Tuyển sinh TCCN 2009: Gần 500.000 chỉ tiêu

Tuyển sinh TCCN 2009: Gần 500.000 chỉ tiêu
TP - Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm học 2009-2010 là trên 460.000, trong đó có gần 390.000 tuyển sinh theo hệ đào tạo chính quy, còn lại là chỉ tiêu vừa học vừa làm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT Hoàng Ngọc Vinh cho biết.

Về tâm lý sính đại học mà bỏ qua TCCN của một bộ phận không nhỏ thí sinh, ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết:

Xét trên bình diện chung, học CĐ và ĐH luôn có lợi thế hơn học TCCN về phương diện việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, không ít trường hợp nếu học CĐ, ĐH ở những ngành không có nhu cầu lao động hoặc nguồn cung lao động cao so với học những ngành đào tạo TCCN thị trường lao động cần nhiều, nguồn cung ít, người học TCCN sẽ có lợi thế hơn về việc làm và thu nhập.

Thực tế, việc học sinh TCCN có thu nhập cao hơn người tốt nghiệp CĐ và ĐH không phải là hiếm. Thậm chí, có người tốt nghiệp đại học rồi lại phải học thêm một văn bằng TCCN để có thể kiếm được việc làm.

Tuyển sinh TCCN 2009: Gần 500.000 chỉ tiêu ảnh 1
Ông Hoàng Ngọc Vinh

Theo tôi, các bạn năng lực học tập hạn chế mà vẫn cố gắng theo đuổi thi tiếp vào CĐ, ĐH trong khi bỏ qua TCCN cần phải rất tỉnh táo cân nhắc đến điều kiện kinh tế gia đình, cơ hội việc làm…

Rất nhiều bạn chọn con đường học TCCN để sau hai năm ra trường có việc làm, có thu nhập và khi muốn học lại có thể học tiếp lên trình độ cao hơn mà không cần phải sống nhờ vào cha mẹ đến hết bốn năm học đại học. Xét về mặt này, học TCCN sẽ có lợi thế hơn.

Cơ hội học liên thông với học viên đã tốt nghiệp TCCN năm nay thế nào, thưa ông?

Mọi học sinh tốt nghiệp TCCN đều có cơ hội tiếp tục học lên trình độ CĐ và ĐH. Cơ hội này còn tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận của các trường CĐ và ĐH. Hiện nay, học sinh học ở bất kỳ cơ sở đào tạo TCCN nào được Bộ GD&ĐT cho phép đều có cơ hội học liên thông.

Tuy nhiên, cần lưu ý, theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT về đào tạo liên thông, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

Nếu các trường tuyển sinh được khoảng 80 phần trăm số chỉ tiêu trên, tổng quy mô đào tạo TCCN sẽ gần 700.000 học sinh vào năm học 2009-2010.

Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp có ít nhất ba năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo sẽ được tham gia dự tuyển.

Thí sinh rất quan tâm tới đào tạo theo địa chỉ. Xu hướng này ở các trường TCCN hiện nay ra sao?

Đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo theo hợp đồng là sự chuyển hướng mạnh mẽ đào tạo nhân lực nói chung và đào tạo TCCN nói riêng theo chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn đào tạo với việc làm.

Hiện nay, có một số cơ sở đào tạo theo địa chỉ rất tốt như Trường CĐ Hàng hải (Hải Phòng), Trường TCCN Bắc Thăng Long Hà Nội, CĐ Sao Đỏ (Hải Dương), ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai)…

Tuyển sinh TCCN 2009: Gần 500.000 chỉ tiêu ảnh 2

Điện tử công nghiệp - một trong những nghề thu hút nhiều thí sinh. Ảnh: Phạm Yên

Về chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào năng lực cụ thể của từng trường, nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương để có thể bổ sung chỉ tiêu đào tạo, nhà trường có thể tuyển sinh linh hoạt về thời gian…

Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở đào tạo tìm đến với doanh nghiệp, khai thác nhu cầu và tiềm năng của doanh nghiệp để ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ.

Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, vì đã có ký kết hợp đồng giữa nhà trường và doanh nghiệp, người học không còn phải lo nghĩ về việc làm sau khi ra trường.

Theo một hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường TCCN có thể tuyển sinh nhiều đợt. Cụ thể năm nay các trường sẽ tuyển thế nào, thưa ông?

Về thông tin tuyển sinh, thí sinh có thể đọc trong tài liệu Những thông tin cần biết về tuyển sinh TCCN Bộ sẽ phát hành trong một vài tuần tới (sau đó tài liệu này sẽ được đưa lên website của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn)

Tuyển sinh TCCN không có mùa mà tuyển cả năm để tạo điều kiện cho các trường đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập và nhu cầu thị trường lao động.

Đó cũng chính là cách tiếp cận thị trường để làm cho giáo dục hiệu quả hơn với tinh thần năng động của doanh nghiệp.

Nhiều trường ngoài công lập phải thuê cơ sở đến hàng chục triệu và trăm triệu đồng một tháng. Nếu chậm tuyển sinh ngày nào là trường chịu thiệt hại ngày đó. Như vậy, ngay sau khi các trường ĐH, CĐ đã có chỉ tiêu tuyển sinh, TCCN có thể tuyển sinh ngay.

Thưa ông, mọi năm việc xét tuyển vào các trường TCCN và hệ đào tạo trình độ TCCN của các trường ĐH, CĐ có căng thẳng?

Năm ngoái, bình quân các trường chỉ tuyển được khoảng 80 phần trăm so với tổng chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, một số ngành đào tạo hoặc một số trường chất lượng đào tạo có uy tín, tỷ lệ giữa thí sinh đăng ký dự tuyển cao hơn nhiều so chỉ tiêu đăng ký.

Qua thực tế tuyển sinh hàng năm của các trường TCCN hoặc các trường ĐH, CĐ có đào tạo trình độ TCCN cho thấy các ngành y, dược, sư phạm, điện, điện tử, cơ khí, kế toán, du lịch… là những ngành học thu hút nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.

Chỉ tiêu tuyển sinh TCCN năm học 2009-2010 là trên 460.000, trong đó có gần 390.000 tuyển sinh theo hệ đào tạo chính quy, còn lại là chỉ tiêu vừa học vừa làm.

276 trường TCCN và hơn 220 trường CĐ và ĐH có đào tạo TCCN

Một số lĩnh vực đào tạo TCCN có nhu cầu tuyển dụng cao: Tài chính -  ngân hàng, cơ khí, điện điện tử, du lịch, dược, điều dưỡng.

Nét mới trong tuyển sinh TCCN năm nay là quy định của Bộ GD&ĐT về hình thức tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ. Theo đó, các trường phải đăng ký với Bộ GD&ĐT và chỉ được triển khai tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sau khi có ý kiến phê duyệt chính thức của Bộ GD&ĐT.

Một trong những điều kiện bắt buộc để trường được Bộ phê duyệt hình thức tuyển sinh này là hợp đồng thỏa thuận về việc đào tạo theo địa chỉ giữa nhà trường và đơn vị có nhu cầu sử dụng nhân lực, trong đó đơn vị có nhu cầu sử dụng nhân lực phải cam kết sẽ tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp về làm việc tại đơn vị. Ngoài ra, việc tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ ở từng trường cần phải có ý kiến của địa phương (UBND tỉnh/thành phố hoặc sở GD&ĐT) hoặc bộ, ngành quản lý đơn vị có nhu cầu về sử dụng nhân lực.

Quý Hiên (thực hiện)

MỚI - NÓNG