Vẫn sẽ có một kỳ thi tuyển sinh vào đại học

Vẫn sẽ có một kỳ thi tuyển sinh vào đại học
TP - Đây là phiên bản thứ 8 của Đề án Tổng thể Đổi mới và Thi tuyển sinh (Đề án) như lời đề dẫn của ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT trong lần tọa đàm lần thứ ba.
Vẫn sẽ có một kỳ thi tuyển sinh vào đại học ảnh 1
Bộ GD&ĐT vẫn đang xem xét tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Ảnh: VietNamNet.

Trong phần tọa đàm dành cho các Sở GD & ĐT và một số trường ĐH, CĐ tại khu vực phía Bắc sáng 16/11, phần giới thiệu của Ban tổ chức đã chiếm tới 1/3 thời gian tọa đàm.

Trong 2/3 thời gian còn lại (chừng 2 giờ đồng hồ) các đại biểu từ một số Sở GD&ĐT và trường ĐH, CĐ đã làm cho bầu không khí trong hội trường của Bộ GD&ĐT nóng lên bởi các ý kiến nghiêm túc và có trách nhiệm đối với một đề án liên quan đến số phận của hàng triệu con người.

Đồng thuận nhưng nhiều bức xúc

“Chúng tôi đồng ý với chủ trương của Đề án, nhưng...” là câu nói đầu tiên của hầu hết các ý kiến. Ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng ĐH Vinh đặt câu hỏi, không hiểu vì lý do gì Đề án chỉ đề cập đến quyền lợi thí sinh, gia đình và xã hội chứ không hề tính đếm đến lực lượng chính là các trường ĐH, CĐ. Từ rất lâu, lệ phí tuyển sinh chỉ là 20.000 đồng khiến trường thường phải vất vả trong khâu bù lỗ kinh phí tuyển sinh.

Ông Hợi cũng cho rằng, lâu nay ngành GD&ĐT ít bàn đến khâu đánh giá trong năm học, trong quá trình học tập và chỉ bàn về thi tuyển sinh nên việc này gây áp lực như hiện nay là đúng.

Ông cho rằng, sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm phải có một  học phần là thi kiểm tra và đánh giá.

Về điều 37, 38 (giám sát liên tục tại chỗ đối với việc chấm thi), ông Hợi cho rằng 50% các tỉnh không thực hiện được vì mỗi tỉnh có 20 điểm thi làm như vậy thật tốn kém.

Đại biểu Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đề nghị, trong số các môn thi Bộ GD&ĐT cần có 3 môn thi bắt buộc, còn 2 môn khác để học sinh tự chọn nhưng cũng cần có giải pháp cảnh giác với  việc dạy và học ở trường THPT vốn đã lệch sẽ còn lệch hơn.

Theo ông Đại, thời gian tổ chức kỳ thi Quốc gia nên vào tháng 6 để tránh hiện tượng học sinh đổ xô về các trung tâm để luyện thi.

Ông  Nguyễn Hữu Quang - Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Mỹ thuật Công nghiệp góp ý: Đề án cần làm rõ các khái niệm thi thêm, thi phụ, kiểm tra thêm đối với các ngành đặc thù và phần tài chính để các trường năng khiếu nghệ thuật ít phải bù lỗ (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp thường phải bù lỗ 50%).

Tính nghiêm túc của kỳ thi 2 trong 1?

Bà Phạm Thị Hằng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị, kỳ thi 2 trong một phải có chất lượng tốt và hiệu quả. Bà dẫn ra ví dụ về sự thiếu nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai vừa qua, không chỉ của Thanh Hóa mà còn của nhiều tỉnh khác. 

Số là, mặc dù Bộ chỉ đạo nghiêm túc như lần một nhưng đây đó vẫn có sự lỏng lẻo, kể cả trong lực lượng thanh tra Bộ. Theo bà Hằng, nếu làm nghiêm túc, lần hai chỉ ước có 20 - 30% tốt nghiệp nữa nhưng trên thực tế, tỷ lệ tốt nghiệp lần hai cao hơn thế...

Bà đặt câu hỏi: Không lẽ lần một thi chỉ được 2 điểm mà sau một tháng phụ đạo học sinh lại lên được thành  9 điểm? Nếu tổ chức một kỳ thi, bà Hằng đề nghị, phải tổ chức nghiêm túc và công bằng. Vì vậy, sẽ cần đến lực lượng thanh tra giám sát của Bộ, của các trường ĐH trong tất cả các khâu vì nhiều người trong lực lượng giáo viên phổ thông có nghiệp vụ kém.

Kỳ thi 2 trong 1 đòi hỏi sự cạnh tranh khắc nghiệt trong khi số báo danh của thí sinh vẫn lồ lộ trên bài thi, chỉ cần một cây bút chì tô lại là kết quả sẽ khác... Vì vậy, bà Hằng đề nghị Bộ GD&ĐT nên tổ chức những trung tâm chấm thi chung cho từng cụm tỉnh, mới mong có được sự công bằng, chính xác.

Các nhà đại học đồng thuận kiểu đại học

Trong quá trình các đại biểu phát biểu ý kiến, ông Nguyễn An Ninh đã thay mặt Bộ GD&ĐT giải đáp một số khúc mắc của các đại biểu. Đặc biệt, có hai điều mà cuộc toạ đàm đã đạt được.

Thứ nhất, ông Nguyễn An Ninh khẳng định: Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường ĐH có văn bản trả lời chính thức sau khi lấy ý kiến ở cơ sở.

Thứ hai, theo ông Ninh, nếu kỳ thi quốc gia chưa thỏa mãn việc tuyển sinh đối với một số ngành đặc biệt thì các trường ĐH hoàn toàn có thể thực hiện kỳ thi thứ hai để tuyển sinh cho mình.

Ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN) khẳng định rằng, cá nhân ông ủng hộ chủ trương của kỳ thi 2 trong 1 nhưng Bộ GD&ĐT nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các trường ĐH, CĐ về chủ trương vì kỳ thi này ảnh hưởng trực tiếp tới các trường ĐH, CĐ hơn ai khác.

Theo ông Cam, những môn  tiếp theo đang được Bộ GD&ĐT đặt vào tầm ngắm của thi trắc nghiệm năm tới như Toán, Lịch sử, Địa lý cũng cần phải được lấy ý kiến rộng rãi của các nhà chuyên môn. Thi trắc nghiệm thì hay nhưng đề thi như thế nào để đánh giá đúng học sinh là một việc khác và điều này cần các nhà chuyên môn khẳng định.

Việc lấy ý kiến về những chủ trương đổi mới trong tuyển sinh của Bộ GD&ĐT ngày càng mở rộng là rất đúng nhưng dường như Bộ mới thu nhận ý kiến chủ yếu từ các nhà quản lý là lời phát biểu của ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội.

Để có được ý kiến xác đáng, Bộ GD&ĐT cần lấy ý kiến rộng rãi từ các trường ĐH, đặc biệt giới chuyên môn của các trường mới mong nhận được sự động thuận chính xác, không phiến diện.

Cá nhân ông Lương ủng hộ kỳ thi 2 trong 1 nhưng đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trọng điểm như ĐH Bách Khoa được có thêm một kỳ thi thứ hai để các ĐH đánh giá riêng, tránh hiện tượng sau một đến 2 năm học, SV lại phải ra về vì không đủ năng lực học tiếp.

Kỳ thi thứ hai này của trường ĐH do nhà trường tự tổ chức, tự quyết định nên theo phương pháp tự luận hay TN.

Tại cuộc toạ đàm, các đại biểu đã được phát phiếu để tham khảo ý kiến về 61 điểm đồng thuận và không đồng thuận với Đề án, chứng tỏ tinh thần làm việc khá nghiêm túc từ những nhà kiến thiết Đề án.

Mong rằng, với tinh thần làm việc như ngày 16/11/2007, các trường ĐH, CĐ; các Sở GD&ĐT thực  hiện lấy ý kiến tại cơ sở một cách rộng rãi, nghiêm túc để ngành GD&ĐT có thể đưa ra những quyết sách liên quan đến hàng triệu gia đình Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.