Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Vì sao trường tư thục phản ứng dữ dội?

TPO - Việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục tại Hà Nội cùng một thời điểm đã hạn chế quyền tự chủ và cản bước sự phát triển của các trường tư thục.  

Liên quan đến vấn đề thời gian tuyển sinh đầu cấp cho các trường tư thục tại Hà Nội đang dậy sóng dư luận những ngày qua, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện phát triển trường tư thục. Nhưng tôi không hiểu tại sao Sở GD&ĐT Hà Nội lại đưa ra quy định cả trường công lập và tư thục chỉ được tuyển sinh chung một thời điểm (giới hạn 1-2 ngày)?

Bà Minh cho rằng, việc đồng loạt tuyển sinh như vậy sẽ gây rất nhiều trở ngại khó khăn cho người dân.

Theo bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, sự xuất hiện của các trường tư thục sẽ góp phần giảm tải áp lực cho trường công giúp trẻ em không rơi vào tình trạng thất học.

Hiện nay, có rất nhiều trường tư thục rất nhiều trường được xã hội đánh giá rất cao vì chất lượng mà phụ huynh ai cũng muốn cho con vào học. Đó là sự thật không thể chối bỏ.

Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Vì sao trường tư thục phản ứng dữ dội? ảnh 1 Sở GD&ĐT Hà Nội quy định bắt buộc các trường tư thục trên địa bàn chỉ được tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cùng thời gian với các trường công lập.
Việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục cùng một thời điểm là gây khó khăn cho trường tư thục và gây cả khó khăn cho chính học sinh và phụ huynh.

"Việc Sở GD&ĐT Hà Nội cứng nhắc quy định tuyển sinh của trường công lập và tư thục cùng một ngày như hiện nay là điều không hợp lý. Trước thực trạng này tôi nghĩ Bộ GD&ĐT phải vào cuộc để giải quyết những bất cập, tạo điều kiện tối đa cho phụ huynh và học sinh”, bà An nói.

Trước đó, như đã đưa tin, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định bắt buộc các trường tư thục trên địa bàn chỉ được tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cùng thời gian với các trường công lập đã hạn chế quyền tự chủ và cản bước sự phát triển của các trường tư thục, đi ngược lại nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.

>>>Tuyển sinh đầu cấp Hà Nội: Trường tư thục 'vượt rào' chấp nhận phạt 

Quy định này của Sở GD&ĐT Hà Nội đang gặp phải sự phản ứng dữ dội từ dư luận.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) : “Nếu chỉ có thời gian tuyển sinh vào 2-3 ngày thì làm sao tránh khỏi tình trạng xếp hàng, đặt gạch.

Ví dụ Trường Đoàn Thị Điểm số lượng hồ sơ đăng ký là 2.000 nhưng chỉ tiêu là 500, vậy thì rõ ràng ai cũng muốn đi sớm, nộp sớm nên chuyện phụ huynh đi xếp hàng từ 3 giờ sáng để “đặt gạch” cho con là dễ hiểu.

Muốn giáo dục cất cánh, đất nước phát triển thì cần bỏ cung cách quản lý cứng nhắc. Nếu không chính những quy định cứng nhắc sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo và kéo theo đó là nền giáo dục không thể phát triển được”.

Bà Văn Liên Na – Phó hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Tuyển sinh vào lớp 6, Sở GD&ĐT chỉ cho các trường tuyển sinh trong 2 ngày đồng loạt. Phụ huynh muốn tìm nơi học cho con chắc chắn trước đó sẽ rất đắn đo, cân nhắc và tìm hiểu nhiều trường. Nếu quy định tất cả các trường chỉ tuyển sinh trong 2-3 ngày thì phụ huynh sẽ không có nhiều sự lựa chọn cho con. Cách áp đặt thời gian trong tuyển sinh thế này là cách làm không hợp lý.

Như lớp 6 vào trường Lương Thế Vinh, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ cho 500 chỉ tiêu trong khi 1.500 hồ sơ nộp vào. Như vậy, kể cả các học sinh đạt điểm tuyệt đối vẫn phải xét tuần tự mới đến lượt. Các em sẽ gián tiếp mất đi cơ hội được học tập tại các trường mà các em mong muốn”.

Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội áp dụng tuyển sinh một thời điểm cho cả trường công lập và tư thục là không phù hợp, cần phải sớm thay đổi.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng khi chúng ta mở rộng xã hội hóa, có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng và tương ứng với nó phải có những cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại hình trường và phải mang tính hệ thống, thường xuyên được cập nhật, theo kịp xu thế phát triển của thời đại. Việc áp dụng một khung thời gian, một hình thức tuyển sinh, một cơ chế quản lý đang tự mâu thuẫn với chính sách mở cửa này.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đề xuất, đã đến lúc cần cho phép các trường tư thục được phép xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp đặc thù nhà trường.

Sở GD&ĐT các địa phương chỉ cần phê duyệt và công khai trên website của Sở và của trường bao gồm chỉ tiêu, quy trình, thời gian, tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn, chi phí…

Còn riêng đối với tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 thì khối trường tư thục cần được phép tuyển sinh từ tháng 3 hàng năm.

Ngoài ra, cũng cần cho phép các trường được kiểm tra đầu vào để lựa chọn học sinh phù hợp, chỉ có điều cần nghiêm cấm hoàn toàn là việc luyện thi.

MỚI - NÓNG