Tuyển sinh ĐH, CĐ 2010:

Tỷ lệ chọi giảm ở nhiều trường

Tỷ lệ chọi giảm ở nhiều trường
TP - Năm nay, tỷ lệ chọi giảm ở nhiều trường. Thậm chí, có trường danh tiếng cũng chỉ có tỷ lệ chọi 1/2,66. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường khẳng định, tỷ lệ chọi thấp không có nghĩa điểm đầu vào thấp.
Tỷ lệ chọi giảm ở nhiều trường ảnh 1

Tính đến 15 giờ ngày 6 - 5, các trường đại học (ĐH) khu vực phía Bắc đã có con số tương đối về tổng số hồ sơ dự thi (HS DT), có thể ước lượng được tỷ lệ chọi tương đối vào trường mình.

Tổng số hồ sơ dự thi nộp vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 20.500, giảm 2.500 hồ sơ so với năm trước. Chỉ tiêu tuyển của trường năm nay là 4.015. Như vậy, tỷ lệ chọi tương đối là 1/5.

Theo ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, tỷ lệ chọi không phải yếu tố quan trọng nhất đối với trường này, mà số thí sinh đến dự thi mới quan trọng. Mấy năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đến dự thi của ĐH Kinh tế Quốc dân đạt 50%. Tuy nhiên, điểm chuẩn của trường vẫn luôn ở mức cao, khoảng 22 - 23 điểm.

ĐH Sư phạm Hà Nội nhận được khoảng 16.000 - 17.000 hồ sơ, giảm so với năm trước. Tỷ lệ chọi của trường này khoảng 1/7. Theo bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tỷ lệ chọi cũng tương đối quan trọng đối với trường.

Học viện Ngoại giao có khoảng gần 3.000 hồ sơ, ít hơn năm trước đôi chút. Chỉ tiêu của trường khoảng 450 và tỷ lệ chọi là 1/7.

Tuy nhiên, theo đại diện trường, các thí sinh thi vào học viện cần lưu ý: số thí sinh thi vào khối A năm nay cao hơn năm trước với tỷ lệ chọi khoảng 1/9, trong khi khối D giảm; tiếng Pháp tăng. Đối với học viện, tỷ lệ chọi không quan trọng vì số lượng tuyển không nhiều.

ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 12.800 hồ sơ với chỉ tiêu 4.800. Tỷ lệ chọi (1/2,66) là không quan trọng với trường này, theo ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, vì hầu như không có sự tương quan giữa chất lượng thí sinh và và tỷ lệ chọi.

Tỷ lệ chọi chỉ quan trọng trong một nhóm các  trường cùng tốp chứ không nằm trong phạm vi so sánh tổng thể là điều thí sinh cần lưu ý.

Với các thí sinh thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội, chính sách tuyển sinh mới của trường năm nay là quan trọng: tuyển theo nhóm ngành nên cơ hội vào trường nhiều hơn năm trước và chỉ tiêu nhiều hơn. Điểm chuẩn vào trường này đứng ở mức cao trong các năm: 21,0 khối A và 24 khối D (tiếng Anh nhân đôi).

Học viện Bưu chính Viễn thông có 5.500 hồ sơ, giảm không đáng kể. Tỷ lệ chọi khoảng 1/2,5.

Theo ông Đặng Văn Tùng, Phó Phòng Đào  tạo Học viện,  tỷ lệ chọi chỉ là một trong những tiêu chí và nó giống con dao hai lưỡi nên thí sinh không nên căn cứ vào đó để quyết định thi vào đâu trong số các hồ sơ đã nộp.

Số lượng hồ sơ nộp vào ĐH Ngoại thương giảm đôi chút với khoảng 8.300 - 8.400 hồ sơ (chỉ tiêu 3.000) nên tỷ lệ chọi gần 1/2,8.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo của trường cũng khẳng định, tỷ lệ chọi đối với trường này cũng không quan trọng. Có năm tỷ lệ chọi chỉ khoảng 1,1 nhưng điểm chuẩn của trường luôn ở mức cao: khoảng 25,0 điểm (khối A) và 23,5 điểm (khối D).

ĐH Hà Nội có 9.623 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 1.700. Tỷ lệ chọi 1/5,6. Theo ông Lê Quốc Hạnh, Quyền Trưởng phòng Đào tạo, điểm chuẩn của trường cũng là một yếu tố quan trọng để thí sinh cân nhắc, ngoài tỷ lệ chọi.

Theo thống kê từ năm 2004 đến nay, ngành Quản trị Kinh doanh sẽ đầy tiềm năng với thí sinh có thể đạt điểm trung bình từ 7,0 trở lên (nhân đôi ngoại ngữ). Những ngành như: Bồ Đào Nha, Italy, tiếng Nga thi bằng tiếng Anh, Đức, Pháp… đòi hỏi điểm trung bình khoảng 5,5 trở lên.

Ông Hạnh dự báo: năm nay điểm chuẩn có thể nhích lên một chút vì năm trước hồ sơ ảo quá nhiều.

ĐH Y Hà Nội làm giật mình dư luận với 15.931 hồ sơ (gấp rưỡi năm trước trong khi chỉ tiêu tuyển của trường này chỉ là 1.000. Tỷ lệ chọi 1/16 của trường này và điểm chuẩn tương đối cao những năm trở lại đây là những yếu tố quan trọng để xem xét.

ĐH Mở Hà Nội mặc dù giảm hơn 10.000 hồ sơ nhưng vẫn có 25.000 trong khi chỉ tiêu tuyển là 3.000. Tỷ lệ chọi là 1/8,33. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, thí sinh có học lực trung bình trở lên có thể yên tâm dự thi vào trường này.

ĐH Thương mại đang hot với 39.000 hồ sơ và chỉ tiêu tuyển là 3.400. Tỷ lệ chọi ở vào khoảng 1/11. Ông Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng cho biết,  tỷ lệ chọi này tương đương với các năm. Điểm chuẩn vào ĐH Thương mại cũng tương đối ổn định, khoảng 17,0-23,5 điểm tùy theo từng ngành.

Ông Nhàn đưa ra lời khuyên cho thí sinh:  tin tưởng  vào sức học và quyết tâm của mình. Tỷ lệ chọi chỉ là một trong những yếu tố tham khảo; việc hiểu rõ ngành nghề, thị trường việc làm và điểm chuẩn cũng là những thông tin rất quan trọng.

ĐH Công đoàn có khoảng 25.000 hồ sơ với 1.780 chỉ tiêu. Như vậy, tỷ lệ chọi vào trường là 1/14. Điểm chuẩn năm trước của trường này khoảng 15 -18,5.

Học viện Ngân hàng có 18.000 hồ sơ (tăng 3.000 so với năm trước). Chỉ tiêu tuyển: 2.300; tỷ lệ chọi là 1/7,8. Điểm chuẩn của học viện ở vào khoảng: 22 - 23,5 (điểm sàn trường). Ngành tài chính ngân hàng cao hơn từ 1-2 điểm so với sàn trường. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý, thí sinh vào học viện có nhiều lựa chọn: học trung học và cao đẳng có liên thông đại học.

ĐH Luật có trên 11.570 hồ sơ; giảm hơn 2.000 hồ sơ so với năm trước. Với  chỉ tiêu 1.800 (trong đó đã tiếp nhận 102 dự bị), tỷ lệ chọi tương đối là 1/6,9, nhưng khác nhau theo từng khối thi. Thí sinh thi vào khối C có vẻ vất vả nhất với điểm chuẩn hàng năm ở hàng top (21,0 điểm). Điểm chuẩn hai khối A và D dao động ở 18,0 đến 20,0 điểm.

Học viện Báo chí Tuyên truyền có 8.500 hồ sơ, giảm 2.000 hồ sơ. Chỉ tiêu của trường gần 1.500. Điểm chuẩn của 25 chuyên ngành khác nhau vào năm ngoái, từ 15,5 đến 22,0 điểm.

Trong khi đó, ĐH Dược có 2.500 hồ sơ và chỉ tiêu 550. Tỷ lệ chọi là 1/4,54 nhưng điểm chuẩn vào trường này đáng để các thí sinh cân nhắc: trong khoảng từ 24,0 - 27,0 điểm trong mấy năm trở lại đây.

MỚI - NÓNG