Tuyển sinh vượt chỉ tiêu đe dọa chất lượng

Tuyển sinh vượt chỉ tiêu đe dọa chất lượng
TP - Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khuyến cáo, tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu ngân sách nhà nước cấp là một trong những nguy cơ  đe dọa chất lượng đào tạo.
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu đe dọa chất lượng ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông Thi khuyến cáo trong cuộc họp giữa đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND TP Hà Nội và các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn Thủ đô (26-2).

Để có đất xây trường cần... 8 chữ ký

Trước đó, nhiều đại diện các trường ĐH, CĐ than phiền về đủ thứ khó khăn. Đặc biệt, vấn đề đất đai và các điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo được nhiều trường đề cập.

GS Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, khi Hà Nội chưa mở rộng, thành phố có một dự án 300 ha đất dọc tuyến đường Láng – Hòa Lạc để xây dựng cơ sở hạ tầng cho 8 trường đại học (trong đó có trường ĐH Kinh tế Quốc dân). Tuy nhiên, sau khi Hà Nội mở rộng, dự án này bị hoãn.

GS Nguyễn Văn Nam than phiền: “Hiện nay các trường rơi vào tình trạng mạnh ai người nấy chạy, nghe ở đâu có cơ hội là tìm đến: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... Theo tôi, nên có một quy hoạch cho các trường, đừng để các trường đứng trước sự lựa chọn mênh mông như vậy”.

Có trường đại học tư thục còn cho biết, để xây dựng được cơ sở vật chất cho trường mình, họ đã phải mất 7 năm để hoàn thiện các thủ tục. Trong đó, riêng thời gian để có được quyền sử dụng đất mất 4 năm. Để có được một mảnh đất xây trường, các trường đại học phải trải qua cửa ải xin 8 chữ ký của 8 sở, ngành.

Chất lượng = nâng học phí?

Định suất đầu tư trên một sinh viên quá thấp cũng là một khó khăn được nhiều trường nhắc đến không chỉ trong cuộc họp trên mà trong cả quá trình đoàn giám sát quốc hội làm việc trước đó ở hơn 30 trường trong Nam, ngoài Bắc.

GS Phạm Phụ, người tham gia đoàn giám sát với tư cách độc lập nhận xét: “Suất đầu tư mức bình quân của các trường khoảng 500 USD/năm/SV. Trong khi đó của các nước là 5.000, 10.000, 20.000 USD.

Tính theo sức mua của đồng tiền, suất đầu tư của họ gấp 5 – 10 lần chúng ta. Nếu kéo dài tình trạng này thì chúng ta chỉ nói chơi được với nhau. Với điều kiện Việt Nam, chúng tôi tính thử, cần có suất đầu tư gấp đôi hiện nay, tức khoảng 1.200 USD/SV thì vấn đề chất lượng sẽ khác hẳn”. 

Theo nhiều đại biểu, một trong những cách nâng cao suất đầu tư chính là nâng học phí. Nhiều trường cũng phàn nàn có sự mất bình đẳng giữa các trường đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài thoải mái thu học phí cao trong khi chất lượng không chắc tương xứng với mức thu, còn đầu tư trong nước và đặc biệt là các trường công lập bị khống chế mức thu học phí quá thấp.

Không tăng học phí ồ ạt

Theo ông Đào Trọng Thi, tỉ trọng ngân sách dành cho GD&ĐT như hiện nay đã là một cố gắng của Chính phủ. Vì thế, để cải thiện kinh phí cho GD&ĐT cần có sự huy động từ các nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của người học.

Tuy nhiên, ông Thi nhấn mạnh: “Chúng ta cần đẩy mạnh nguồn vốn của các nguồn lực xã hội. Còn đóng góp của người học thì phải có lộ trình và phải có sự cân nhắc đến điều kiện sống của người dân. Không thể tăng học phí ồ ạt”.

Vế suất đầu tư/ sinh viên, ông Thi cho rằng, nguyên nhân khiến cho chỉ số này thấp chính là tình trạng tuyển sinh của các trường. “Suất đầu tư mà Nhà nước giao trung bình 6 - 7 triệu đồng/sinh viên nhưng các trường lại tuyển sinh với số chỉ tiêu vượt trên mức Nhà nước giao. Do đó suất đầu tư/sinh viên giảm đi rất nhiều, làm sao đảm bảo chất lượng?”, ông Thi đặt vấn đề.

“Đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải yêu cầu: Đảm bảo thực hiện đủ suất đầu tư/sinh viên mà ngân sách nhà nước cấp. Đây cũng là một cách giải bài toán quy mô và chất lượng”, ông Thi khẳng định.

MỚI - NÓNG