Vẫn giữ ổn định kỳ thi '2 trong 1'

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến 2020. Ảnh: Như Ý.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến 2020. Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều qua, 27/6, tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Cục trưởng Cục  Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh khẳng định: Thời gian tới, Bộ vẫn giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu. Sau khi tổng kết 5 năm thực hiện chủ trương này, thực hiện chương trình SGK mới, Bộ GD&ĐT sẽ có đủ “cơ sở lượng và chất” để bàn tiếp chuyện một kỳ thi THPT quốc gia.

Như Tiền Phong đã phản ánh, đề thi THPT quốc gia 2018 được dư luận cho rằng, tuy có độ phân hóa cao nhưng lại khó đối với nhiều thí sinh, trong khi năm 2017 đề lại quá dễ. Vậy liệu có phải Bộ GD&ĐT đang lúng túng trong việc đảm bảo một kỳ thi với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ hay không? Tại buổi họp báo chiều qua, trả lời câu hỏi này của Tiền Phong, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định độ khó của đề thi phải căn cứ vào nội dung kiến thức. Hội đồng ra đề thi tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11, 12, trong đó chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ 80-85% lớp 12, 20-15% lớp 11. Cấu trúc đề thi cũng không thay đổi so với năm 2017. 60 % kiến thức cơ bản, 40% nâng cao.  Các môn, các bài thi dù tự luận hay trắc nghiệm cũng có cấp độ các câu hỏi từ dễ đến khó. Hội đồng ra đề tuân thủ đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo thi quốc gia là Đề thi phải được tăng cường phân hóa với các thí sinh vì vậy phải có một số câu hỏi tăng độ khó lên. Mặt khác theo ông Sái Công Hồng, độ khó tăng lên vì kiến thức nằm trong kiến thức lớp 11. Tuy nhiên học sinh đã được thông báo từ sớm nên không bất ngờ.

“Đề thi mà tất cả thí sinh đều làm được hoặc không em nào làm được thì  không phải là đề thi tốt. Câu hỏi phân hóa từ dễ đến khó theo tinh thần chung là sát với năng lực của học sinh” - ông Sái Công Hồng khẳng định.

Trước câu hỏi khi nào thì Bộ GD&ĐT “buông” kỳ thi THPT quốc gia, giao việc xét tốt nghiệp THPT về cho các Sở GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định, trong Luật Giáo dục có quy định tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong Luật Giáo dục ĐH cũng quy định trường ĐH được tự chủ tuyển sinh bằng một trong ba phương thức. Trong Nghị quyết 44 cũng như Nghị quyết 29 của Trung ương cũng đã quy định rất rõ việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo hướng gọn nhẹ, trung thực, khách quan. Kết quả thi làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển. “Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 để đánh giá những vấn đề được, chưa được của ngành. Trong đó, có nội dung thực hiện kỳ thi THPT quốc gia hai mục tiêu. Từ kết quả này, cùng với việc thực hiện chương trình SGK mới, lúc đó, Bộ GD&ĐT sẽ có cơ sở về chất và lượng để bàn tiếp câu chuyện đổi mới thi THPT quốc. Thời gian tới, Bộ sẽ vẫn giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia” - ông Mai Văn Trinh cho hay.

Trường ĐH vẫn chọn được thí sinh phù hợp

Đứng dưới góc độ của thí sinh, nhiều chuyên gia cho rằng việc ra đề thi để đáp ứng được cả hai mục tiêu như Bộ GD&ĐT mong muốn là rất khó. Theo TS. Đỗ Ngọc Quyên chừng nào Bộ GD&ĐT còn ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi ĐH thì thí sinh sẽ còn phải hứng chịu hậu quả. Bởi lẽ việc kiểm soát mức độ khó sao cho một đề thi cùng lúc đáp ứng được yêu cầu của cả hai kỳ thi này là rất khó. 

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ trường ĐH, lãnh đạo nhiều trường cho rằng  về cơ bản, kết quả thi THPT quốc gia vẫn có thể “chấp nhận” được để tuyển sinh. PGS Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội nhìn nhận dù đề khó hay dễ thì mỗi năm cũng chỉ chừng đó thí sinh “lọt” qua. “Chính vì vậy, điểm trúng tuyển năm này cao, không có nghĩa là sinh viên giỏi hơn năm có điểm trúng tuyển thấp” - PGS Hinh khẳng định. Ông cũng cho rằng, chừng nào Bộ GD&ĐT còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc như hiện nay thì trường vẫn lấy kết quả để xét tuyển.

PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cho rằng kỳ thi với 2 mục tiêu đang được vận hành ngày càng tốt hơn, ngay cả về đề thi. Cho nên việc có một kỳ thi cấp quốc gia là rất thuận lợi cho các trường ĐH. Nó giúp các trường ĐH giảm được gánh nặng phải có một kỳ thi riêng, trong khi đó không phải trường nào cũng có yêu cầu quá cao hoặc quá khác biệt về đầu vào.

Nhưng PGS. Đỗ Văn Xê, trường ĐH Cần Thơ cho rằng các trường ĐH đang quá chú trọng vào đầu vào. Một số nước trên thế giới học sinh tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào các trường ĐH trung bình. Với kỳ thi hai mục đích hiện nay, theo PGS. Đỗ Văn Xê, nên lấy ngưỡng dưới (đỗ tốt nghiệp) để làm chuẩn, không nên lấy ngưỡng trên (xét tuyển sinh ĐH).

“Đề thi mà tất cả thí sinh đều làm được hoặc không em nào làm được thì  không phải là đề thi tốt. Câu hỏi phân hóa từ dễ đến khó theo tinh thần chung là sát với năng lực của học sinh”.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG