Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu: Những người dấn thân với nghề

Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu: Những người dấn thân với nghề
TP - Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013. Đây là hình thức tuyên dương mới, lần đầu tiên tổ chức trên quy mô toàn quốc.

> 22 năm dạy chữ ở làng phong
> Những nữ giáo viên vượt khó trồng người

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Dân (TTXVN)
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Nguyễn Dân (TTXVN).

Tại buổi lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, lần tuyên dương nhà giáo tiêu biểu đầu tiên này, cả nước có 160 thầy cô giáo được tôn vinh, họ là những người xuất sắc tiêu biểu cho hơn một triệu nhà giáo trên cả nước. Trong đó, có 63 nhà giáo đến từ các cơ sở giáo dục của các địa phương, số còn lại thì hầu hết là giảng viên/ cán bộ quản lý các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

“Mỗi nhà giáo tiêu biểu đều có những nét riêng từ chuyên môn, hoàn cảnh đến thời gian công tác và cuộc sống thường ngày. Nhưng ở họ có chung nhiều điểm như: Tận tụy với nghề, thương yêu học trò và đào tạo - bồi dưỡng được nhiều học sinh - sinh viên giỏi, có nhiều sáng kiến trong dạy học và quản lý, được học trò đồng nghiệp và nhân dân tôn vinh”, ông Hiển nói.

Bên cạnh những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, ông Hiển lưu ý vẫn còn rất nhiều nhà giáo có thành tích xuất sắc đã và đang thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp GD&ĐT thế hệ trẻ trên khắp các miền đất nước.

Sau phần vinh danh, ông Hiển đề nghị các nhà giáo có mặt tại buổi lễ tiếp tục gương mẫu đi tiên phong, động viên đội ngũ nhà giáo, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Các thầy cô giáo chủ động đề xuất, hiến kế những cách làm hay để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, làm sao để GD&ĐT phát triển hài hòa, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giáo dục ở các vùng miền.

GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013. Ảnh: Quý Hiên
GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013. Ảnh: Quý Hiên.

Lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang lương

Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN đánh giá chính các thầy các cô là người quyết định trực tiếp sự nghiệp GD nước nhà, thực hiện thắng lợi “quốc sách hàng đầu”, tác giả của dạy tốt học tốt và đổi mới quản lý giáo dục.

 160 thầy cô giáo được tuyên dương hôm nay chính là những tấm gương tiêu biểu, ưu tú của một đội ngũ nhà giáo yêu nghề, dấn thân với nghề

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân

“Nhà giáo có sự tôn vinh đặc biệt của xã hội bởi sản phẩm của nhà giáo là con người có hiếu với mẹ cha, có ích với Tổ quốc, biết dấn thân, xả thân khi Tổ quốc yêu cầu. Để làm được điều đó, mỗi nhà giáo mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm phải dấn thân ít nhiều. 160 thầy cô giáo được tuyên dương hôm nay chính là những tấm gương tiêu biểu, ưu tú của một đội ngũ nhà giáo yêu nghề, dấn thân với nghề”, ông Nhân chia sẻ.

Ông Nhân cũng cho biết, Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 BCH T.Ư Đảng khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã yêu cầu thời gian tới ngành GD&ĐT phải thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tiến tới tất cả các giáo viên phổ thông (từ cấp tiểu học), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải có trình độ đào tạo từ ĐH trở lên; giảng viên CĐ, ĐH có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

“Nghị quyết khẳng định, có chế độ ưu đãi với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý với nhà giáo có trình độ cao. Có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công tác khác và kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên, xếp cao nhất trong hệ thống thang lương, hành chính, sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc”, ông Nhân nói.

Khi đề cập nhà giáo dù ít dù nhiều cũng phải dấn thân, ông Nguyễn Thiện Nhân kể lại một câu chuyện:

“Cách đây hai tháng, tôi có gặp một bà mẹ có hai con đều đang là học sinh ở Hà Nội. Chị nói, con em đang học lớp 7, hầu như cả lớp đều phải học thêm ba môn văn, toán, tiếng Anh, mỗi tháng đóng 900.000 đồng. Em còn một cháu học tiểu học nữa, khó quá thầy ạ! Tháng vừa rồi, chị gặp tôi, lại nói, từ tháng 10 đóng 950.000 đồng. Tôi lặng người, không nói nên lời, cảm thấy xấu hổ”.

Sau đó ông Nhân bày tỏ: “Tôi rất mong các thầy, cô hiệu trưởng các trường phổ thông mãi mãi là tấm gương dấn thân trong sự nghiệp giáo dục”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG