Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Lưu ý tỷ lệ 'chọi'

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Lưu ý tỷ lệ 'chọi'
Các trường ĐH-CĐ lần lượt công bố tỷ lệ “chọi”. Đây là thông tin cần thiết, giúp TS biết rõ về trường/ngành mình sẽ dự thi nhưng TS cũng cần bình tĩnh vì không phải lúc nào tỷ lệ “chọi” thấp cũng dễ trúng tuyển.
Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Lưu ý tỷ lệ 'chọi' ảnh 1
Thí sinh dự thi khối B kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 tại hội đồng thi trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

Theo thống kê vài năm gần đây, những trường ở nhóm đầu về chất lượng đào tạo ngày càng ít TS đăng ký dự thi (ĐKDT). Vì vậy, tỷ lệ “chọi” vào các trường này rất thấp. Chẳng hạn, năm nay trường ĐH Ngoại thương có khoảng 8.400 hồ sơ (HS) ĐKDT, chỉ tiêu vào trường là 3.000.

 Như vậy, tỷ lệ “chọi” chỉ là 1/2,8. Năm nay, HS ĐKDT vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 12.800, giảm 1.000 so với năm 2009. So với tổng chỉ tiêu 5.600 thì tỷ lệ “chọi” vào ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có 1/2,2. Số lượng HS ĐKDT vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khu vực phía Bắc năm nay 5.500/1.850 chỉ tiêu, như vậy tỷ lệ “chọi” chỉ khoảng 1/2,9...

Với tỷ lệ "chọi" thấp như vậy nhưng năm nào các trường này cũng tuyển đầu vào với số điểm rất cao (khoảng 22 trở lên). Dự kiến tình hình cũng không thay đổi trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng: “HS ĐKDT của TS vào trường năm nay giảm rõ rệt, tỷ lệ “chọi” cũng giảm theo nhưng không đảm bảo mức độ cạnh tranh giữa các TS sẽ giảm và chưa thể đoán được điểm đầu vào”.

Thạc sĩ Đương phân tích số liệu năm 2009, trường ĐH Y - Dược TP.HCM có tỷ lệ “chọi” khá cao 1/16 và điểm chuẩn cũng rất cao như: Dược sĩ (25,5 điểm), Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ răng hàm mặt (25 điểm), Bác sĩ y học cổ truyền (22 điểm)...

Ngược lại, trường ĐH Bách khoa TP.HCM có tỷ lệ “chọi” khá thấp nhưng điểm chuẩn nhiều ngành vẫn ở mức cao như Công nghệ thông tin (21,5 điểm), Công nghệ Hóa - Thực phẩm - Sinh học (21 điểm), Điện - điện tử (20 điểm)...

Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cảnh báo: “Dự thi vào những trường này, TS cần có học lực tốt, nếu không sẽ rơi vào tình trạng có số điểm thi cao mà vẫn trượt”.

Trong khi đó, một số trường tỷ lệ “chọi” luôn cao nhưng điểm chuẩn chỉ hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT một ít. Năm 2009, trường ĐH Tôn Đức Thắng có tỷ lệ “chọi” 1/9 nhưng điểm trúng tuyển NV1 nhiều ngành chỉ ở mức 14; trường ĐH Mở TP.HCM có hệ số “chọi” 1/9 nhưng điểm đầu vào cũng chỉ 14 đến 16; trường ĐH Hoa Sen hệ số này là 1/6,32 nhưng điểm chuẩn chỉ từ 13 đến 16...

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng nếu tham khảo tỷ lệ “chọi” thì chỉ nên xem xét trong khuôn khổ một trường qua các năm.

Ví dụ trường ĐH Tài chính Marketing có số HS ĐKDT tăng lên mỗi năm kéo theo điểm chuẩn trúng tuyển tăng theo từng năm. Năm 2008, HS nộp về trường là 14.363 và điểm chuẩn NV1 là 14,5; năm 2009 HS tăng lên 16.600, điểm chuẩn nhích lên 15. Trường dự đoán, với số HS tăng vọt lên 36.500 thì điểm trúng tuyển năm 2010 có thể cao hơn điểm sàn 3 điểm.

TS cũng thường có xu hướng chọn trường thi theo điểm chuẩn. Chẳng hạn những trường/ngành nào năm trước có điểm chuẩn vừa phải thì năm sau sẽ có số HS ĐKDT cao.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trường có điểm tuyển vừa phải là những trường vừa sức với TS. Và nếu cứ tập trung thi vào những trường này, có thể điểm tuyển của trường sẽ vượt lên cao.

Chính vì điều này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương khuyên TS nên quan tâm đến điểm chuẩn trúng tuyển giữa các trường hoặc của một ngành trong nhiều trường. Lấy đó làm căn cứ để so sánh với học lực của bản thân từ đó chọn ngành, trường thi phù hợp với năng lực của mình.

MỚI - NÓNG