Vẫn xét GS, PGS theo tiêu chuẩn cũ

TPO - Thông báo mới nhất của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) cho biết, tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 sẽ không thay đổi so với quy định hiện hành.

Theo lý giải của HĐCDGSNN, trong khi chưa có văn bản mới thay thế quyết định 174/2008/QĐ-TTg và quyết định 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong năm 2017, tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo quy định hiện hành.

Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS và theo dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2017. Tuy nhiên, sau khi dự thảo được đưa ra, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về các tiêu chí xét công nhận.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với các Bộ, ngành Ban soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS,PGS, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xét tiêu chuẩn GS, PGS phải công khai, có đối thoại và tranh luận.

Theo Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Văn Nhung, Dự thảo Quyết định nhằm đánh giá năng lực của các ứng viên trên “ba cạnh của một tam giác” là nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp cho xã hội và “lý tưởng hơn cả nếu đây là một tam giác đều”. Tuy nhiên, sau khi đăng tải, Dự thảo Quyết định đã nhận được rất nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên đại học…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đại diện các bộ, ngành thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, tập trung vào một số điểm lớn:

Thứ nhất là quy định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với ứng viên ở một số ngành đặc thù như văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, bác sĩ tham gia đào tạo thực hành trong các bệnh viện, các nhà khoa học làm việc tại các cơ sở nghiên cứu nhưng không làm công tác giảng dạy.

Thứ hai là tiêu chuẩn ngoại ngữ; thời gian giảng dạy đại học; phương thức tính điểm quy đổi bài báo khoa học thay cho viết sách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Thứ ba là cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay, bảo đảm thành viên các hội đồng là những nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn và uy tín, làm việc theo cơ chế công khai, có trao đổi và tranh luận.

Thứ tư là bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đề nghị xét công nhận và bổ nhiệm những người đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.