Vào giảng đường ĐH Anh... tìm rác!

Vào giảng đường ĐH Anh... tìm rác!
Dưới đây là những điều tai nghe mắt thấy mà Diệu Thúy, người đang học thạc sĩ khoa học chính trị tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE), Anh, ghi lại về chuyện ăn, uống và đối xử với rác ở LSE.

LSE, trường ĐH lớn thứ hai trên thế giới về khoa học xã hội, chỉ sau trường ĐH Harvard. LSE có hơn 7.000 SV, trong đó, hơn 60% là SV quốc tế, đến từ hơn 150 nước.

Ở Anh, giờ học thường bắt đầu vào 9h hoặc 9h30 sáng. Mỗi tiết học thường kéo dài từ một tiếng đến hai tiếng, có rất nhiều tiết học bắt đầu vào 11h đến 13h, hoặc từ 12h đến 13h, tức là học xuyên buổi trưa. Sau đó, SV có thể phải học những tiết khác hoặc thông thường, vào thư viện nghiên cứu đến 4-5h chiều mới về nhà.

Hầu hết SV đều ở cách xa trường nên buổi trưa không thể về nhà mà ở lại một mạch đến chiều. Việc ăn, uống, đi vệ sinh, phần lớn đều phải thực hiện ở trường.

“Giữ gìn LSE sạch sẽ và gọn gàng”

LSE có tất cả 8 căng tin và quán bar, do cả nhà trường và hội SV quản lý.  Mỗi cái có một phong cách riêng, phục vụ các loại đồ ăn, uống khác nhau với nhiều mức giá. Hầu hết đều thuộc dạng đồ ăn nhanh, phổ biến nhất là bánh mì kẹp, hoa quả và nước suối, bánh ngọt.

Ngoài ra, nhà trường còn có rất nhiều phòng dành riêng cho việc ăn uống, nghỉ ngơi của SV, trong phòng có báo chí, có lò vi sóng để SV tự hâm lại thức ăn của mình.

Nước uống thông dụng với SV là nước máy, hay nước từ vòi (tap water), vì nước của Anh khá đảm bảo vệ sinh, có thể uống trực tiếp được. Thông thường, để chỉ rõ nước nào uống được, nhà trường dán một hình thông báo nhỏ có chữ “nước uống”  hoặc hình cái cốc.

Các nhà vệ sinh gần như có ở tất cả các tầng của toà nhà, được chỉ dẫn rất rõ trên bảng sơ đồ. Trong nhà vệ sinh thì cũng có vòi nước nóng lạnh, đồng thời vòi nước uống. Nhà vệ sinh cũng là chỗ để nói chuyện điện thoại di động.

Thùng rác thì cũng được đặt ở khắp các nơi, có chia ra làm mấy loại rác như: giấy, báo chí, vỏ chai nhựa, thuỷ tinh (những đồ có thể tái sinh được) và các loại tổng hợp... Dưới các biển chỉ dẫn hoặc ở các nơi công cộng đều có dòng chữ “Giữ gìn LSE sạch sẽ và gọn gàng”.

Luật của Anh cấm toàn bộ việc hút thuốc ở nơi công cộng. Ở đâu, cũng thấy biển cấm hút thuốc lá (No Smoking). Ai muốn hút thuốc, đều phải ra ngoài sân, ngoài đường hoặc vào những phòng dành riêng cho việc hút thuốc. Trước cửa ra vào các toà nhà đều có các hộp sắt dành riêng cho việc rụi và bỏ tàn thuốc lá.

Ngay trong ngày đầu tiên nhập học, SV mới được nhà trường phát cho bộ tài liệu dành cho người mới đến, trong đó có đầy đủ các quy định của trường về việc học hành, thi cử, vệ sinh, an ninh.

Trường quy định SV không được dùng thức ăn và đồ uống trong phòng học. Trong thư viện thì chỉ được phép uống nước từ các chai nước trắng có nắp đậy. Trường cũng giải thích rõ lý do hạn chế ăn, uống trong thư viện vì điều này có thể khiến cho các loại côn trùng phát triển, gây nguy hại đến các tài liệu, thiết bị. Trong thư viện cũng chỉ được phép nhắn tin, không được nói chuyện điện thoại làm ảnh hưởng đến người khác.

SV: rất tự giác

Phần lớn SV đều mang theo bình nước và đồ ăn buổi trưa, kể cả SV nam chứ không chỉ có nữ.

SV LSE thưòng phải tranh thủ ăn trưa vào khoảng trống giữa các tiết học. Có thể vào các phòng dành riêng để ăn (dùng lò vi sóng), hoặc ngồi ăn ở các khu vực công cộng như trong các căng tin, các bàn ghế được đặt rải rác ở các khoảng sân, các đường đi chung của trường. Khi ăn xong, các bạn tự vứt rác vào thùng, nếu không có thùng rác gần đấy thì mọi người sẽ tự giác gói lại cho vào ba lô của mình rồi sẽ vứt đi khi nào thuận tiện.

Nhân đây cũng đề cập đến chuyện điện thoại di động. Ở Anh, SV hầu như ai cũng có điện thoại di động vì thuê bao khá rẻ và những loại máy thông thường thì hay được tặng miễn phí khi ký hợp đồng thuê bao. Thế nhưng, rất ít khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại di động kêu trong trường, chứ chưa nói là trong lớp học.

SV hiện đại: Không xả rác?

Việc cấm ăn, uống trong lớp học, đặc biệt trong giờ học để đảm bảo trật tự kỷ luật và tính nghiêm túc là đúng và cần thiết.

Tuy nhiên trong điều kiện của SV VN và điều kiện thực tế của nhà trường, quy định đuổi SV nếu mang nước 3 lần và tổ chức cho bảo vệ đi tuần tra là không cần thiết và chưa hợp lý.

Theo tôi, để giải quyết vần đề này, cần phải có sự kết hợp của cả nhà trường và SV.

Nhà trường nên dành riêng một phòng có thể kết hợp với căng tin giá rẻ để cho sinh viên có thể vào ăn, uống tự do. Đặt thêm nhiều máy lọc nước, thùng rác ở các khu giảng đường.

Hội SV có thể kết hợp với nhà trường đặt những khẩu hiệu, phát động phong trào xây dựng phong cách người SV hiện đại - văn minh - lịch sự, chú trọng phát triển ý thức tự giác của SV  trong việc giữ gìn kỷ luật,  vệ sinh, môi trường cảnh quan sư phạm.

Không có biện pháp nào tốt hơn việc nâng cao ý thức tự giác của SV và tạo điều kiện cho ý thức ấy được thực hành.

Theo Diệu Thuý 
VietnamNet

MỚI - NÓNG