Tuyển sinh giờ chót: Lo trúng... “ảo”

Tuyển sinh giờ chót: Lo trúng... “ảo”
Đại diện một trường đại học dân lập có đến 50% thí sinh miền Bắc cho hay, do bão lụt ở các tỉnh nên thí sinh đến chậm. Có lẽ, Bộ GD-ĐT sẽ có 1 quyết định gì đó… cho việc này.
Tuyển sinh giờ chót: Lo trúng... “ảo” ảnh 1

Một số trường ĐH công lập không tuyển nguyện vọng 2, nhưng xét tuyển NV3 với lý do số thí sinh nhập học đợt 1 bị "ảo". Dự đoán, đây sẽ là những địa chỉ "đắt hàng" của thí sinh đã trượt cả 2 đợt.

Với 80 chỉ tiêu còn thiếu, đến nay, trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội đã nhận được hơn 600 hồ sơ. Dự kiến điểm chuẩn ngành Tin học ít nhất là 25 và Khoa học đất cũng chỉ thấp hơn một chút.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - ĐH Công nghiệp TPHCM - cho biết: Ngành Công nghệ môi trường chỉ lấy có 22 chỉ tiêu, nhưng hồ sơ nộp đã lên đến con số trên 300.

Cũng giống như ĐH Nông nghiệp 1, trường không thông báo xét tuyển NV2 nhưng phải xét NV3 do thí sinh đến không đủ theo NV1. 

ĐH Đà Nẵng cho biết, tuy chưa thống kê cụ thể nhưng tình hình nộp hồ sơ NV3 cũng rất khả quan. ĐH này tuyển thêm 200 chỉ tiêu, nhưng con số nộp hồ sơ cũng phải gấp vài lần. ĐH Huế cũng nhận được trên 1.000 hồ sơ, gấp nhiều lần mức cần tuyển.

Chỉ tiêu thừa, người học thiếu!

ĐHDL Hồng Bàng nhận được 600 hồ sơ NV3 nhưng và đang xét tuyển. Hơn nữa, NV1 trường chỉ có 50% nhập học nên chưa thể biết được trường có đủ chỉ tiêu không . 

Ông Lâm Thành Hiến - Trưởng phòng đào tạo ĐHDL Lạc Hồng - cho biết,  trường nhận được 700 hồ sơ trong khi chỉ tiêu còn khoảng 300. Tuy nhiên, NV1 và NV2 trường gọi nhập học được khoảng 60% nên cũng chưa biết thế nào.

Trường ĐHDL Hùng Vương cũng nhận được khoảng 1.000 hồ sơ NV3. Đến hết thời hạn làm thủ tục nhập học cũng mới chỉ có 53% TS trúng tuyển ĐH và chỉ 44% TS trúng tuyển hệ CĐ đến xác nhận trở thành sinh viên của trường. 

Ông Lý Ngọc Đức - Truởng phòng đào tạo ĐHDL Ngoại ngữ Tin học - cho biết trường nhận được 400 hồ sơ hợp lệ. Những thí sinh này sẽ được gọi nhập học từ ngày 3/10. Nếu thí sinh đến khoảng 50% thì trường vẫn còn thiếu hơn 200 chỉ tiêu bởi NV1 và NV2 mới đến được khoảng 1.100 em.

ĐHDL Văn Hiến nhận được trên 500 hồ sơ NV3 hợp lệ. Ông Nguyễn Quốc Hợp - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐHDL Văn Hiến - cho biết, trường phát trên 400 giấy trúng tuyển NV1,NV2 nhưng hiện nay mới có khoảng 300 thí sinh đến nhập học. Năm ngoái tầm này số học sinh ảo là 50%, nhưng năm nay có vẻ ít hơn - khoảng 30%. 

Hút thí sinh bằng mọi giá

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, với 751 chỉ tiêu cần tuyển, trường ĐHDL Văn Hiến mới nhận được 550 hồ sơ. Trường này, trong nỗ lực thu hút thí sinh, đã tuyển cả khối A cho ngành Ngữ văn và khối B cho ngành Tâm lý học.

ĐHDL Hùng Vương quyết định giảm 200.000 đồng/năm học cho những sinh viên theo học ngành công nghệ sau thu hoạch và tăng thêm đến 200 suất học bổng. Mỗi suất trị giá 1 triệu đồng dành cho sinh viên học tập tốt, có hoàn cảnh khó khăn.

TS Mai Ngọc Luông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông (Viện Nghiên cứu giáo dục) - cho rằng, việc tuyển học sinh khối A và đào tạo thành cử nhân ngữ văn như vậy là trái sư phạm.

Nếu khối  A mà vào học toàn những môn thiên về khối C thì rất khó khăn vì 2 khối đó nội dung, trọng tâm môn học khác nhau. Nếu cố gò ép học trái ban thì cũng được nhưng ra 1 sản phẩm khó mà hoàn hảo và tốt được.

Nhìn nhận từ góc độ khác, ông Trần Đình Lý - Giảng viên ĐH Nông lâm TPHCM - cho rằng, trường cho phép sinh viên được tuyển từ nhiều khối thi khác nhau là do căn cứ vào cả lý lẫn tình.

Trong điều kiện các trường dân lập đang thiếu trầm trọng chỉ tiêu, lại được Bộ đề nghị các trường phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh… việc mở lối vào ĐH cho học sinh có thêm sự lựa chọn, nếu không miễn cưỡng hay là “sân bay quá cảnh” thì rất tốt cho các trường đang thừa chỉ tiêu, thiếu sinh viên. 

Điều này càng có tình hơn khi mà nếu họ không tuyển như thế, khả năng đóng cửa… ngành học, thậm chí trường học sẽ rất cao.

Đúng là kỳ hạn tuyển sinh đến giờ chót, nhưng dường như có trường vẫn đang chờ vào một hy vọng mong manh và một quyết định gì đó từ Bộ dù chỉ là một tình tiết nhỏ.

MỚI - NÓNG