Vào đại học bằng... đường vòng

Vào đại học bằng... đường vòng
Bước vào cánh cửa ĐH với nhiều người trẻ là điều không tưởng. Cứ sau mỗi mùa tuyển sinh lại có đến 90% số người dự thi lại phải... làm lại từ đầu. Nhiều người đã phải tìm đường vòng để chen chân vào cổng trường ĐH chật hẹp
Vào đại học bằng... đường vòng ảnh 1

Họ bắt đầu bằng việc đăng ký vào các trường trung học chuyên nghiệp, học hết trung học lại thi cao đẳng, học hết cao đẳng lại tìm trường đào tạo liên thông lên đại học.

Đường vòng... không mấy xa

Tình cờ gặp lại MP, cô bạn cùng học cấp III, tôi ngỡ ngàng khi biết cô đang là sinh viên của một lớp kế toán  theo mô hình đào tạo liên thông ở Hưng Yên. Vài tháng nữa cô sẽ ra trường với tấm bằng đại học chính quy.

Tôi tò mò về hình thức học liên thông kì diệu có thể biến một cô bạn nổi tiếng học đì đẹt, tôn thờ chủ nghĩa "chơi là chính" như P thành một cô sinh viên đại học...

Đang là một cán bộ chi cục thuế, đã ngoài 40 tuổi, cô T xin cơ quan cho đi học để " nâng cao trình độ ", bởi cô T mới chỉ có bằng trung cấp chuyên tu về kế toán. Sau 2 tháng ôn luyện (mà theo cô T là để lấy tài liệu) cô thi đậu vào lớp cao đẳng chuyên ngành quản trị kinh doanh. Học cao đẳng khoảng 6 tháng, cô tiếp tục thi vào lớp hoàn chỉnh kiến thức hệ đại học cùng ngành. Sau khoá học 14 tháng cô T sẽ ra trường với tấm bằng đại học tại chức.  

Đó chỉ là một vài trường hợp hãn hữu trong các lớp học theo mô hình đào tạo liên thông hiện nay. Số đông sinh viên các lớp này vẫn là những người trẻ, vừa tốt nghiệp cao đẳng hoặc những người đã ra trường đi làm được một vài năm. Vô vàn những lý do để người ta quay lại trường học: do đòi hỏi của công việc, do đòi hỏi bằng cấp của cơ quan, hoặc chỉ đơn giản là để có cơ hội thăng tiến...

Chất lượng chưa thông ở những lớp học liên thông ?

Tôi theo một người bạn vào học lớp hoàn chỉnh kiến thức chuyên ngành quản trị kinh doanh, tại cơ sở Hưng Yên, do trường Đại học Thương mại liên kết với trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh Hưng Yên tổ chức. Hôm đó là chiều chủ nhật, buổi học cuối cùng môn quản trị marketing. Giờ học bắt đầu vào 7h30 nhưng 7h40 thầy giáo mới xuất hiện và sau 10 phút buổi học bắt đầu.

Phần lớn thời gian thầy nhìn chăm chú vào quyển giáo án để đọc cho học sinh chép và trò thì chỉ ngước lên nhìn thầy để... chờ thầy đọc câu tiếp theo. Một cậu bạn ngồi cuối liên tục nháy máy các bạn trong lớp để gây tiếng động, nhưng thầy vẫn say sưa đọc, không một lời nhắc nhở.

Tôi thắc mắc sao lớp lại đi học vào chủ nhật thì được giải thích: Lớp học theo kiểu học dồn. Bình thường mỗi môn kéo dài khoảng 2 tuần, mỗi ngày học nửa buổi. Nhưng thầy giáo và cả lớp thống nhất sẽ học cả ngày, kể cả thứ 7 và chủ nhật. Như vậy chỉ mất 1 tuần để đảm bảo đầy đủ thời lượng học. Một tuần còn lại lớp được nghỉ, chờ thầy môn khác xuống dạy.

Nhiều SV than vãn: "Thời gian học không ổn định, cứ vừa học vừa nghỉ như vậy khiến cho bọn mình không có hứng thú học. Việc tiếp thu kiến thức cũng bị kéo giãn, không thành một quá trình nên hiệu quả không cao".

Chúng tôi đem nỗi lòng này của các bạn sinh viên lên hỏi phòng đào tạo của trường Thương mại. PGS TS. Nguyễn Doãn Thị Liễu - Trưởng phòng đào tạo đã giải thích như sau: Đây là khoá đầu tiên nhà trường tổ chức cho các em học hoàn chỉnh kiến thức để lấy bằng đại học chính quy, nên Ban Giám hiệu quyết định chỉ cử các thầy Trưởng, Phó khoa xuống để dạy các em.

Được học các thầy giỏi, có nhiều kinh nghiệm sẽ tạo được niềm tin với sinh viên. Đồng thời trong quá trình giảng dạy, các thầy sẽ nắm được trình độ của các em, từ đó nhà trường sẽ có những phương pháp để truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất với sinh viên.

Vì giáo viên giảng dạy đều là những thầy Trưởng, Phó bộ môn nên vấn đề thời gian luôn gặp khó khăn, vì các thầy luôn luôn rất bận rộn. Nhưng từ khoá sau, đội ngũ giáo viên sẽ được mở rộng với những kinh nghiệm được truyền đạt lại từ các thầy Trưởng, Phó khoa, đây sẽ không còn là vấn đề đáng bàn nữa.

Còn về việc thoả thuận để giảm thời gian học giữa giảng viên và sinh viên, nhà trường không hề thông qua. Chúng tôi sẽ cho xem xét lại vấn đề này. Nếu có việc đó xảy ra thì hoàn toàn là lỗi của các thầy. Đối với vấn đề giáo trình, nhà trường sẽ đem sách xuống tận nơi để bán cho sinh viên. Chỉ cần sinh viên có nhu cầu thì nhà trường sẵn sàng đáp ứng.

Trong một trường hợp khác, sau khi ra trường, đi làm một năm, nhận thấy bằng cao đẳng kế toán không được coi trọng, M.Hằng tiếp tục theo học một lớp đại học hoàn chỉnh kiến thức cùng chuyên ngành. Thời gian học theo thông báo ban đầu là 10 tháng, nhưng khi học xong 10 tháng, lớp Hằng lại được thông báo là học 13 tháng, phải đóng thêm 3 tháng học phí nữa. Cả lớp Hằng đều đóng tiền thêm mà không biết sao lại có quyết định học thêm 3 tháng như vậy.

Đối với những lớp học liên thông giữa các trường đặt tại cơ sở, nhà trường quản lý bằng cách cử một thầy giáo làm quản sinh bên cơ sở, và một người làm chủ nhiệm tại trường. Người quản sinh chịu trách nhiệm giám sát việc học tập của sinh viên, như sĩ số lớp, tư cách sinh viên... Còn chủ nhiệm thì quản lý về lịch học, lịch thi, các thông báo của nhà trường. Tuy nhiên, trong trường hợp của Hằng thì rõ ràng phía nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm, không đưa cho học sinh một thông báo rõ ràng. Còn sinh viên đã không biết tìm hiểu thấu đáo những quyền lợi của mình.

Hay như trong câu chuyện của lớp học trường Thương mại, khi mà sinh viên đã học xong gần kỳ 2 của khoá học 3 kỳ, nhà trường vẫn không hề biết đến chuyện có sự thoả thuận giảm thời gian học giữa giảng viên và sinh viên. Đó có phải là một cách giám sát chặt chẽ đáng tin tưởng?

Vậy là con đường vòng vào cổng trường ĐH vốn đã rất xa nếu tính bằng độ dài của thời gian và độ tăng dần của tiền bạc nay lại càng xa hơn nếu tính bằng dung lượng kiến thức tốt nhất mà SV có thể thu được.

Theo SVVN

MỚI - NÓNG