Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đìu hiu trường ngoài công lập

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đìu hiu trường ngoài công lập
TP - Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường THPT ngoài công lập lâm vào tình trạng "mất mùa", khi số học sinh lớp 10 tuyển được chưa đến nửa so với chỉ tiêu được tuyển.
Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đìu hiu trường ngoài công lập ảnh 1
Học sinh trường THPT Dân lập Nguyễn Siêu

Thậm chí, có trường được phép tuyển 8 lớp nhưng số học sinh đăng ký nhập học chỉ đủ mở hai lớp.

Chỉ tiêu 8, tuyển được 2

Trường THPT Dân lập Nguyễn Siêu là một trong số những trường ngoài công lập có thứ hạng của Hà Nội. Đây là một trong những trường ngoài công lập có mức thu học phí khá cao nhưng điểm tuyển của trường hàng năm đều ở mức khá.

Điểm chuẩn năm nay của trường là 42, tương đương với mức điểm chuẩn của các trường công lập top hai. Để giữ chất lượng đầu vào ở mức độ này, trường phải chấp nhận thực tế số học sinh tuyển mới chỉ đạt khoảng 62 phần trăm so với tổng chỉ tiêu.

Sự mất mùa của trường Nguyễn Siêu dù sao cũng là mơ ước của nhiều trường ngoài công lập. Nhiều trường mở toang cửa nhưng quang cảnh mùa tuyển sinh vẫn buồn bã.

Trường THPT Đống Đa thoạt tiên thông báo điểm chuẩn 35 nhưng học sinh đến ít nên đành hạ xuống 30. Nhờ đó, trường tuyển được 390 học sinh, nhưng vẫn thiếu 60 em so với chỉ tiêu.

Nhiều trường trong khu vực nội thành chỉ tiêu đã ít, điều kiện tuyển sinh hết sức thoáng ngay từ đầu (dưới 30 điểm nếu hạnh kiểm không tệ lắm, thậm chí cứ có người xin học là nhận bất kể đầu vào bao nhiêu) nhưng số tuyển được chỉ khoảng một nửa.

Tuy nhiên, điển hình cho sự mất mùa năm nay trong khâu tuyển sinh của các trường ngoài công lập là những trường nằm trên địa bàn Hà Tây cũ.

Huyện Chương Mỹ, Hà Tây có hai trường THPT tư thục là trường Ngô Sĩ Liên và Đặng Tiến Đông. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2009 – 2010 của hai trường này lần lượt là 10 lớp (450 học sinh) và tám lớp (360 học sinh).

Nhưng đến nay, trường Ngô Sĩ Liên chỉ mới tuyển được năm lớp với hơn 200 học sinh (đạt một nửa chỉ tiêu), trường Đặng Tiến Đông tuyển được... hai lớp với khoảng 90 học sinh (đạt một phần tư chỉ tiêu).

Đã lường trước

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đìu hiu trường ngoài công lập ảnh 2Chúng tôi còn đâu học sinh nữa mà tuyển? Trong khi đó học phí của chúng tôi thuộc diện thấp nhất trong hệ thống trường ngoài công lập ở Hà Tây cũ (130.000 đồng/ tháng), cơ sở vật chất dạy học rất tốtTuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đìu hiu trường ngoài công lập ảnh 3 - Thầy Nguyễn Huy Chuyển, Hiệu trưởng Trường Dân lập Ngô Sỹ Liên (huyện Chương Mỹ)

Theo nhiều hiệu trưởng, tuyển sinh khó khăn là một tiên liệu xấu mà các trường dân lập lường trước, kể từ khi Sở GD&ĐT phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập cũng như ngoài công lập.

Năm nay, riêng khu vực Hà Nội cũ, khoảng 24 trường công lập được giao tăng chỉ tiêu. Tổng số chỉ tiêu tăng lên riêng với các trường công lập khu vực này là 2.250, bằng khoảng 1/8 tổng chỉ tiêu ngoài công lập của cả thành phố năm học 2009 - 2010.

Trường THPT dân lập Đông Kinh, thường được các đồng nghiệp đánh giá là đóng đô trên lãnh địa vàng ở quận Hoàng Mai, khu vực có ít trường THPT ngoài công lập. Dù thí sinh khu vực tuyển sinh ở đây có mặt bằng điểm thi thấp nhưng nguồn tuyển dồi dào.

Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Tâm, Phó Hiệu trưởng trường Đông Kinh, năm nay trường chỉ tuyển được khoảng hơn 100 học sinh so với chỉ tiêu 270.

Trong khi đó, tổng chỉ tiêu cả ba trường công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai (Trương Định, Hoàng Văn Thụ, Việt Nam - Ba Lan) năm nay được giao là 2.070, tăng 315 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Theo thầy Nguyễn Huy Chuyển, Hiệu trưởng Trường Dân lập Ngô Sĩ Liên (huyện Chương Mỹ), năm nay, nguồn tuyển sinh của trường vơi đi đáng kể do bị chia năm sẻ bảy. Riêng ba trường công lập trong huyện được Sở GD&ĐT giao tăng chỉ tiêu so với năm ngoái là năm lớp. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Chương Mỹ, ngoài chỉ tiêu ba lớp bổ túc THPT, lại còn được giao chỉ tiêu năm lớp hệ THPT.

Cho nên, có thể thấy, nguồn tuyển của hai trường tư thục trong huyện bị mất không 10 lớp so với năm ngoái. Đã vậy, trên địa bàn huyện có ba trường trung cấp chuyên nghiệp, hai trường cao đẳng có hệ trung cấp chuyên nghiệp tuyển đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS.

Thầy Nguyễn Huy Khanh, Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Đặng Tiến Đông cho hay, cơ sở đào tạo của ông là một trong những trường tư thục có cơ sở vật chất rất tốt. Vậy mà khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, điều kiện tuyển sinh trở nên rất khó khăn.

“Trong khi đó, Hà Nội lại cho các trường công lập hạ điểm chuẩn. Học sinh đã vào học ở trường tôi rồi nghe vậy lại kéo nhau đi. Sang năm, Sở GD&ĐT Hà Nội phải có phương án phân bổ chỉ tiêu hợp lý hơn chứ như năm nay thì chúng tôi chết” – Thầy Khanh nói.

Thừa 1.000 chỗ học

Năm học 2009 - 2010, Hà Nội có hơn 83.000 thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hà Nội phân bổ hơn 84.000 chỉ tiêu tuyển sinh THPT (61.850 học sinh vào lớp 10 các THPT công lập; 17.800 chỉ tiêu vào các trường ngoài công lập; 4.365 chỉ tiêu học THPT ở các trung tâm giáo dục thường xuyên).

Hà Nội còn có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên, một trường bổ túc văn hoá. Đây là những nơi dạy bổ túc THPT cho những người không có điều kiện theo học THPT.

Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng có hệ trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS.

MỚI - NÓNG