Vào lớp 10: Cao không tới, thấp không thông

Vào lớp 10: Cao không tới, thấp không thông
TP - Cao không tới, thấp không thông – đó là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh ở Hà Nội có nhu cầu xin xét tuyển vào lớp 10 cho con em mình năm học này.

Điểm xét tuyển của con em họ không đủ để vào trường “chiếu trên”, nhưng họ lại không muốn con em mình học ở những trường ít danh tiếng.

Xôi hỏng bỏng không

Nguyễn Anh V. nguyên là học sinh lớp 9 ở một trường THCS tiếng tăm quận Đống Đa. Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vừa qua, tổng điểm xét tuyển của V. là 47,5 điểm.

Với điểm số này, đương nhiên em không trúng tuyển vào trường THPT Kim Liên – nơi em đăng ký nguyện vọng 1 (điểm xét tuyển đợt 1 vào THPT Kim Liên là 49,5). Còn trường THPT Lê Quý Đôn – nơi em V đăng ký nguyện vọng 2 – thì điểm chuẩn đợt 1 là 47,5 điểm.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, thí sinh được xét tuyển NV2 phải cao hơn điểm chuẩn của trường xét tuyển ít nhất là 1,5 điểm. Vậy là ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên, em V. “xôi hỏng bỏng không” cả 2 nguyện vọng.

Đợt 2, cả trường THPT Kim Liên và trường THPT Lê Quý Đôn đều hạ điểm chuẩn. Trường THPT Kim Liên hạ không đáng kể: từ 50 điểm xuống 49,5 điểm. Trường THPT Lê Quý Đôn hạ nhiều hơn: từ 47,5 xuống 45,5.

Oái oăm thay, cũng theo quy định của Sở GD&ĐT, khi tuyển sinh đợt 2 các trường không được xét tuyển thí sinh NV2 (những trường hợp ngoại lệ, Sở sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể).

Thời gian tuyển sinh đợt 2 vừa qua, không chỉ lãnh đạo trường Lê Quý Đôn mới thường xuyên trong tình trạng phải đối mặt với phụ huynh, giải thích và từ chối nhận NV2. Lãnh đạo một số trường khác như THPT Phạm Hồng Thái (khu vực 1), THPT Trần Nhân Tông (KV2)... cũng chung hoàn cảnh đó.

Những trường này thuộc diện tầm tầm trong khu vực nên tập trung rất đông số thí sinh có NV2. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng trường Trần Nhân Tông – cho biết: “Đợt 2, chúng tôi chỉ thích hạ chuẩn khoảng 0,5 điểm rồi tuyển cả NV2 để đón thí sinh trượt ở trường THPT Thăng Long nhưng Sở không cho phép”.

Trượt cả NV1 và NV2, học ở đâu?

Trường hợp Nguyễn Anh V. nói ở trên không phải đã hết chỗ để học. Xét tuyển đợt 2, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quyết định cho nhiều trường được tuyển NV2, thậm chí cả NV bổ sung (gọi tắt là NV3).

Động thái này của Sở GD&ĐT là để điều hoà chất lượng đầu vào của các trường trong cùng một khu vực, đồng thời để giải quyết chỗ học trong các trường công lập cho những thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng trượt cả NV1, NV2. Đợt 2, toàn thành phố có 14 trường được tuyển NV3.

Khu vực 3 – nơi em V. được phép nộp hồ sơ xét tuyển – có 7 trường THPT công lập thì 3 trường được phép xét tuyển NV3: THPT Quang Trung, THPT Nhân Chính, THPT Trần Hưng Đạo. Cả 3 trường này đều có điểm tuyển NV3 ở mức mà em V. mặc sức lựa chọn.

Quang Trung: 43, Nhân Chính: 42, Trần Hưng Đạo: 38. Tuy nhiên, phụ huynh của em V. lại không “chấm” trường nào.

Tâm lý chung của một số phụ huynh là chỉ tín nhiệm trường có tiếng. Điều này càng phổ biến ở những phụ huynh có con vốn dĩ là học sinh khá, giỏi ở những trường THCS danh tiếng.

Một hiệu trưởng trường THPT không được tuyển NV2 đợt 2 nói: “Tôi rất thông cảm với những bức xúc của phụ huynh khi con họ không được tuyển vào trường tôi đợt 2 (NV2 – PV). Nhưng tôi mong họ thay đổi cách nghĩ. Họ bức xúc vì không phải vì con em mình không có chỗ học mà chỉ vì muốn phải vào trường này hoặc trường kia”.

Một chuyên viên Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng GD (Sở GD&ĐT Hà Nội) khẳng định: “Hà Nội có chỗ học cho hầu hết học sinh đã tốt nghiệp THCS.

Năm nay, số thí sinh dự tuyển vào THPT khoảng 47.000 em. Chỉ tiêu cho các trường THPT công lập, ngoài công lập, hệ THPT trong các trung tâm GD thường xuyên nhỏ hơn số ấy khoảng vài nghìn.

Nhưng thực tế tuyển sinh hàng năm cho thấy nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu. Chỉ cần mỗi trường tuyển thêm khoảng 20 em là tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đều có chỗ học”.       

MỚI - NÓNG