Tuyển sinh lớp 10 và phân ban: Chưa đâu vào đâu!

Tuyển sinh lớp 10 và phân ban: Chưa đâu vào đâu!
TP - Học sinh có kết quả học lực và hạnh kiểm năm lớp 9 từ trung bình trở lên sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THCS. Về lý thuyết, sẽ có những trường THPT chỉ có 1 ban.

Đó là những phương án đạt được sự thống nhất cao trong hội nghị giao ban giám đốc Sở GD&ĐT tại Hà Nội hôm 17/2. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết.

Vẫn chỉ là... dự thảo.

Cách đây 4 tháng, ở kỳ họp giao ban các giám đốc Sở GD&ĐT lần trước, khi được hỏi những vấn đề liên quan tới việc tuyển sinh vào lớp 10 trong điều kiện bỏ thi tốt nghiệp THCS, một quan chức có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trả lời: Sau 1/1/2006 (khi Luật GD 2005 có hiệu lực), Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ họp giao ban các giám đốc Sở GD&ĐT lần này (17/2/2006), Bộ GD&ĐT cũng chưa kịp ban hành một văn bản pháp lý nào về những vấn đề hiện nay đang nóng mà hội nghị trước đã từng đưa ra thảo luận (ngoại trừ vấn đề giảm tải ở bậc Tiểu học). Quy chế xét tốt nghiệp THCS vẫn chỉ mới là... dự thảo.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT như thế nào, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ mới đưa ra được các nguyên tắc. Văn bản hướng dẫn về việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT thì hiện nay đang được tiếp tục được hoàn thiện.

Năm học tới (2006 – 2007) là năm đầu tiên triển khai đại trà THPT phân ban trên toàn quốc nhưng việc chỉ đạo tổ chức dạy và học phân ban tại các trường THPT ra sao thì cũng đang ở khâu tập hợp các ý kiến.

Trước hội nghị trên, dư luận đều mong chờ sẽ có các quyết định được ban hành. Nhưng cuối cùng hội nghị lại là nơi để mỗi giám đốc Sở phát biểu một ý. Có 64 giám đốc, thời gian chỉ đủ cho 19 đại biểu từ các địa phương được đăng đàn. ý kiến của các đại biểu còn lại được yêu cầu nộp bằng văn bản để sau hội nghị, các lãnh đạo Bộ sẽ... đọc tiếp.

Tuy nhiên, trao đổi với các phóng viên báo chí, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Các ý kiến nhìn chung đạt sự thống nhất cao và khá phù hợp với những nội dung mà Bộ đã chuẩn bị nên khâu hoàn thiện các văn bản sẽ kết thúc nhanh. Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, Bộ sẽ ban hành các quyết định liên quan.

Ngành giáo dục vẫn luôn nắm đằng chuôi?

Vấn đề dễ dàng đi đến thống nhất nhất, đó là việc xét tốt nghiệp THCS. Các ý kiến đều cho rằng, nếu HS đạt trung bình trở lên ở cả 2 mặt hạnh kiểm và học lực năm học lớp 9 thì sẽ được công nhận tốt nghiệp.

Hiện tại, có một số chi tiết Bộ GD&ĐT phải cân nhắc là số lần được xét tốt nghiệp (với những HS chưa đạt mức trung bình học lực và hạnh kiểm), độ tuổi được xét tốt nghiệp, xét tốt nghiệp những HS thi rớt kỳ thi tốt nghiệp THCS những năm trước.

Vấn đề khiến một số giám đốc Sở đau đầu nhất, đó là tuyển sinh vào lớp 10. Có 3 phương thức để các địa phương lựa chọn: xét tuyển, thi tuyển, thi tuyển kết hợp với xét tuyển. UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương thức xét tuyển ở địa phương mình.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng sẽ đưa ra một số nguyên tắc buộc các địa phương phải tuân thủ: Tách bạch việc tuyển sinh với việc xếp ban; đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật GD 2005: Giáo dục toàn diện, khách quan, công bằng, công khai.

Nhưng cho đến nay, ngay cả nội dung của 3 phương thức trên vẫn chưa được hoàn thiện. Vì thế, trong hội nghị trên, các ý kiến lại tiếp tục phân tích ưu – khuyết của cả 3 phương thức.

Ngược lại, nhiều giám đốc Sở khác không mấy mặn mà với đề tài này khi mà ở địa phương họ, số chỗ trong các lớp 10 trường THPT quốc lập đủ chỗ cho tất cả học sinh vừa tốt nghiệp THCS tại địa bàn.

Một vấn đề tiên liệu nhiều khả năng sẽ ngổn ngang nhất và nóng nhất vào đầu năm học tới, đó là THPT phân ban. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng như nhiều giám đốc Sở GD&ĐT muốn rằng, hiệu trưởng đề xuất các phương án phân ban cho trường mình (căn cứ vào điều kiện vật chất, lực lượng giáo viên, nguyện vọng của học sinh...) để giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt.

Như thế, về mặt lý thuyết, có trường sẽ chỉ có 1 ban. Và như thế, không loại trừ việc sẽ có một số học sinh cảm thấy thiệt thòi khi muốn học ban này nhưng những trường tại địa phương mình chỉ có ban kia.

Vì việc muốn mở ban nào và quy mô ra sao là quyền chủ động của các hiệu trưởng nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT không phải lo ngại gì về việc thừa thiếu giáo viên cục bộ do phân ban. Như thế, ngành GD&ĐT luôn luôn nắm đằng chuôi, còn học sinh chỉ biết “trên” dạy cho gì thì học nấy.  

MỚI - NÓNG