làm sao để có thể nhớ được những công thức Lý dày đặc?(Hùng Cường, 18 tuổi, Quận 3, TP Hồ Chí Minh)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Mỗi hiện tượng Vật lý đều có các công thức biểu diễn mối quan hệ giữa đại lượng này với đại lượng vật lý khác. Vì vậy để dễ nhớ công thức thì phải gắn việc học công thức với học hiện tượng vật lý. Nói cách khác, khi học hiện tượng đó, trong đó có những đại lượng vật lý gì, mối quan hệ ra sao?

Tại sao học môn hoá, đầu tiên em cảm thấy mình rất nhớ nhưng để vài ngày sau không sờ đến là y rằng em lại quên? (Hương, 20 tuổi, Nam Định)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Ai cũng vậy, nếu học thuộc rồi bỏ đấy thì sẽ quên. Nếu học thuộc mà chịu khó vận dụng thì nó sẽ trở thành kiến thức căn bản và không thể quên được. Em hãy thường xuyên vận dụng các kiến thức để làm bài tập thì sẽ nhớ được.

Những loại máy tính nào đc phép mang vào phòng thi, thưa các thầy?(Nguyễn Thanh Hương, 18 tuổi, Hanoi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Trong cuốn những điều cần thiết và những điều qui định về tuyển sinh đại học năm 2005 đã qui định rõ ràng. Em hãy đọc thật kỹ!

Khi làm bài thi, nên dành một khỏang thời gian cuối để kiểm tra toàn bộ bài thi. Hay nên làm đâu chắc đấy ? (Nguyễn Thanh Hương, 18 tuổi, Hanoi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Em nên làm bài đến đâu chắc đến đấy. Cuối buổi thi nên giành thời gian để kiểm tra toàn bộ bài. Thường thời gian giành cho kiểm tra cuối cùng là 15 phút.

Em xin phép hỏi: Hiện nay trong đề thi ĐH có phải đã cắt đi phần bài tập về :Hypebol,Parabol,Elip.Và:Lượng giác trong tam giác?(Vương Thu Thuỷ, 17 tuổi, trường PTTH Lương Thế Vinh)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Những phần Hypebol, Parabol, Elip em nói ở trên hoàn toàn là nằm trong chương trình ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không hề bị hạn chế.

Riêng phần Hệ thức lượng trong tam giác cũng không phải bị cắt nhưng khả năng ra đề về phần này sẽ ít hơn bởi vì đây là kiến thức nằm trong chương trình lớp 10. Trong khi đó, đề thi đại học tập trung khoảng 60% -  70% kiến thức vào lớp 12.

Năm trước em đã bị thi trượt. Do đó năm nay tâm lý thi cử của em rất bị stress. Dù cho em đã ngày đêm ôn thi, em luôn tìm cho mình những khoá ôn thi đại học tốt nhất nhưng em vẫn không cảm thấy yên tâm. Các thầy có thể cho em lời khuyên không ạ? (Linh Hồng, 20 tuổi, Củ Chi)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Trước hết là phải bình tĩnh, tự tin và có kế hoạch học tập và giải trí hợp lý. Đứng thức khuya quá và dài ngày ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ. Chúc em thành công.

Xin cac thay cho em biet nhung luu y khi on phan luong giac, phuong phap de xac dinh nhanh duoc huong giai (vulephuong, 18 tuổi, TP Thai Nguyen)

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 9
Thầy Nguyễn Vũ Lương trả lời bạn Hoàng Cầm, 18 tuổi, Vinh, Nghệ An

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Một số dạng cơ bản của phương trình lượng giác như: asinx + bcosx = c, phương trình đặt t = cosx, đặt t= tangx, đặt t = sinx + cosx, một số đẳng thức cơ bản trong tam giác.

Để xác định nhanh hướng giải thì các em nên làm quen với một số dạng nữa như là các công thức tính tổng hữu hạn, tích hữu han, công thức cộng cung, hay sử dụng các hằng đẳng thức đại số.

Xu hướng của đề thi đại học, có phải đề thi toán khối A khó hơn là đề thi toán khối B, B khó hơn D không? (Nguyễn Thanh Hương, 18 tuổi, Hanoi)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Đề Toán khối A phải khó hơn khối B và D. Tuy nhiên, đề Toán khối B và D là gần tương đương nhau. Đây là một thực tế.

Em xin hỏi là trong đề thi Hóa thì bài toán vô cơ có nhiều trường hợp, phải giả sử nhiều lần nên em dễ bị nhầm lẫn và đôi khi bài cho hơi nhiều số liệu làm bài trở nên rối. Em phải làm thế nào để giải quyết tốt các yêu cầu bài ra mà không nhầm lẫn?(Lê Thị Tươi, 18 tuổi, Võng Thị)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Trong các bài toán vô cơ và hữu cơ cần phải viết được phương trình phản ứng. So sánh tỷ số mol hiện thời của các chất tham gia phản ứng với các hệ số tỷ lượng trong phương trình để kết luận chất nào thừa, chất nào thiếu. Khi có chất thừa, thì có phản ứng tiếp gì không? Nếu có lại viết phương trình phản ứng và lại so sánh như trên. Ta sẽ không bị rối và nhầm lẫn khi giải toán.

Nhà em hoàn cảnh,bố mẹ em lo cho em rất nhiều để có thể đi luyện thi đại học, em đã trượt một năm rồi năm này trượt nữa chắc em chết quá. Đôi lúc mệt mỏi căng thẳng không thể học được. Thầy có thể cho em biết làm sao để em có thể thoải mái tập trung học tập được không ạ?(Anh Tuấn, 19 tuổi, Làng Vạn Phúc, Kim Mã, Hà Nội)

Trước hết là phải tự tin, thứ 2 là phải có kế hoạch học tập rõ ràng. Không nên học quá căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ. Đề thi phần lớn là các vấn đề cơ bản nên cần phải nắm vững các kiến thức trong SGK và bài tập đi kèm của Bộ GD ĐT. Hãy thật bình tĩnh em nhé ! Trên đời phàm muốn thành công thì đầu cần phải kiên trì, có chí "thắng không kiêu, bại không nản". Thi trượt cũng không có gì phải bi quan quá đâu em ạ. Chúc em thành công !

Ngày xưa em thấy các anh chị đi thi ĐH để đạt được điểm 6-7 thì khó khăn lắm. Và đó là những con người rất giỏi, họ đã đỗ vào trường. Còn bây giờ nếu muốn đỗ được ĐH thì chỉ có điểm 6-7 thôi thì chưa đủ. Vậy yêu cầu của ngày hôm nay cao hơn ngày xưa?(Nam Phong, 18 tuổi, Sơn La)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Các em quan niệm như vậy không đúng, vì thời kỳ nào cũng vậy, việc đỗ vào trường là phụ thuộc vào điểm từ trên cao xuống. Cho nên điểm chuẩn năm vừa rồi tùy thuộc vào từng trường nhưng điểm sàn chỉ có 14.5 điểm. Vì vậy, các em nên chọn trường cho đúng với khả năng của mình. Chúc các em may mắn!

Dần dần xu hướng của đề thi tốt nghiệp có khó ngang với đề thi đại học ko ? Nếu làm hết và đc điểm cao trong đề thi Tốt nghiệp thì khả năng em, đc bao nhiêu % khi thi đại học ?(Nguyễn Thanh Hương, 18 tuổi, Hanoi)

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 10
Thầy Phạm Văn Hùng

Thầy Phạm Văn Hùng: Đề tốt nghiệp PT là đề thi cơ bản phổ cập trên tòan quốc (có thể cả biên giới hải đảo chỉ để đánh giá trình độ học sinh). Đề thi tuyển sinh ĐH mục đích để tuyển chọn học sinh nên mức độ chăc chắn phải khó hơn. Để ôn thi ĐH, em cần ôn tập kỹ hơn nữa.

Em muon hoi, lam the nao de biet duoc kien thuc thuc chat cua minh, nhat la mon vat ly. Cu moi lan hoc xong mot van de nao do cua mon nay, sau mot thoi gian khong dung den no la lai quen het, lai nhu moi. Khac phuc no ra sao (Viet Son, 22 tuổi, To 11 a khu 3 Vuon Dao Bai Chay Tp.HaLong)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Nếu lâu không dùng thì quên là phải (cười)! Người ta thường nói là "Văn ôn võ luyện". Cần phải thường xuyên ôn lại giống như... sơn Cầu Long Biên.

Muốn biết thực chất kiến thức của mình thì phải:

- Về lý thuyết phải nắm được các khái niệm vật lý. VD khi nói về giao động điều hòa thì phải hiểu thế nào là giao động điều hòa...

- Bài tập: Đọc xong 1 đề bài em phải tự suy nghĩ tìm ra cách giải, nếu giải được tức là đã nắm vững bài và sẽ nhớ rất lâu, tránh trường hợp 1 số em không chịu suy nghĩ mà giở ngay lời giải của sách. Nếu theo cách đó thì sẽ rất chóng quên.

Khi giải tóan hoá vô cơ thì các phương pháp cơ bản nào là tốt nhất(Trần Diệu Thúy, 18 tuổi, Hanoi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Thứ nhất là lý thuyết về phản ứng hóa học. Cân bằng được phương trình phản ứng hóa học, nhất là cân bằng được phương trình theo phương pháp thăng bằng electron. Tính toán theo phương trình vừa viết. Còn muốn tính nhanh thì sử dụng các định luật bảo toàn: khối lượng, số mol, điện tích....

Em xin được hỏi : Môn thi vật lý thời lượng phần lý thuyết chiếm bao nhiêu phần trăm (Bùi thị Minh Ngọc, 18 tuổi, Trường Nguyễn Gia Thiều)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Không có phân định rõ ràng thời gian làm lý thuyết và bài tập. Đề thi năm nay có thể hỏi lý thuyết thông qua việc vận dụng 1 công thức nào đấy. Hoặc phải trên cơ sở kiến thức lý thuyết mà suy luận 1 vấn đề nào đó. Đề thi hỏi kiến thức, không phân định lý thuyết hay bài tập!

Em thi hai năm rồi và năm nay là năm thứ ba nên tam lý của em không được tốt cho lắm, em cần lời khuyên của các thầy (mai, 20 tuổi, hanoi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Theo qui định thì em có thể thi bao nhiêu lần cũng được. Vì thế em nên giải tỏa tư tưởng là lần này nhất định phải đỗ. Nghĩ như vậy em sẽ bị sức ép rất lớn nên không vận dụng và phát huy hết khả năng của mình. Tâm lý khi bước chân vào phòng thi rất quan trọng, đôi khi mang yếu tố quyết định. Chúc em bình tĩnh và thi tốt!

Bạn Nguyễn Ngọc Huy: Có nhiều loại sách tham khảo (dày 2-3 cm), em đọc để hiểu cách giải thì xem được nhiều quyển. Trong khi bình thường em chép sách (xem qua để hiểu rồi làm bài tập). Vậy theo thầy cách nào sẽ giúp em hiểu sâu hơn,

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Quan trọng là em nên rút ra phương pháp giải trong các quyển sách thông qua các bài tập. Nhờ các phương pháp đấy em sẽ giải được các đề thi ĐH sau này. Chú ý quan tâm đến các giải hay, mạnh (giải được nhiều dạng bài tập. Ví dụ như sử dụng đạo hàm). Người ta có thể giải nhiều bài tập về tam thức bậc hai

Em chuẩn bị thi đại học và rất lo lắng. Rất nhiều bạn của em đi ôn ở các trung tâm và kể lại là rất vất vả. Em thì không đi ôn gì, em cảm thấy lo lắng và sợ rằng điểm thi sẽ thua kém bạn của mình vì không ôn ở các trung tâm. Em xin hỏi các thầy, liệu em chỉ ôn theo chương trình học trên lớp thì đã ổn chưa, em cần học thêm những kiến thức nâng cao hay không? Em cũng xin hỏi thêm điểm trình bày tối đa là bao nhiêu?(Hồng Vân, 18 tuổi, Cầu Giấy)

Thứ nhất, không đánh giá điểm trình bày, chỉ làm đúng là được (về môn Vật lý). Tuy nhiên nên viết chữ dễ đọc.

Riêng môn Vật lý, về lý thuyết phải nắm vững SGK của Bộ GD ĐT. Về bài tập thì làm thành thạo các dạng bài trong sách BT Vật lý 12 là đủ. Không nhất thiết phải đi ôn ở trung tâm.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 11
Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Nếu em nắm chắc những kiến thức và làm hết được bài tập trong SGK là có thể đạt được từ 7 đến 8 điểm khi đi thi đại học. Vì vậy, không nên đi học thêm tràn lan ở quá nhiều nơi. Cùng lắm thì em chỉ học thêm ở một nơi.

Nếu em mải chạy theo hết Trung tâm luyện thi này đến "lò" ôn thi khác, thời gian tự học sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, chắc chắn hiệu quả học tập sẽ không cao.

- Khi thi đại học, giáo viên thường không chấm điểm trình bày. Điều quan trọng là phần bài giải phải đúng và rõ ràng. Tuy nhiên, nếu trình bày rõ ràng, sáng sủa, bài thi sẽ gây được ấn tượng tốt cho người chấm.

Thưa thầy như vậy có nghĩa là dề thi đại học năm nay môn vật lí sẽ không có câu hỏi lí thuyết riêng phải không ạ(Nguyễn Huy Hiếu, 18 tuổi, Thị xã Bắc Giang)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Vẫn có thể có. Câu hỏi lý thuyết thường rất ngắn gọn là liên quan tới nhiều phần kiến thức khác nhau. Thí dụ so sánh khái niệm này với khái niệm khác. Vì vậy trong qúa trình học phải học theo cách so sánh các hiện tượng, khái niệm Vật lý

Thua cac thay thi dai hoc chi can hoc trong sach giao khoa co du kien thuc ko mong cac thay tra loi em (Hoang Thanh Lam, 20 tuổi, truong THPT Phu Xuyen A Ha Tay)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Nếu học sách giáo khoa và sách bài tập một cách đầy đủ và kỹ lưỡng thì em có thể đạt được điểm tối đa là 7. Tùy em liệu khả năng của mình qua ba đề thi chung của 3 năm vừa rồi.

em xin hoi khi lam bai thi mon ly ve phan quang hoc can phai nam chac nhung van de gi(hoang thanh lam, 20 tuổi, truongthptphu xuyen a ha tay)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Thứ nhất, phải nắm vững các công thức của các dụng cụ (chú ý dấu của các đại lượng). Thứ 2 là cách vẽ ảnh qua các dụng cụ.

Nếu em học hết các phần lý thuyết sách giáo khoa thì em được bao nhiêu % bài thi ĐH ?(Trần Diệu Thúy, 18 tuổi, Hanoi)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Đề thi Vật lý không phân định rạch ròi điểm lý thuyết và điểm bài tập. Vì vậy nếu chỉ ôn lý thuyết mà không ôn bài tập thì sẽ không đạt điểm cao.

Em nghĩ nhiều cuốn sách tham khảo nêu nhiều vấn đề rất khó, nhưng không học thì em lại cảm thấy lo lắng, và như thế mất rất nhiều thời gian để học những môn khác, mà không học thì em lai rất sợ (Hương, 20 tuổi, Nam định)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Em không nên tiêu tốn quá nhiều thời gian vào những bài toán quá khó hoặc phức tạp ngay từ đầu. Em hãy phân phối thời gian cho hợp lý, khoa học để nắm chắc những kiến thức cơ bản (cả lý thuyết lẫn bài tập) ở 3 môn thi. Trước tiên, em cứ làm hết bài tập trong SGK đã.

Thua thay Long , khi giai bai tap voi luong chat phang hay ban mat song song ta co duoc su dung ngay cong thuc de xac dinh vi tri cua anh (doi voi LCP ) va do dich chuyen cua anh (doi voi ban mat song song )khong a(Nguyen Thi An, 19 tuổi, THPT Gia Loc Hai Duong)

Thày Nguyễn Ngọc Long: Công thức của LCP và bản mặt song song không có trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên nó là hệ quả của định luật khúc xạ (trong chương trình lớp 12), vì vậy nên chứng minh công thức này. Trong trường hợp em quên cách chứng minh nhưng nhớ công thức thì vẫn cứ làm, nếu đúng thì cũng bị trừ ít điểm thôi.

Em xin hoi thay Long: Khi mot thau kinh phang-loi nhung vao trong n­uoc, mat phang cua thau kinh o ngay mat thoang (tiep giap voi khong khi) vay tinh do tu cua thau kinh co phu thuoc vao viec tia toi di den tu khong khi hay tu nuoc khong? (Nguyen Van Cuong, 20 tuổi, THPT Gia Loc Hai Duong)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Có thể giải bài toán theo kiểu hệ quang hợp gồm thấu kính đặt trong nước và lưỡng chất phẳng nước-không khí và khoảng cách giữa 2 dụng cụ là = 0.

Em xin hỏi các thầy vì sao khi làm bài tập ở nhà em làm với tốc độ rất nhanh nhưng khi thi cử em ra hướng giải rồi nhưng làm thuòng rất chậm vì em không biết phải trình bày như thế nào (mai, 20 tuổi, ha noi)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Trong khi thi HS thường mất bình tĩnh. Để khắc phục điều này các em nên chọn các bài tập từ dễ đến khó, từ thời gian giải ngắn đến thời gian giải dài. Nếu trong phòng thi các em tính tóan chậm, cẩn thận lại chính là điều rất tốt bởi vì thời gian tiêu tốn vô ích trong khi thi nói chung là do các em không giải được bài toán hay tính toán ẩu.

Em xin hoi them thay Nguyen Long mot cau nua : Khi lam bai chung minh dao dong dieu hoa thi viec s­u dung phuong phap dong luc hoc va phuong phap nang luong thi giam khao co danh gia khac nhau khong a ? (Nguyen Van Cuong, 20 tuổi, THPT Gia Loc Hai Duong)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Không đánh giá khác nhau, tuy nhiên giải theo phương pháp động lực học có thể cho phép tính các lực trong bài toán.

Em muốn hỏi là có rất nhiều phương trình ở SGK không có. Thế nhưng rất nhiều giáo viên vẫn công nhận. Ví dụ như là: Đồng tác dụng với đồng II clorua tạo thành Đồng I clorua? Theo thầy thì vấn đề này như thế nào?(Hoàng Mạnh Dũng, 18 tuổi, Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Có nhiều phản ứng mà trong sách giáo khoa có nêu ra nhưng không viết phương trình. Cho nên các em phải tự viết, thí dụ khi dùng NH4Cl để tẩy gỉ khi hàn Cu, thì có phản ứng phân hủy Amoniclorua tạo thành NH3 và HCl. HCl sẽ hòa tan oxít tạo muối đồng clorua. NH3 khử oxít đồng tạo ra đồng kim loại. Muối đồng sẽ bị hàn the kéo đi nên bề mặt rất sạch và vết hàn sẽ tốt. Các em phải tự viết phương trình phản ứng và các phản ứng này không được coi là ngoài chương trình hay ngoài sách giáo khoa. Trong khi phản ứng của em hỏi lúc đầu thì không có một dòng nào trong sách giáo khoa nói đến nên bị coi là ngoài chương trình.

Thua thầy, nhung ki hieu nhu vecto phap tuyen hay vec to chi phuong co duoc viet tat hay khong? (Vulephuong, 18 tuổi, tp Thai nguyen)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa: Tốt nhất là em không nên viết tắt vì nó cũng không mất nhiều thời gian khi làm bài.

Tuy nhiên, với véc tơ pháp tuyến, người ta thường viết tắt là véc tơ pháp. Còn véc tơ chỉ phương thì viết đầy đủ.

Phần lý cơ học cần phải nắm chắc những gì(Ánh, 19 tuổi, Hưng Yên)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Nắm chắc các loại giao động, tổng hợp giao động, sóng cơ học, sóng âm, giao thoa sóng...

Gửi thầy Lương. Thưa thầy, em đã thi đại học cách đây 4 năm rồi, việc thi cử của học sinh bây giờ em cũng không biết rõ lắm. Nhưng theo em được biết thì thi đại học bây giờ khác rất nhiều so với thời của bọn em, nhất là nội dung thi. Em thấy nhiều người cho rằng bây giờ thi dễ hơn ngày trước rất nhiều, nhiều học sinh học rất giỏi nhưng lại bị trượt vì không bám sát chương trình học trên lớp. Theo thầy đó có phải là 1 bất cập hiện nay? Thầy có nghĩ học sinh ngày xưa học giỏi hơn bây giờ? (vì phải ôn nhiều kiến thức mở rộng để thi đại học) (Nghĩa, 22 tuổi, ĐH Ngoại Thương HN)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Theo tôi đề thi ĐH hiện nay không dễ hơn, nếu có thể hiểu là cơ bản thì đúng hơn vì như vậy mới có thể chọn được các HS giỏi vào các trường ĐH.

Em xin hoi thay Nguyen Ngoc Long :Khi ve anh qua cac dung cu thi co phai giai thich cach ve bang loi khong hay la chi can bieu dien tren hinh ve la du ?(Le Thi Hoa, 18 tuổi, THPT Hong Quang Hai Duong)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Chỉ cần biểu diễn trên hình vẽ là đủ. Tuy nhiên cần phải vẽ mũi tên chỉ chiều truyền của tia sáng. Tia thật vẽ liền nét, tia ảo vẽ đứt nét.

Em xin hỏi là có rất nhiều phương pháp giải một bài toán Hóa, em nên chọn phương pháp nào?(Vũ Sơn Tùng, 17 tuổi, Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Phương pháp cơ bản nhất là phương pháp tính theo phương trình, gồm có hai cái "theo":

Một là "Theo" phương trình phản ứng...

Hai là "Theo" điều kiện đầu bài và tính toán ở trên.

Ta lập được qui tắc đường chéo để ra được phương trình tìm số mol chất hoặc khối lượng chất. Các phương pháp khác như các phương pháp bảo toàn thường là rút ngắn lời giải nhưng cần phải vận dụng thành thạo.

Thưa thầy, khi giải bài toán lượng giác con hay có tật nhớ các kết quả của một số bài toán đã giải từ trước. Sau đó từ kết quả ấy con chứng minh bài toán hiện tại. Lúc bình tĩnh lại thấy nếu mình không nhớ thì giải trực tiếp lại đơn giản và ngắn hơn rất nhiều. Con phải làm thế nào thầy ơi ?(Hà LInh, 18 tuổi, TP HCM)

Thầy Nguyễn Vũ Lương: Các bài toán về lượng giác thường xuất phát ngay từ các dạng phương trình cơ bản hay các công thức cơ bản vậy khi học các em nên phân loại và tổng kết các dạng này. Khi đó đi thi sẽ dễ dàng phát hiện cách giải hơn vì chắc chắn các bài tập không quá khó. Chúc em thi tốt.

Nếu làm được tất cả các bài toán trong sách giáo khoa và sách bài tập, thì khả năng được điểm của em có cao không ?(Trần Diệu Thúy, 18 tuổi, Hanoi)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Em sẽ được tối đa là 7 điểm. Nếu em vận dụng tốt và vận dụng sáng tạo thì sẽ được điểm cao hơn. Mong em chú ý khi làm bài.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 12
Các bạn học sinh đang đặt câu hỏi cho các thầy

Em học khối D vì vậy khi biết tin là các môn khối A đều có mặt trong 6 môn thi tốt nghiệp nên rất lo. Không biết ôn thi lý thuyết hai môn Lý và Hoá như thế nào khi quỹ thời gian không còn nhiều?(Ngọc Yến, 18 tuổi, Hà nội)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Về môn Hóa, thầy khuyên em nên đọc kỹ sách giáo khoa và viết các phương trình phản ứng xảy ra rồi làm các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập là đủ để thi tốt nghiệp. Năm nay không có những tài liệu hướng dẫn thi tốt nghiệp. Nếu có thì cũng không chính thức nên em đừng mất công học theo những tài liệu hướng dẫn ngoài luồng. Chúc em ôn thi tốt nghiệp thành công

Em rất cảm ơn các thầy đã giúp chúng em có được một buổi tư vấn về thi ĐH trên internet bổ ích thế này. Khi nào thì các thầy sẽ tư vấn tiếp cho chúng em như thế này nữa ạ? (Thu Hoài, Yên Bái)

Theo kế hoạch trên TPO sẽ còn 1 buổi nữa cho các khối xã hội và ngoại ngữ. Mời các em tham dự.

Thầy có thể cho em biết bài thơ nào hay để ghi nhớ công thức được không ạ? Em hay quên công thức nên học bằng thơ sẽ nhớ lâu hơn. Em xin cám ơn thầy! (Tú Lan, 18 tuổi, Quận 4, TP Hồ Chí Minh)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Thơ thì thầy không có! Nhưng có một câu nói vần trong môn Hóa để dễ nhớ:Ví dụ:  Khử cho O nhận là để nhớ chất nào là chất khử, chất nào là chất oxi hóa: "Khi nào cần may áo giáp sắt nên sang phố hàng đồng hỏi cửa hàng á phi âu" là để ghi nhớ thứ tự hoạt động của các kim loại.

Thua thay Ngoc Long : Em giai bai tap ve may bien the rat lung tung dac biet la truong hop cac cuon day co dien tro . vay khi ra de ve phan nay thi co ra truong hop co dien tro khong ? Ve pha cua u , i o cac cuon day thuc chat co lech pha voi nhau khong va hieu dien the giua 2 dau cuon so cap va thu cap co lech pha voi nhau khong ? Vi em thay co sach thi coi la dong pha co sach thi lai yeu cau tinh ?(Lan Anh, 18 tuổi, Hai Duong)

Thầy Nguyễn Ngọc Long: Chỉ ra bài tập về biến thế phù hợp với kiến thức được cung cấp trong SGK phổ thông.

Thầy ơi, có cách nào tự ôn được không ? Em chỉ đủ tiền ra phố huyện để vào Internet như thế này thôi. Mong các thầy giúp em. Nếu được vào ĐH, em vô cùng cảm ơn các thầy.(Vũ thị Lan, 18 tuổi, Hà Tĩnh)

Tiến sĩ Lê Kim Long: Em nên tự ôn qua sách giáo khoa và sách bài tập, tự đặt ra câu hỏi như mình là giáo viên và tự trả lời. Tự em biến đổi những bài tập trong sách giáo khoa bằng cách thay đổi lượng chất hoặc điều kiện phản ứng để tạo ra những bài toán mới em sẽ học được nhiều hơn. Chúc em may mắn!

1. Thưa thầy, em muốn hỏi, có những sách tham khảo nào về môn Toán là tốt, phù hợp với chương trình thi?

2. Nếu trong quá trình làm bài thi, gặp phải một bài mà mình biết 2 cách giải khác nhau, nhưng không chắc cách nào là đúng, liệu có nên làm cả 2 cách vào bài thi không ạ?

3. Hầu hết các lớp luyện thi đều chạy trước chương trình. Theo thầy, liệu thí sinh có nên theo những lớp như thế không?(Hà Trang, 20 tuổi, Hà Nội)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Xoa:

1. Hiện trên thị trường có rất nhiều các loại sách tham khảo về môn Toán nói riêng và các môn học khác nói chung. Quả thật tôi cũng cảm thấy bối rối khi đáp ứng yêu cầu của em là giới thiệu một cuốn sách tham khảo hay về Toán. Tôi cũng đã đọc nhiều sách tham khảo nhưng mỗi cuốn cũng chỉ "nhặt" được năm, ba bài hay. Vì vậy, cũng rất khó tư vấn cho em. Nhưng theo tôi, em nên tập trung thời gian vào kiến thức trng SGK và làm bài tập của thầy giáo giao ở lớp.

2. Thường khi chấm thi, nếu thí sinh giải bài toán theo 2 cách, trong đó có 1 cách đúng thì vẫn được điểm tối đa. Thường cách giải sai kia cũng không bị trừ điểm. Nhưng khi làm bài, em phải biết được cách giải của mình có đúng hay không chứ?

3. Nếu em đã theo lớp này ngay từ đầu thì có thể tiếp tục. Nhưng nếu học một, hai buổi cảm thấy không hiệu quả thì nên thôi. Em không nên đăng ký vào những lớp học kiểu này nửa chừng, nhất là khi những kiến thức đó vượt quá sự hiểu biết của mình.

Tư vấn trực tuyến kinh nghiệm ôn và thi đại học trên TPO ảnh 13

Có khá nhiều câu hỏi trùng nhau nên các thầy chỉ trả lời 1 câu đại diện. Còn rất nhiều câu hỏi nữa, song do thời gian có hạn, chúng tôi xin dừng tại đây. Hẹn các em vào buổi  tư vấn trực tuyến dành cho các môn xã hội và Anh văn vào thứ Ba tuần sau. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.