Thi tốt nghiệp THPT năm 2009:

Vẫn lưỡng lự trước các phương án mới

Vẫn lưỡng lự trước các phương án mới
TP - Nhiều điểm mới được đưa ra trong phương hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, dù nhận được sự đồng thuận cao của các Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn có những ý kiến băn khoăn.

Tại hội nghị thi và công tác tuyển sinh 2009 qua mạng truyền hình (tổ chức hôm qua tại sáu đầu cầu Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ) Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến phương hướng tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay với nhiều giải pháp mới.

Một số giải pháp bổ sung trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009

Tổ chức thi theo cụm: Mỗi tỉnh/thành tổ chức cho thí sinh thi theo các cụm trường. Mỗi cụm có ít nhất ba trường THPT/ Trung tâm GD thường xuyên tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn hoặc nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi.

Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, hải đảo đi lại khó khăn không thể tổ chức theo cụm hoặc chỉ tổ chức được cụm hai trường, sở GD&ĐT báo cáo, xin ý kiến của Bộ GD&ĐT.

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và phạm vi hoạt động của thanh tra của Bộ  và giám thị ngoài hàng lang:

Chỉ có thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi.

Giám thị ngoài hành lang ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hỗ trợ thanh tra khi cần thiết.

Huy động giám thị từ trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi.

Đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh để chấm thi: Tỉnh A chấm cho tỉnh B, tỉnh B chấm cho tỉnh C...

Những tỉnh có nhiều thí sinh dự thi có thể sẽ chấm cho nhiều tỉnh nhỏ có ít thí sinh và ngược lại, nhiều tỉnh chấm cho một tỉnh lớn.

Nhìn chung các ý kiến của đại biểu cả sáu đầu cầu đều đồng thuận với các giải pháp này. Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ý băn khoăn trước giải pháp tổ chức thi tốt nghiệp theo mô hình một hội đồng gồm cụm tối thiểu ba trường.

Theo ông Phạm Đăng Quang (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La), các tỉnh miền núi có đặc thù giữa trường này với trường khác rất xa nhau. Việc phải thuê nhà ở trọ để thi tạo áp lực tài chính rất lớn, khó vượt qua với phần lớn gia đình thí sinh miền núi.

Mặt khác, về mùa mưa, dễ ách tắc giao thông nhiều ngày do sạt lở, lũ, ảnh hưởng tới một hoạt động đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối về thời gian như thi cử.  

Một đại biểu khác ở miền đồng bằng, ông Trần Văn Điền (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình), cũng cùng quan điểm này.

Theo ông Điền, ở Thái Bình, quy mô các trường đều lớn (600 – 700 học sinh), cơ sở vật chất các trường không đảm nhận nổi việc tổ chức một hội đồng thi bao gồm HS từ ba trường dồn đến.

Ngoài ra, nếu thi theo cụm ba trường sẽ dẫn đến tình trạng có thí sinh phải đi 10 – 20 km để đi thi. Nhiều thí sinh sẽ phải ở trọ và phải được phụ huynh đưa đón.

Điều này không chỉ gây tốn kém cho gia đình thí sinh mà còn tạo cảnh lộn xộn do phụ huynh ngồi đợi con em mình ngoài hội đồng thi.

Ông Điền đề xuất: “Địa phương phải được tùy vào điều kiện của mình để tổ chức thi theo cụm hay không”.

Nhưng ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đưa ra ví dụ ngược lại. Hai năm qua, Nghệ An tổ chức hội đồng thi liên trường và được dư luận đánh giá cao về tính thực chất trong kết quả thi tốt nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long bổ sung gương tổ chức thi liên trường trong hai năm khác là Thừa Thiên - Huế. Ông Long cho rằng, với các tỉnh  miền núi Bộ GD&ĐT, sẽ có ý kiến cho từng trường hợp. Còn với những tỉnh đồng bằng như Thái Bình, tổ chức thi theo cụm là xu hướng không tránh khỏi. 

Chấm thi chéo tỉnh – Hoan nghênh nhưng...

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, việc soạn thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các quy chế thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 sẽ được Bộ GD&ĐT cố gắng ban hành trước 20/2.

Hầu hết đại biểu khi đề cập giải pháp chấm thi chéo tỉnh đều bày tỏ thái độ hoan nghênh.

Ông Nguyễn Hoàng Nhi (Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp), nói: “GV tỉnh này chấm bài cho thí sinh tỉnh khác là giải pháp đảm bảo khách quan, giải quyết được thực trạng bấy lâu nay trong thi tốt nghiệp THPT là thầy ta trò mình. Việc mình làm có người khác đánh giá đương nhiên sẽ tạo động lực phấn đấu cho GV trong quá trình dạy học”.

Một số đại biểu (hầu hết là đại diện các Sở GD&ĐT) lại cho rằng Bộ GD&ĐT cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có những hướng dẫn cụ thể cho giải pháp này nhằm tránh tình trạng các tỉnh chen chúc nhau lại liên thủ với nhau để làm xiếc.

Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, hai năm vừa qua Bộ vừa triển khai một số giải pháp mới trong khâu tổ chức coi thi vừa hoàn chỉnh các giải pháp đó. Nhưng công tác chấm thi thì “không thể và không được phép xảy ra trục trặc”.

Ông Minh mô tả: “Số lượng thí sinh dự thi của TP Hồ Chí Minh rất lớn nên khâu chấm thi là công việc đồ sộ. Riêng kiểm đếm bài, cần khoảng 100 người có trình độ cỡ hiệu trưởng. Làm phách trước khi chấm cũng cần lực lượng tương tự. Công đoạn chấm mất khoảng 10 ngày.

Theo dự kiến của Bộ, tôi hình dung TP Hồ Chí Minh phải chấm cho nhiều tỉnh và nhiều tỉnh chấm cho TP Hồ Chí Minh. Vì thế Bộ hết sức quan tâm khâu hướng dẫn kỹ thuật điều hành, phối hợp làm sao để mọi việc diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp!”.

Ông Lê Văn Ngọ đề xuất, để giải pháp chấm chéo tỉnh không nửa vời, các khâu lên kết quả, chấm phúc khảo cũng phải tỉnh nào chấm tỉnh ấy thực hiện.

Nhưng ông Huỳnh Công Minh lại lo ngại, tỉnh nào chấm tỉnh ấy thực hiện phúc khảo e sẽ phức tạp bởi phải đối mặt với phụ huynh để trả lời thắc mắc của họ.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT), cho biết, nội dung ông Ngọ đề xuất giống nội dung dự kiến hướng dẫn chấm thi chéo tỉnh mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo.

Theo đó, đơn vị chấm được giao thực hiện tất cả các công đoạn gồm: Ghép phách, đánh phách, chấm thi, lên điểm thi, tiếp nhận đơn phúc khảo, chấm phúc khảo, gửi kết quả...   

MỚI - NÓNG