Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Không thi trắc nghiệm!

Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Không thi trắc nghiệm!
TP - Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, Tiền phong xin đăng tải chi tiết mới nhất về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Từ 15 tuổi đến 19 tuổi (có ngày sinh trong khoảng từ 01/01/1987 đến 31/12/1991).

Đối với HS thiếu tuổi:

a) HS được cấp có thẩm quyền cho phép học trước tuổi, học vượt lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT thì tuổi dự tuyển được giảm theo số năm đã được cho phép. Những HS này phải nộp bản sao danh sách chứng nhận cùng với Phiếu dự tuyển.

b) HS thiếu một tuổi do tồn tại từ những năm học trước: Nhà trường lập danh sách (theo mẫu) những HS có xếp loại học lực cả năm lớp 9 từ khá trở lên, có đủ điều kiện về sức khoẻ, Phòng GD&ĐT tập hợp danh sách đề nghị Sở duyệt trước ngày xét tốt nghiệp THCS. Giám đốc Sở sẽ xem xét chuẩn y cho phép học sớm 1 tuổi.

c) HS đã dự tuyển năm học trước nhưng do thiếu tuổi không được tuyển vào học lớp 10 THPT được bảo lưu kết quả năm trước. Những HS này muốn vào trường khác thì phải đăng ký để được dự tuyển vào THPT năm học 2006-2007.

Đối với HS quá tuổi:

Các đối tượng được phép nhiều hơn 1 tuổi:

a) HS là người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong năm học 2005-2006.

b) HS là người dân tộc thiểu số.

c) HS là người bị tàn tật, khuyết tật, kém phát triển về thể lực và trí tuệ, bị nhiễm chất độc hóa học, mồ côi không nơi nương tựa, HS trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước.

Hồ sơ dự tuyển:

Gồm:

a) Phiếu dự tuyển (theo mẫu) (đối với người dự tuyển đã tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS từ những năm học trước (gọi là thí sinh tự do, viết tắt: TSTD), phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, doanh nghiệp đang trực tiếp quản lý vào Phiếu dự tuyển về việc người dự tuyển không trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc bị hạn chế quyền công dân);

b) Bản sao giấy khai sinh hợp lệ;

c) Bằng tốt nghiệp THCS, hoặc bằng tốt nghiệp bổ túc THCS, hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với HS vừa tốt nghiệp THCS năm học 2005-2006) do trường THCS phổ thông, trường bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục, viết tắt là CSGD) cấp;

d) Bản chính học bạ;

e) Giấy chứng nhận thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tất cả các giấy chứng nhận này phải nộp đúng thời hạn cùng Phiếu dự tuyển;

g) Hai (2) ảnh cỡ 3cmx4cm (kiểu ảnh chứng minh nhân dân).

HS trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường THPT (công lập, ngoài công lập) nếu có nhu cầu được quyền rút hồ sơ và tiền nếu đã nộp (trừ tiền lệ phí tuyển sinh).

HS rút hồ sơ cần cân nhắc cẩn thận (đặc biệt về thời hạn tuyển sinh) vì sau khi rút hồ sơ trường sẽ xóa tên trong danh sách trúng tuyển và tuyển bổ sung HS khác.

Mỗi HS được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường công lập

1. Mỗi HS được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập (kể cả lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An), xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2.

HS muốn nhập học tại trường đăng ký theo nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn ít nhất 1,5 điểm.

HS có đủ điều kiện dự tuyển, được đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của hai trường THPT Hà Nội- Amsterdam và THPT Chu Văn An.

Đối với các môn chuyên cả 2 trường cùng tuyển sinh, học sinh được quyền đăng kí nguyện vọng vào lớp chuyên của cả 2 trường có xếp thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. HS muốn nhập học tại trường đăng ký theo nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn ít nhất 1,0 điểm.

2. Bắt đầu từ năm học 2006-2007, chương trình Tiếng Anh, Tiếng Pháp dạy ở trường THPT là chương trình theo sách giáo khoa mới hệ 7 năm. Khi đăng ký dự tuyển, HS phải chú ý chọn trường có môn ngoại ngữ đã học ở THCS.

3. Thay đổi nguyện vọng dự tuyển: Ngày 29/5/2006 Sở GD&ĐT sẽ công bố công khai tại Sở và các Phòng GD&ĐT số lượng HS đăng ký dự tuyển vào từng trường THPT.

HS muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn (theo mẫu) tại các Phòng GD&ĐT ngày 30/5/2006 hoặc tại Sở GD&ĐT ngày 31/5/2006.

Khu vực tuyển sinh

1. Tuyển sinh vào trường THPT công lập

a) Phân chia khu vực tuyển sinh: Toàn thành phố chia làm 8 khu vực tuyển sinh (KVTS), HS có đủ điều kiện dự tuyển (mục C.I.1.a), có hộ khẩu thường trú (HKTT) của bản thân, của bố hoặc mẹ, hoặc hộ khẩu tạm trú dài hạn ở KVTS nào được dự tuyển vào trường THPT công lập ở KVTS đó.

Cụ thể như sau:

- KVTS 1: Gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ. HS có HKTT ở phường Xuân La có thể dự tuyển vào trường THPT Xuân Đỉnh;

- KVTS 2: Gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; HS có HKTT ở KVTS 2 có thể dự tuyển vào các trường THPT Trương Định, Hoàng Văn Thụ;

- KVTS 3: Gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy. HS có HKTT ở phường Nghĩa Đô có thể dự tuyển vào trường THPT Xuân Đỉnh;

- KVTS 4: Gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. HS có HKTT tại các phường thuộc quận Hai Bà Trưng cũ có thể dự tuyển vào các trường THPT ở KVTS 2. HS có HKTT ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì có thể dự tuyển vào trường THPT Trần Hưng Đạo;

- KVTS 5: Huyện Từ Liêm;

- KVTS 6: Gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm;

- KVTS 7: Huyện Đông Anh. HS có HKTT ở xã Nguyên Khê có thể dự tuyển vào trường THPT Sóc Sơn;

- KVTS 8: Huyện Sóc Sơn.

Riêng đối với lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An, mọi HS có đủ điều kiện, đều được đăng ký dự tuyển (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

Đổi khu vực tuyển sinh:

- HS cư trú không đúng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có thể đăng ký đổi KVTS theo nơi cư trú thực tế.

Trong Phiếu dự tuyển của những HS này phải có xác nhận của công an phường, xã nơi cư trú thực tế; HS đang học ngoại ngữ Tiếng Pháp được đăng ký dự tuyển vào trường THPT có tuyển lớp 10 Tiếng Pháp không phân biệt khu vực tuyển sinh nhưng phải đăng ký đổi KVTS trong Phiếu dự tuyển.

2. Tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập

HS tốt có đủ điều kiện dự tuyển, được đăng ký dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập, không phân biệt khu vực tuyển sinh.

HS trúng tuyển ở trường nào sẽ học ổn định hết cấp ở trường đó. Trong quá trình học tập vì lý do đặc biệt mà HS phải chuyển trường, Sở GD&ĐT sẽ xem xét giải quyết theo quy định về việc chuyển trường của Sở GD&ĐT với điều kiện số HS khối lớp của trường HS xin chuyển đến chưa vượt quá chỉ tiêu được giao từ đầu cấp.

Đối với trường ngoài công lập, trong quá trình học tập, nếu HS có nguyện vọng chuyển trường, các trường ngoài công lập phải tạo điều kiện thuận lợi cho HS trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục thuyên chuyển theo quy định về việc chuyển trường của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Phương thức tuyển sinh:

Thực hiện phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển theo Quy chế của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh vào lớp 10 THPT (công lập, ngoài công lập) và lớp 10 không chuyên trường THPT Chu Văn An.

Khi xét trúng tuyển lấy theo điểm xét tuyển (ĐXT) từ cao nhất trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao cho từng trường. Điểm thấp nhất cho học sinh trúng tuyển vào trường gọi là điểm chuẩn của trường.

ĐXT = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm

Trong đó:

a) Điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học ở THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của HS ở THCS được tính như sau:

- Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 5 điểm;

- Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 4,5 điểm;

- Hạnh kiểm khá, học lực khá: 4 điểm;

- Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 3,5 điểm;

- Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3 điểm;

- Trường hợp còn lại: 2,5 điểm.

b) Điểm thi là tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán chấm theo thang điểm từ 0 đến 10, điểm lẻ đến 0,25.

Chỉ đưa vào diện xét tuyển những HS không có bài thi nào bị điểm 0.

c) Điểm cộng thêm là điểm dành cho đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích. Điểm cộng thêm được quy định như sau:

- Đối với đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên:

+ Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên; con những người được hưởng chế độ như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên;

+ Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng: con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động, con Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh, bệnh binh và con của người được hưởng chế độ như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động dưới 81%;

+ Cộng 1 điểm cho người dân tộc thiểu số.

- Đối với đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích:

+ Cộng 2 điểm cho HS đạt giải trong các kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức; thi giữa các nước trong khu vực và thi quốc tế; đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức;

+ Cộng 1,5 điểm cho HS đạt giải nhì (huy chương bạc) trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức; cho HS được xếp loại giỏi ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD&ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD&ĐT;

+ Cộng 1 điểm cho HS đạt giải ba (huy chương đồng) trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, thi văn nghệ, thể thao do Sở GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức; cho HS được xếp loại khá ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD&ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD&ĐT;

+ Cộng 0,5 điểm cho HS được xếp loại trung bình ở kỳ thi nghề phổ thông do Sở GD&ĐT tổ chức theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Điểm cộng thêm tối đa không quá 6 điểm.

Tuyển sinh vào lớp chuyên trường THPT Hà nội - Amsterdam và lớp chuyên trường THPT Chu Văn An

1. Điều kiện dự tuyển:

- HS có HKTT hoặc có bố hoặc mẹ có HKTT tại Hà Nội, đúng độ tuổi quy định, có đủ hồ sơ hợp lệ; - Xếp loại tốt nghiệp THCS từ loại khá trở lên; HS dự tuyển vào lớp chuyên các môn tự nhiên phải có điểm trung bình môn chuyên cả năm lớp 9 từ 8,0 trở lên.

Riêng lớp chuyên Toán-Tin thì điểm trung bình môn Toán hoặc Vật lý phải từ 8,0 trở lên. HS dự tuyển vào lớp chuyên các môn xã hội và ngoại ngữ phải có điểm trung bình môn chuyên cả năm lớp 9 từ 7,0 trở lên.

Riêng đối với lớp chuyên trường THPT Chu Văn An: Cho phép HS các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt năm học lớp 9 và đạt giải chính thức trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh được dự tuyển.

2. Phương thức tuyển sinh:

Thực hiện phương thức tuyển sinh quy định trong Quy chế trường THPT chuyên của Bộ GD&ĐT, trong đó dùng kết quả thi hai môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên (lấy hệ số 1) và kết quả thi môn chuyên (lấy hệ số 2) làm cơ sở tính điểm xét tuyển.

Chỉ đưa vào danh sách xét tuyển những học sinh đạt các điều kiện sau: Điểm các bài thi không có điểm nào dưới 2,0; Điểm bài thi môn chuyên không dưới 6,0; Điểm xét tuyển không dưới 20,0.

ĐXT = Tổng các điểm thi (đã tính hệ số) + Điểm khuyến khích

a) Điểm thi: Điểm bài thi chấm theo thang điểm từ 0 đến 10, điểm lẻ đến 0,25.

b) Điểm khuyến khích: Học sinh đạt giải môn thi trong kỳ thi chọn HSG lớp 9 cấp tỉnh, thành phố trùng với môn chuyên đăng ký dự thi được cộng thêm: Giải nhất:  2,0 điểm; Giải nhì:  1,5 điểm;  Giải ba: 1,0 điểm.

Khi xét trúng tuyển lấy theo điểm xét tuyển từ cao nhất trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao cho từng môn chuyên. Điểm thấp nhất cho học sinh trúng tuyển vào trường đối với từng môn chuyên gọi là điểm chuẩn. Trường hợp ngang điểm nhau thì dựa vào kết quả năm học lớp 9 và điểm bài thi môn chuyên.

ĐXT của HS dự tuyển vào lớp chuyên Tiếng Nga trường THPT Hà Nội - Amsterdam được tính như sau:

ĐXT = Tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán

Căn cứ ĐXT, HS sẽ được chọn để dự kiểm tra năng khiếu ngoại ngữ, nếu đạt sẽ được tuyển chính thức.

Tuyển sinh vào lớp 10 chương trình THPT tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên

Năm học 2006-2007 các Trung tâm Giáo dục thường xuyên tiếp tục tuyển HS vào lớp 10 học theo chương trình THPT, HS theo học chương trình này khi hết khóa học sẽ được dự thi tốt nghiệp theo chương trình THPT và nếu đỗ sẽ được cấp Bằng tốt nghiệp THPT.

1) Điều kiện dự tuyển:

HS có HKTT tại Hà Nội hoặc có bố hoặc mẹ có HKTT tại Hà Nội, đúng độ tuổi quy định, có đủ hồ sơ hợp lệ; HS có hộ khẩu tạm trú dài hạn tại Hà Nội, tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS tại Hà Nội, đúng độ tuổi quy định, có đủ hồ sơ hợp lệ.

2) Phương thức tuyển sinh:

Thực hiện phương thức xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh THPT.

(HS nộp đơn dự tuyển, bản sao bằng tốt nghiệp THCS hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên từ 11/7 đến 30/8/2006. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết).

Môn thi, nội dung và hình thức thi

a) Môn thi: Toàn bộ thí sinh làm bài thi viết hai môn: Ngữ văn, Toán.

Thí sinh dự tuyển vào lớp chuyên thi thêm môn chuyên.

b) Nội dung đề thi: Đề thi sẽ có tính phân loại cao để đánh giá chính xác kiến thức, năng lực của học sinh. Đề thi được ra trong chương trình THCS hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 9.

c) Hình thức thi: Học sinh đang học lớp 9 năm học 2005-2006 đã được làm quen với hình thức kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan nhưng chưa thật thành thạo. Bởi vậy trong kỳ thi này vẫn dùng hình thức tự luận, chưa dùng hình thức trắc nghiệm khách quan.

Thời gian làm bài và lịch thi:

Sáng 16/6/2006: thi môn Ngữ văn. Thời gian làm bài: 120 phút.

Chiều 16/6/2006: thi môn Toán. Thời gian làm bài: 120 phút.

Sáng 17/6/2006: thi các môn chuyên Ngữ văn, Toán, Sinh vật, Tiếng Pháp. Thời gian làm bài: 150 phút.

Chiều 17/6/2006: thi các môn chuyên Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý. Thời gian làm bài: 150 phút.

Nơi dự thi của thí sinh:

HS chỉ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 không chuyên sẽ thi tại HĐ coi thi thuộc trường THPT nơi đăng ký nguyện vọng 1. HS có đăng ký dự tuyển vào trường chuyên sẽ thi tại HĐ coi thi thuộc trường chuyên nơi đăng ký nguyện vọng 1.

Nếu HS đến muộn giờ vào phòng thi nhưng chưa đến thời điểm tính giờ làm bài thì lập biên bản và cho HS vào dự thi.

- Tất cả các trường hợp đến muộn khác đều phải lập biên bản và không được dự thi.

Chấm thi và điểm chuẩn: Sở sẽ lập một HĐ chấm thi. HĐ chấm thi thành phố gồm 2 HĐ chấm bộ môn và 2 HĐ phách bộ môn.

Chấm bài thi: Mỗi bài thi được 2 giám khảo ở 2 tổ chấm khác nhau, một là giáo viên THPT, một là giáo viên THCS, chấm độc lập theo sự phân công của Chủ tịch HĐ.

Công nhận trúng tuyển, thủ tục nhập học, phân ban.

Mỗi trường THPT chỉ có một điểm chuẩn. Sau khi HS nhập trường, nhà trường sẽ xếp theo thứ tự từ HS có điểm xét tuyển cao nhất đến hết chỉ tiêu vào hệ A, các HS còn lại vào hệ B.

Điểm xét tuyển Sở công bố là căn cứ duy nhất để xác định điểm chuẩn, các trường không được đưa ra bất cứ một loại điểm và điều kiện nào khác để xét tuyển.

- Dự phòng khả năng HS rút hồ sơ, các trường THPT ngoài công lập có thể tuyển nhiều hơn mức tối đa được giao nhưng không được quá 20%.

- Trường hợp hạ chuẩn: Các trường THPT phải niêm yết công khai số lượng HS đã tuyển, số còn thiếu so với chỉ tiêu, điểm chuẩn mới và thời hạn nhận hồ sơ. Khi hạ chuẩn chỉ nhận TS có nguyện vọng 1 vào trường.

Nhập học

Thời gian nhập học, thủ tục nhận hồ sơ sẽ được công bố công khai tại từng trường THPT.

Trong thời gian qui định, HS đủ điểm chuẩn phải nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí nhập học tại trường (ngoài lệ phí theo qui định của Sở, các trường không được thu thêm bất cứ khoản nào khác khi tuyển sinh). Các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.

Từ năm học 2006-2007, tất cả các trường THPT thực hiện chương trình phân ban. Mỗi trường có nhiều nhất ba ban: Ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và Nhân văn, ban Cơ bản. Các trường THPT không được tổ chức thi, kiểm tra để phục vụ phân ban, chia lớp. 

Hồ Thu
Theo tài liệu của Sở GD-ĐT TP Hà Nội

MỚI - NÓNG