Tuyển sinh lớp 10: Học sinh không chọn ban C

Tuyển sinh lớp 10: Học sinh không chọn ban C
TP - 13/7 là thời hạn cuối cùng cho học sinh chọn ban vào lớp 10 năm học 2006-2007 ở TPHCM. Dạo một vòng quanh các trường, ghi nhận một thực tế đáng lo ngại: không có học sinh chọn ban C- Ban Khoa học xã hội và Nhân văn.

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM,  các trường phổ thông trên địa bàn đều tổ chức đủ các ban theo quy định của Bộ GD-ĐT (Ban Khoa học Tự nhiên gọi là ban A, Ban Khoa học xã hội và Nhân văn gọi là ban C và ban Cơ bản) để phụ huynh và học sinh tự do chọn lựa.

Ban A phù hợp với những học sinh có năng lực và có nguyện vọng học sâu để sau này chọn lựa những ngành nghề đòi hỏi những kiến thức về lĩnh vực Toán và khoa học tự nhiên. Chương trình học tập ban A có 4 môn được học nâng cao gồm: Toán, Lý, Hoá, Sinh, phù hợp với việc chọn thi ĐH, CĐ khối A, B.

Ban C phù hợp với những học sinh có năng lực và nguyện vọng học sâu để sau này chọn những ngành nghề đòi hỏi những kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn. Chương trình học được nâng cao 4 môn: Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, phù hợp với việc chọn thi ĐH, CĐ khối C, D.

Riêng ban Cơ bản được thực hiện phân hoá linh hoạt bằng cách học tự chọn theo nhu cầu và năng lực chung của học sinh. Trong số 13 môn học như các ban khác, chương trình học tập có 4 tiết/tuần để học sinh tự chọn các môn nâng cao như: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ.

Cũng theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường phổ thông đều tổ chức tư vấn để giúp học sinh chọn ban đúng năng lực và nguyện vọng của mình. Mặc dù vậy, phụ huynh và học sinh hầu như ít quan tâm đến ban C.

Ở trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai, có 762 học sinh trúng tuyển đến đăng ký ban để học, tuyệt nhiên không có học sinh nào chọn ban C (năm trước,  có 18 học sinh chọn ban C), ban A cũng rất ít em chọn.

Cô Sương Mai, phụ trách giáo vụ của trường cho biết: Phần lớn các em không tự tin vào năng lực của mình nên khi chọn ban, đa số đều chọn  ban Cơ bản.

Trước tình hình này, nhà trường đã tư vấn cho các em (đã chọn ban Cơ bản) chọn học các môn nâng cao theo khối: A,B,C,D. Kết quả, các em tập trung chọn học nâng cao các môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh, Anh văn. Có rất ít em chọn học nâng cao môn Văn và đặc biệt, không em nào chọn học nâng cao 2 môn Địa, Sử.

Ở trường PTTH Lê Quý Đôn, chỉ có 1/450 học sinh chọn ban C. Còn lại, các em chọn ban Cơ bản kèm theo học nâng cao các môn Toán, Lý, Hoá, Anh văn. Cô Huỳnh Thị Liễu, cán bộ giáo vụ của trường nhận định: Cả phụ huynh và học sinh đều không đoái hoài đến ban C. Và, với một học sinh đăng ký, chắc chắn nhà trường không thể tổ chức được lớp học đối với ban này.

Ở trường PTTH bán công Marie Curie, trong số 1.000 học sinh trúng tuyển vào trường, phần lớn các em chọn ban Cơ bản. Sau đó mới đến ban A. Riêng ban C thì, chắc chắn không thể mở lớp vì không có học sinh đăng ký. Trường PTTH Phú Nhuận và nhiều trường khác trên địa bàn TPHCM cũng đang trong tình trạng tương tự.

Ngay từ khi Bộ GD- ĐT ban hành quy chế tuyển sinh lớp 10 phân ban, có ý kiến lo ngại về việc sẽ xảy ra hiện tượng mất cân đối giữa ban A và ban C. Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ GD-ĐT) đã “trấn an”: Bộ đã đưa môn Ngoại ngữ vào ban C để thu hút học sinh đăng ký theo học nên sẽ không xảy ra hiện tượng mất cân đối giữa 2 ban.

Tuy nhiên, thực tế thì khác. Nhiều học sinh cho rằng môn ngoại ngữ chỉ là môn “công cụ”,  các em tự trang bị lấy, không nhất thiết phải theo ban C để học chuyên sâu ngoại ngữ.   

MỚI - NÓNG