Vận động học sinh trở lại trường bằng… phim

Vận động học sinh trở lại trường bằng… phim
TP - Để giữ các em ở trường, không bỏ học, các thầy cô ở Kon Tum nghĩ ra “chiêu độc”, cho người đi thuê đầu Video và đĩa băng hình, nhưng nhất thiết phải là phim... chưởng!
Vận động học sinh trở lại trường bằng… phim ảnh 1
Hàng ngày các giáo viên phải xuống các buôn làng vận động học sinh ra lớp

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Kon Tum, toàn tỉnh có 2.483 học sinh bỏ học, trong đó tiểu học 502 em, trung học cơ sở 968 em và trung học phổ thông 1.013 em.

Để duy trì sỹ số học sinh, đội ngũ thầy cô giáo ở các buôn làng đã phải kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến lớp, chúng tôi đã theo chân các thầy cô giáo để được chứng kiến...

“Nghe tiếng xe gắn máy là học sinh trốn biệt”

Hiệu trưởng trường THCS Đăk BLà, thị xã Kon Tum Đinh Quang Muôn giới thiệu cô giáo Y Blen, người dân tộc Ba Na dẫn chúng tôi xuống làng Kon Mơ Nay K’tu, nơi có rất nhiều học sinh bỏ học. Con đường đất đỏ bụi bay mù mịt.

Trên đường đi cô Y Blen kể, khi nghe tiếng xe máy của cô là các em biết ngay có cô giáo xuống nhà vận động đến trường, liền tìm cách trốn biệt. Một số phụ huynh còn kêu cô lại mà nói:

“Này Blen! mày đến nhà tao nhiều quá đó, để nói tụi nhỏ đi học phải không. Chúng nó đã không muốn đi thì đừng ép, hôm sau đừng xuống nữa nhé...”.

Dù rất buồn, nhưng “học sinh đến trường chuyên cần là vui lắm rồi, đành bỏ qua hết” - cô Blen tâm sự.

Mỗi lần trường tổ chức thi học kỳ, hay tổ chức kiểm tra là lúc thầy cô giáo bất đắc dĩ trở thành đội quân... xe thồ! Trước ngày thi, trường phân công giáo viên thành các nhóm để tỏa đi từng thôn làng “gom” và chở học sinh đến trường.

Họ dùng điện thoại di động để “kết nối” giữa trường với các làng, thấy thiếu em nào thì kịp thời “chỉ điểm” để đến tận nhà em đó... chộp đi! “Sểnh ra một chút là các em trốn liền” - thầy Đào, phó Hiệu trưởng trường THCS Đăk BLà cho biết.

Đưa được các em đến trường rồi, việc giữ các em cũng không dễ chút nào. Dù kinh phí eo hẹp, nhưng trường nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền xã để lo ăn sáng, ăn trưa cho các em.

Thi buổi sáng xong, sểnh cái là buổi trưa các em trốn về làng liền. Các thầy cô liền nghĩ ra “chiêu độc”, cho người đi thuê đầu Video và đĩa băng hình, nhưng nhất thiết phải là phim... chưởng!

“Cảnh trên phim phải diễn kiểu đấm đá túi bụi, loạn xạ như vậy mới thu hút các em xem, lo mải xem phim kiếm hiệp mà sẽ quên đi chuyện trốn về.” – một thầy giáo trường THCS Đăk BLà nói.

Vậy mà, mỗi khi làng có lễ hội mừng lúa mới, mừng giọt nước, hay có ma chay cưới hỏi... y như rằng học sinh đến lớp vắng te! Các em mải theo người lớn chung vui và quên luôn chuyện học.

Ký cam kết không để con em nghỉ học

Thầy Đinh Quang Muôn cho biết, trường có 650 học sinh, 10/13 thôn làng thuộc đồng bào Ba Na, 3 thôn thuộc dân kinh tế mới. Đến thời điểm hiện nay toàn trường có 13 em học sinh bỏ học, còn bỏ giờ bỏ buổi học dao động từ 60-70 em/ngày, còn cuối tuần lên tới cả trăm em. Vậy mà so với các trường thuộc diện vùng ven thị xã Kon Tum thì đây là địa phương có học sinh nghỉ học ít nhất.

Để hạn chế việc học sinh bỏ học, UBND xã Đăk BLà đã ra Nghị quyết chuyên đề, theo đó tổ chức ký cam kết giữa xã với các thôn và từng thôn làng ký kết với từng hộ gia đình không được để con em nghỉ học.

Mỗi buổi sáng đầu tuần, làng tổ chức chào cờ, con em hộ gia đình nào bỏ học sẽ bị nêu đích danh, phê bình trước nhà rông, trước toàn thể dân làng một cách nghiêm túc.

Theo nhận xét của các thầy cô giáo, lý do học sinh bỏ học là hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng “đi học chẳng thu được gì, còn đi lên rẫy lượm củ mì và mót mủ cao su ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn...”; một số em hiện bị “mất gốc” từ những năm học trước đó, nên không có khả năng tiếp thu bài, dẫn tới chán nản. Nhiều em còn chưa nói sõi tiếng Việt... trang thiết bị và phương pháp giáo dục trực quan sinh động còn quá hạn chế.

Để duy trì sỹ số học sinh, đội ngũ thầy cô giáo ở các buôn làng ở Kon Tum đang phải kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến lớp, “Chúng tôi đang phải... đánh vật từng ngày, chỉ lơi là một chút là học sinh nghỉ học liền” -Thầy Muôn thở dài.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.