Cải cách giáo dục: Cuộc chiến tranh lạnh? Phần 3:

Về chữ “hợp đồng” trong giáo dục

Sinh viên khoa học tự nhiên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sinh viên khoa học tự nhiên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Mọi trường học trên thế giới nếu được 10% các sản phẩm tốt thật sự đã là ghê lắm rồi. Anh cứ tưởng nhà trường ở nước ngoài dạy 10 người thì 9 người giỏi? Không phải!

Ở nước ngoài có 10 người ra trường làm việc thì 9 người giỏi là do người ta biết kết hợp giữa năng lực sử dụng của xã hội, điều kiện cơ sở hạ tầng của xã hội và khả năng của chính họ. Tại sao lại đổ lỗi cho nhà trường? Tại sao lại bỏ vào cái thùng giáo dục tất cả những cái chúng ta cho là rác? Như thế là sai, là không công bằng. Khoa học là phải công bằng. Bây giờ các thầy nói nhiều bởi vì các thầy thấy mình thông thái chẳng kém gì các thầy Tây mà lương chỉ được 200 đô la một tháng. Anh thử hỏi những người có trách nhiệm xem, có một nguồn ngân sách nào hoặc năng lực tài chính nào của xã hội có thể tập hợp được để nâng lương của giáo viên đại học, giáo viên cấp III lên 2.000 đô la/tháng không? Hay trung bình 200 đô la/tháng đã là quá khả năng rồi! Ông Nguyễn Trần Bạt nêu vấn đề.

Về chữ “hợp đồng” trong giáo dục ảnh 1 Ông Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Nguyễn Hiếu.

Xuân Ba: Trong dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020 có nói đến năm 2010 thì chúng ta có thể hoàn toàn ký hợp đồng với những giáo viên mới 100%, tức là bỏ cơ chế biên chế trong giáo dục, giao quyền hiệu trưởng được trả lương. Anh nghĩ gì về điều này?

Nguyễn Trần Bạt: Về cơ bản, tất cả mọi quan hệ trong các xã hội văn minh đều dựa trên cơ sở hợp đồng. Bây giờ nếu chúng ta bỏ khái niệm gọi là biên chế, mọi người đều làm việc theo hợp đồng thì hợp đồng với giáo viên là chuyện bình thường. Tức là, nếu hợp đồng được định nghĩa như là một cách xác lập quan hệ phổ biến đối với mọi đối tượng trong xã hội thì hợp đồng là văn minh. Ví dụ, nếu ông hiệu trưởng ký hợp đồng với giáo viên, còn ông bộ trưởng ký hợp đồng với ông Hiệu trưởng, ông Thủ tướng ký hợp đồng với ông bộ trưởng, và Quốc hội ký hợp đồng với ông Thủ tướng thì hợp đồng không phải là một phương tiện để hạ thấp giá trị giáo viên. Còn nếu có một số đối tượng phải ký hợp đồng trong khi những đối tượng khác không phải ký, thì sẽ biến hợp đồng trở thành một phương tiện lăng nhục họ.

Hợp đồng là một phát hiện của nền văn minh nhân loại. Tôi không lên án khái niệm hợp đồng, nhưng cách thức sử dụng hợp đồng và nội dung hợp đồng ấy mới là vấn đề. Rousseau, một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng viết tác phẩm “Du Contrat Social” (Khế ước xã hội) mà hàng trăm năm nay toàn bộ nhân loại đều học nó.  Vâng, đó là cuốn Khế ước xã hội thực chất là hợp đồng. Xã hội hoá khái niệm hợp đồng thì nó trở thành khế ước xã hội. Cho nên, vấn đề không phải nằm trong khái niệm hợp đồng mà vấn đề nằm trong cách thức người ta sử dụng khái niệm hợp đồng và nội dung hợp đồng ấy. Địa vị của một ông hiệu trưởng cũng là kết quả của một loại hợp đồng thì chẳng có vấn đề gì.

 Xuân Ba: Một dịp khác ta sẽ trở lại phương án Khế ước xã hội theo cái cách của người Việt mình… Xin anh trở lại với vấn đề cốt lõi của giáo dục. Một cuộc cách mạng trong giáo dục dường như phải có những biến động, những cải cách ghê gớm?

Nguyễn Trần Bạt: Theo tôi, cải cách chính trị không phải là hệ quả của cải cách kinh tế và ngược lại. Đấy là những công việc mà xã hội cần phải làm. Cái gì lạc hậu thì cái đó phải cải cách. Làm trước, làm sau là tùy tình thế. Không có quy luật bắt buộc cái này phải có trước cái kia. Chúng ta chưa cải cách mạnh mẽ thể chế, chúng ta chỉ mới cải cách kinh tế. Cải cách kinh tế đến mức độ nào đó mà không cải cách thể chế thì nó vướng, cho nên buộc phải cải cách thể chế. Không phải là anh làm cái này trước, làm cái kia sau, mà do anh không chịu làm cái này nên anh phải làm cái kia trước. Anh làm cái kia rồi và nó vướng nên anh buộc phải quay lại làm cái này. Có những xã hội không phải cải cách thể chế, vì bản thân nó đã hợp lý rồi nên họ có những cuộc cải cách khác để phát huy, để tận dụng hết các không gian mà thể chế mang lại.

Xuân Ba: Cốt lõi nhân bản của cải cách giáo dục là gì? 

Nguyễn Trần Bạt: Con người cần phải tự do. Con người cần phải được xác lập như một người sở hữu chính bản thân nó, và tập hợp con người phải được xác lập như là những người sở hữu đất nước. Mỗi một con người đều phải có trách nhiệm đối với đất nước của mình và phải đủ phẩm chất để thực thi trách nhiệm ấy. Đấy là quan điểm của tôi. Cho nên, tôi không hiểu tại sao có người lại dè bỉu những trường học tạo ra những sản phẩm thế này thế nọ? Cho nên không thể bắt đầu bằng chuyện chỉ trích nhà trường được, không bắt đầu bằng việc chỉ trích một ông Bộ trưởng giáo dục được. Tại sao đồng nghiệp của anh lại không mạnh dạn mang vấn đề ấy để phỏng vấn lãnh đạo cấp cao? Khi được phỏng vấn chắc họ sẽ vui lòng bày tỏ quan điểm của mình, quan điểm cá nhân của mình. Không phải là quan điểm chung chung đâu. Bởi việc này nếu không có quan điểm cá nhân thì thực chất là không có quan điểm. Chính chất lượng của quan điểm cá nhân, nhất là quan điểm cá nhân của người đứng đầu mới tạo ra được chất lượng các quan điểm của hệ thống chính trị. Còn nếu chúng ta thừa nhận một quan điểm tập thể không có tác giả thì trên thực tế các cá nhân không làm việc và không chịu trách nhiệm.

Về chữ “hợp đồng” trong giáo dục ảnh 2 Thủ khoa. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hồi nãy anh nói cái nhìn giáo dục đâu đó bàng bạc thấp thoáng trong một số bài viết của tôi? Bởi tôi thấy các học giả của chúng ta nói nhiều quá, tranh nhau nói, cho nên thật lòng tôi không muốn góp thêm tiếng nói vào đấy, nhưng tôi không bi quan về chất lượng giáo dục như mọi người nói. Việt Nam không có một nền giáo dục tiên tiến nhưng nó có một nền giáo dục phù hợp với khả năng của nó. Với một thể chế như  thế này, với một năng lực như thế này về tài chính, với một khả năng sử dụng của xã hội đối với các sản phẩm giáo dục như thế này thì nền giáo dục ấy là một hệ quả tất yếu. Càng đòi hỏi đẳng cấp quốc tế, càng mượn thầy từ nước ngoài càng làm nát bét nền giáo dục. Bởi vì nó không nhất quán. Nó tạo ra sự phân vân ngay từ khi con người mới bước vào trường. Có rất nhiều thầy giáo nói rằng “tôi dạy thế nhưng các em đừng nhất nhất nghe tôi nhé”. Ngay cả người dạy mà không tín nhiệm điều mình dạy và người được đào tạo cũng không tín nhiệm hệ thống đào tạo thì làm thế nào mà không phân vân được.

Nếu anh mới chỉ để ý chút chứ chưa phải chuyên sâu gì sẽ thấy một thực tế là toàn bộ lực lượng sản xuất ra những hàng hoá mà Việt Nam xuất khẩu một cách tương đối thành công trong 20 năm đổi mới là những người mà người ta xem là thấp kém trong xã hội không? Những người quản lý, những người sử dụng lao động không được đào tạo gì đã tạo ra toàn bộ nền công nghiệp xuất khẩu của chúng ta. Những người công nhân không được đào tạo, không được cung cấp các dịch vụ giáo dục đầy đủ là người sản xuất trực tiếp các sản phẩm xuất khẩu, mà đầu tiên là sản phẩm xuất khẩu lúa gạo.

Anh thử đi hỏi ông Tổng giám đốc Tổng công ty Than và Khoáng sản xem công nhân mỏ có được đào tạo không, những người khai thác than thổ phỉ có được đào tạo không? Than thổ phỉ công suất hay chất lượng có nhỉnh hơn than ở các mỏ than quốc doanh không? Nếu có là lý do là người ta phải nhặt nhạnh từng ít một, không gian hành động của người ta hạn chế đến mức họ phải tiết kiệm: Cho nên nghiên cứu về giáo dục mà chỉ đến các trường, nói với các thầy thì nó không phản ánh điều gì hết. Bao nhiêu % thầy giáo của chúng ta nghiên cứu khoa học, bao nhiêu % nghiên cứu khoa học của chúng ta gắn liền với thực tế sản xuất? Không có nhiều. Lực lượng ít học của xã hội là lực lượng cấu tạo ra thành tựu của đổi mới. Tại sao chúng ta lại đòi hỏi một nền giáo dục có chất lượng cao hơn trong khi cái thành phần ít được đào tạo nhất trong xã hội tạo ra thành tựu cơ bản của đời sống phát triển?

            (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.