Tuyển sinh ĐH, CĐ: Tốp trên ung dung, tốp dưới đau đầu

Tuyển sinh ĐH, CĐ: Tốp trên ung dung, tốp dưới đau đầu
TP - Trong khi các trường thuộc tốp dưới đang đau đầu do lượng thí sinh (TS) ảo tăng đột biến, các trường thuộc tốp trên lại tỏ ra “ung dung” vì số TS trượt tốt nghiệp phổ thông nhiều không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh.
Tuyển sinh ĐH, CĐ: Tốp trên ung dung, tốp dưới đau đầu ảnh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Còn hơn một tuần nữa là đến kỳ thi ĐH năm 2007. Tại tất cả các trường đại học, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi gần như đã hoàn thành.

Ung dung…

Trong số những trường tốp trên đang ở trong tâm trạng này có ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia… (Hà Nội). Ông Bùi Duy Cam, Phó hiệu trưởng ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho biết mọi công việc của quy trình tuyển sinh đã và đang được chuẩn bị ở mức tốt nhất.

Tổng 330 phòng khối A và hàng trăm phòng thi khối B đã được thuê xong với giá thuê tăng thêm 10.000 đồng/phòng (mỗi phòng thi giá từ 130.000-150.000 đồng).

Ông Bùi Duy Cam dự báo TS ảo chiếm khoảng 30% nhưng nhà truờng vẫn tính thuê phòng đủ 100% để đảm bảo dãn cách, đặc biệt đối với các môn thi trắc nghiệm (TN). “Với các trường tốp 1, tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp nhiều như năm nay không ảnh hưởng gì nhiều lắm vì số TS dự thi vào các trường này không nằm trong phổ các TS trượt tốt nghiệp” - Ông Cam nhận định.

Một cái “được” nữa ở các trường tốp 1 là chất lượng lấy TS sẽ tốt hơn. Mọi năm số TS đáng nhẽ trượt tốt nghiệp như năm nay vẫn đi thi khiến các trường thêm gánh nặng tổ chức tuyển sinh.

Một loại hình trường ĐH khác ít bị hiện tượng trượt tốt nghiệp cao chi phối là những trường tuyển sinh chủ yếu nhằm vào nguyện vọng 2. Năm nay ĐHDL Thăng Long nằm trong số trường này, có số lượng TS đăng ký dự thi tăng 180% so với năm trước (khoảng 3.600 và chỉ tiêu tuyển là 1.300).

Theo ông Phan Huy Phú - Hiệu trưởng trường, dù tỷ lệ trượt tốt nghiệp lớn nhưng ông không hề lo lắng vì nguồn nguyện vọng 2 cho trường rất lớn. Những thí sinh không đậu vào các trường ĐH thuộc tốp trên như Kinh tế, Bách khoa chỉ thiếu 1 điểm sẽ chọn vào trường này theo NV2.

… và lo lắng

Ông Lê VănToàn - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết năm nay trường có 23.000 TS đăng ký dự thi, tăng gấp 4 lần nên đã phải chuẩn bị 10 điểm thi ở Hà Nội với 285 phòng thi, 570 cán bộ coi thi, chưa kể cán bộ dự bị…

“Mọi năm chỉ có khoảng 70% TS đến dự thi, tỷ lệ ảo là 30%. Năm nay trượt thêm 30% tốt nghiệp nên sẽ chỉ có khoảng 50-60% TS đăng ký dự thi đến thi đã là cao” - Ông Toàn băn khoăn. Tuy nhiên, mọi công việc vẫn phải chuẩn bị cho 100% TS và ông dự báo thâm hụt 800-900 triệu đồng cho kỳ thi này.

Ông Toàn cho biết thêm tại trường ông, số TS đăng ký dự thi đông vậy nhưng lấy NV1 không được nhiều vì chất lượng TS kém. “Trường chúng tôi đang trong “vạch đỏ” nguy hiểm nhất trong các trường ĐH về số TS ảo” - Ông Toàn nói.

Các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (THCN) địa phương là những đối tượng đang lo lắng hơn cả. Ít lo lắng nhất trong khối này là trường CĐ Kỹ thuật Y tế I, Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng dự báo chỉ khoảng 50% TS đến dự thi đã là may mắn. Hải Dương có khoảng 6 trường CĐ và một lượng trường THCN tương đương.

Với tỷ lệ tốt nghiệp thấp như năm nay, nguồn tuyển vào các trường CĐ, THCN trên địa bàn tỉnh này là cả một vấn đề. Ông Vũ Đình Chính – Hiệu trưởng CĐ Kỹ thuật Y tế 1  phác họa bức tranh chung cho các trường: Ít thí sinh, bù  lỗ nhiều, tuyển sinh kéo dài, đặc biệt khó khăn cho các trường THCN.

Tuy nhiên, theo ông, vẫn có một cái “được” là thi 2 chung 1 riêng (Bộ ra đề chung cho 2/3 môn là thi trắc nghiệm) dễ có điều kiện để so sánh và trong “cơn hiểm nguy” này, những trường nào xiết chặt quy chế, có thương hiệu sẽ tồn tại. Trường nào không có thương hiệu, ngành nghề đào tạo không thích hợp sẽ khó khăn.

ĐH Tây Nguyên lại có thêm một rắc rối khác là ngoài số TS ảo theo thông lệ, trường còn có thêm số TS không đậu tốt nghiệp vẫn cứ đến dự  thi. Với những trường hợp này nhà trường phải tốn công kiểm tra hồ sơ rất vất vả và phải buộc thôi học số TS này.

Cụm thi Cần Thơ năm nay có gần 98.000 TS đăng ký dự thi, trong đó đợt I trên 43.000 và đợt 2 trên 54.000 TS. Ông Nguyễn Vĩnh An - Trưởng Phòng quản lý đào tạo ĐH Cần Thơ cho biết: “Những năm trước chúng tôi không sử dụng trường tiểu học trong hẻm sâu làm điểm thi, năm nay cũng buộc phải thuê mới đủ phòng cho TS dự thi vì số lượng TS tăng nhiều so với các năm trước. Trường cũng tận dụng nhà thi đấu của trường để làm phòng thi. Hai sảnh trước khu vực hiệu bộ cũng được kê bàn ghế để làm phòng thi”.

Tuy nhiên ông An cũng dự báo: “Tuy phải vất vả chạy đôn chạy đáo tìm phòng thi như vậy nhưng năm nay rất nhiều chỗ ngồi  sẽ không có TS”.

Thiếu máy chấm thi

Việc chấm thi trắc nghiệm khiến nhiều trường phải chạy đôn chạy đáo “nhờ vả” những trường khác có máy chấm thi. Một số trường, dù không phải trường có số lượng TS thi vào lớn cũng tự trang bị cho mình máy chấm thi trắc nghiệm. ĐH Tôn Đức Thắng đã chuẩn bị trước một năm với máy có tốc độ chấm trung bình 2000 phiếu/giờ. Các kỳ thi học kỳ của trường cũng được chấm bằng máy này.

ĐH Kinh tế TPHCM cũng vừa nhập về hai máy chấm thi trắc nghiệm với tốc độ xử lý khoảng 2.000 phiếu/giờ. TS Trần Hành - Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng- cho biết: Năm nay, trường sẽ chấm thi đại học bằng máy của mình. Phần mềm chấm thi do các chính các chuyên gia của trường viết. Giá đầu tư cho máy scan khoảng 2.000 USD.

Năm nay, ĐH Nông lâm TPHCM phải thuê thêm 5 địa điểm thi. Tỷ lệ ảo tăng cao nhưng không thể giảm địa điểm thi (dự kiến chỉ khoảng 60% TS đến dự thi).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.