Từ vụ học sinh trường Gateway chết trên xe đưa đón: Mất bò, chưa lo làm chuồng

Từ vụ học sinh trường Gateway chết trên xe đưa đón: Mất bò, chưa lo làm chuồng
TP - Vụ bé trai trường Gateway bị bỏ quên đến chết trong xe đưa đón học sinh của một trường dán mác quốc tế một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự buông lỏng quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải quan trọng và hết sức phổ biến này.

Trực tiếp để xảy ra sự việc đau lòng, đương nhiên tài xế, chủ xe, cô bảo mẫu và cả lãnh đạo nhà trường khó chối bỏ trách nhiệm nhưng có một thực tế đau xót là vụ bỏ quên bé trai trên xe vừa qua không phải là hy hữu. Nó đã từng xảy ra không ít trong quá khứ, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, vì chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nên một thời gian dài, các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã xem nhẹ, mặc cho các chuyên gia khuyến cáo về các biện pháp đảm bảo an toàn cho những mầm xanh tương lai của đất nước.   

Những khuyến cáo ấy hoàn toàn có cơ sở. Bố mẹ của hầu hết các cháu sử dụng dịch vụ xe đưa đón đều bận rộn, sinh hoạt thất thường. Có những cháu lên giường khi ngày mới sắp bắt đầu và chợp mắt chưa bao lâu đã đến giờ đón xe. Đồng hồ sinh học hoạt động kiểu ấy đến người lớn còn chịu không nổi huống gì các cháu đang ở độ tuổi bỉm sữa. Ngồi trên xe, nhiều cháu vẫn ngủ ngon lành cho đến khi được đánh thức. Và, các cô bảo mẫu cũng thế, một khi giấc ngủ chưa tròn thì khó quán xuyến xuể cả chục đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ nằm lăn lóc trên xe.

Xe đưa đón học sinh hoạt động trong điều kiện như vậy, cần biết mấy một quy trình kiểm soát chặt chẽ. Đáng buồn là hầu hết các trường học thường làm ngược lại, trực tiếp hợp đồng xe, chọn phương thức “mua đứt, bán đoạn” để tránh ký kết “ba bên, bốn bề” với cơ quan quản lý nhà nước cho khỏi rắc rối. Trong khi đó, loại hình xe hợp đồng như con ngựa bất kham mà dây cương quản lý nhà nước thì dường như còn quá lỏng lẻo.

Và, các cơ quan quản lý lại né trách nhiệm, vin vào quy định này, điều khoản nọ còn bất cập để phó thác tính mạng và sự an toàn của các hành khách - ở đây là các cháu ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” - cho các tài xế, nhà xe, chưa có bất kỳ động thái nào chấn chỉnh ngoài các công văn nhắc nhở đến hẹn lại lên, kể cả khi hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Nhiều người đau đáu tự hỏi nếu như chiếc xe hôm ấy được lắp hệ thống cảnh báo; nếu như nhà trường có quy trình kiểm soát nội bộ, bảo vệ trường kiểm tra, xác nhận trên xe không còn ai mới ký xác nhận và cho xe rời đi… thì bé trai tội nghiệp ấy có ra đi một cách oan uổng như vậy hay không?    

Chợt nhớ đến cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu các hàng quán cam kết, nếu còn bán bóng cười ở Phố đi bộ Bùi Viện thì sẽ đóng cửa với phương châm hành động “pháp luật chưa cấm thì mình có cách khác để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con em thành phố này”.

Trong câu chuyện chấn chỉnh hoạt động của xe đưa đón học sinh, cần phải quyết liệt như vậy, bởi suy cho cùng pháp luật do chúng ta đặt ra và điều chỉnh, bổ sung một khi không còn phù hợp. Chưa nói, việc lắp đặt thiết bị báo động trong xe, xây dựng và thực hiện quy trình kiểm soát nội bộ… không vướng luật và không quá khó.

MỚI - NÓNG