VEF: Cây cầu giáo dục và khoa học Việt- Mỹ

VEF: Cây cầu giáo dục và khoa học Việt- Mỹ
Phạm Đức Trung Kiên là một trong số người Việt thành đạt đáng tự hào trên đất Mỹ, hiện là Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF).
VEF: Cây cầu giáo dục và khoa học Việt- Mỹ ảnh 1
Ông Phạm Đức Trung Kiên, Giám đốc quỹ giáo dục Việt Nam

Đã từng làm việc trong 3 cơ quan công quyền cấp cao của Chính phủ Mỹ, rồi làm kinh doanh ở các đại công ty, vậy duyên cớ nào khiến ông rẽ sang làm GĐ điều hành VEF?

Đầu năm 2003, tôi nhận được điện thoại (khi đó tôi đang ở bang Texas) từ Washington nói rằng, Nhà Trắng thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam và họ đề nghị tôi có thể về đó.

Tôi chưa nghe thấy quỹ này bao giờ, mặc dù tôi biết khi ông B.Clinton sang thăm VN có nói đến chương trình đưa lưu học sinh VN sang học tại Mỹ, nhưng tôi không biết sau đó họ đã triển khai những gì.

Tôi bắt tay vào nghiên cứu và thấy đây là một chương trình hay, một chiếc cầu nối VN và Mỹ, giúp VN về giáo dục là việc rất quan trọng. Và tôi quyết định rời thương trường, trở lại làm việc cho Chính phủ Mỹ.

Tôi hiện là quan chức của Chính phủ Mỹ, hàm tương đương thứ trưởng. Làm việc này, tôi không trực thuộc bộ nào cả, VEF báo cáo trực tiếp lên Quốc hội và Nhà Trắng. Hàng năm tôi báo cáo trực tiếp lên Tổng thống Mỹ và lãnh đạo QH Mỹ.

Vượt qua khái niệm của một quỹ thông thường, mô hình cơ cấu của VEF cho thấy Chính phủ Mỹ rất coi trọng và đặt sứ mệnh cao cho VEF. Loại quỹ như thế đã được người Mỹ triển khai ở những quốc gia nào?

Từ một tên tuổi ít được biết, sau 3 năm hoạt động, VEF trở thành một địa chỉ có tiếng tăm - một tổ chức hàng đầu cấp học bổng cho những công dân VN tài năng sang du học tiến sĩ tại Mỹ.

Bản thân VEF là một mẫu mực về tính hiệu quả của công nghệ hiện đại.

Hiện tại đây là chương trình duy nhất, đặc biệt chỉ dành cho VN. Khi tiến hành làm thì họ có tham khảo một số mô hình đã làm với Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây, tuy nhiên chỉ là tham khảo chút ít vì mô hình các nước làm đã từ lâu lại ở lĩnh vực khác chứ không phải là lĩnh vực giáo dục.

Sứ mệnh của VEF nói vắn tắt là: Giúp Mỹ và VN gần lại với nhau qua giáo dục và khoa học, thông qua một chiếc cầu mới là VEF.

VEF có nguồn tiền từ đâu và nguồn tiền đó dồi dào đến mức nào, thưa ông?

Nguồn tiền của VEF: Từ một khoản nợ từ năm 1960. Khi đó Chính phủ Mỹ cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà vay một khoản tiền để phát triển nông nghiệp.

Nay mỗi năm VN hoàn trả cho Mỹ khoảng 6,5 triệu USD, Quốc hội Mỹ ra lệnh cho ngân khố Mỹ chuyển 5 triệu USD trong số này cho VEF hoạt động.

Mỗi năm tôi có 5 triệu để đưa các học sinh VN tốt nghiệp ĐH đi Mỹ học tiến sĩ, đưa các giáo sư, chuyên gia giáo dục Mỹ sang VN làm việc và chi trả lương cho bộ máy hành chính của quỹ.

VEF hiện đã thực hiện được 3 năm, bắt đầu từ 2003, sẽ đóng cửa vào 2018.

Tại sao VEF chỉ tuyển chọn cử nhân khoa học tự nhiên, ngành công nghệ và y tế cộng đồng, mà không đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn?

Vì đây là quy định bắt buộc của Quốc hội Mỹ. Và theo tôi có lẽ cũng bởi đang có Quỹ học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ, với 5 triệu USD mỗi năm, giúp VN đào tạo các chuyên gia về khoa học xã hội nhân văn, đang tỏ ra rất thành công.

Hơn nữa, phía VN cũng đề nghị có một chương trình giúp VN về lĩnh vực khoa học cơ bản.

Nhân đây cũng xin nói thêm, chúng tôi tìm hiểu thị trường VN thì thấy rằng người giỏi ở VN nằm nhiều trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và bưu chính viễn thông (BCVT).

Đây có lẽ vì lý do kinh tế (dễ kiếm việc làm, thu nhập cao). Bây giờ phải làm sao để khuyến dụ những người giỏi đi vào các ngành khác mà cũng có cơ hội, cũng có khả năng phát triển.

HĐQT VEF đã họp và quyết định phải giúp VN thu hút nhiều nhân tài vào các ngành khoa học cơ bản.

Thưa ông, cách tuyển chọn của VEF như thế nào? Những cử nhân được lựa chọn phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì? Có sự ưu tiên đặc biệt gì?

Chúng tôi quảng cáo học bổng này công khai trên mạng (vào tháng 9 hàng năm), trên các phương tiện thông tin đại chúng của VN, năm nay chúng tôi còn đi tới 13 trường ĐH để quảng bá chương trình này. Các em nộp đơn hoàn toàn qua mạng.

Một đặc điểm của VEF là những em nào không biết dùng internet thì không thể tiếp cận được VEF. Chúng tôi dựa vào các tài liệu mà các em cung cấp qua mạng để lựa - mời các em đi thi toán. Môn toán và tiếng Anh là hai môn tối quan trọng để được đi vào các vòng tiếp theo.

Sau đó chúng tôi đưa hồ sơ của các em sang Mỹ để các chuyên gia Viện Hàn lâm Mỹ chấm điểm. Những em nào có điểm cao thì chúng tôi mời đi phỏng vấn (các chuyên gia Mỹ sang VN trực tiếp phỏng vấn).

Thông thường mỗi năm có từ 100-120 em được mời đi phỏng vấn để chúng tôi chọn ra 40 em. Chúng tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc các em này xuất thân trong gia đình như thế nào, con cái nhà ai...

Trong số các em đã được VEF lựa sang học ở Mỹ, con cái của các ông cấp to cũng có, con bà thợ may cũng có, con bác nông dân, con bác đạp xíchlô cũng có...; các em ở các vùng miền khác nhau, miễn là giỏi, đủ điều kiện.

Chúng tôi chỉ quan tâm tới hồ sơ bản thân các em chứ không yêu cầu các em nộp hồ sơ gia đình.

Các ông có tính tới việc những cử nhân này sau khi học lấy bằng tiến sĩ vì nhiều lý do sẽ không trở về VN công tác, nói tóm lại họ sẽ cống hiến khoa học cho nước Mỹ chứ không phải cho VN như mục tiêu đặt ra của VEF?

Học sinh theo học học bổng của VEF bắt buộc phải về VN làm việc ít nhất 2 năm mới được trở lại Mỹ. Đây là quy định của phía Mỹ, học sinh đi theo loại visa không được ở lại và nước Mỹ cũng cam kết với VN là sẽ làm đủ mọi cách đề yêu cầu những người này phải về VN phục vụ.

Đây là chương trình giúp VN, chứ không phải là tìm người tài cho nước Mỹ. Học sinh của VEF buộc phải cam kết điều này.

Qua 3 năm lựa chọn học sinh cho VEF, qua các cuộc khảo sát chuyên về giáo dục đào tạo ở VN, các chuyên gia Viện Hàn lâm Mỹ đánh giá thế nào về học sinh VN trong tương quan với thế giới, thưa ông?

Từng sang VN sát hạch, lựa chọn nhân tài trẻ, các giáo sư Mỹ nói với tôi rằng, học sinh VN rất thông minh, ham học, học xong bậc trung học có rất nhiều em giỏi, năm đầu vào ĐH vẫn còn giỏi nhưng sau đó từ từ lún xuống.

Theo họ nguyên nhân là do chương trình ĐH của VN còn nhiều yếu kém so với bên ngoài và những em mà chúng tôi lựa được đưa sang học tiến sĩ đó thì có lẽ không cần đi học đại học đã giỏi rồi.

Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi có 6 chuyên gia đầu ngành ở Mỹ sang khảo sát ở 3 ngành đào tạo của VN là CNTT, BCVT và vật lý để tìm hiểu xem chương trình học có những vấn đề gì để đến nỗi mà người giỏi vào lại không có người giỏi ra, với hy vọng từ đó có đề xuất lên Chính phủ VN cập nhật hoá, thay đổi chương trình. Các chuyên gia đánh giá chất xám của VN rất tốt.

Trong số các em được phỏng vấn hàng năm trung bình có 2/3 là đủ khả năng đi học tại Mỹ, nhưng chỉ 40 em được chọn, vì tiền chỉ có vậy.

Theo Minh Tâm
Lao động

Giám đốc điều hành Quỹ - ông Phạm Đức Trung Kiên sinh ra tại Việt Nam, nhập cư sang Mỹ năm 1977. 19 tuổi học xong trung học ở Sài Gòn, Phạm Đức Trung Kiên sang Colorado (Mỹ).

Ban đầu làm công nhân ở nhà máy, buổi tối đi học thêm tiếng Anh. Sau đó ông vào học Đại học Colorado ngành tiếp thị quốc tế, rồi học lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Có bằng thạc sĩ, ông may mắn được chọn làm phụ tá đặc biệt cho Thượng nghị sĩ Rary Hart ở Washington.

Sau đó ông lại học tiếp lấy bằng thạc sĩ kinh tế từ ĐH Stanford. Vượt qua kỳ thi tuyển dành riêng cho những người trẻ ở Mỹ có nhiều triển vọng, ông vào Nhà Trắng với chức danh phụ tá đặc biệt chuyên nghiên cứu về quá trình làm chính sách và quyết định chính sách của Chính phủ Mỹ ở tầm cao nhất.

Năm 1992, sau 3 năm làm trong Lầu Năm góc, ông lại trở về doanh nghiệp, phụ trách khu vực Châu Á (11 nước) cho một tập đoàn lớn tên là Tennecal (mỗi năm doanh thu khoảng 30 tỉ USD) ở bang Texas.

GĐ Trung Kiên là Việt kiều đã 30 năm sống xa tổ quốc, nhưng ông hiểu biết khá tường tận về thực trạng giáo dục VN và luôn có cái nhìn đồng cảm, lạc quan về giáo dục nước nhà.

"Cả nước đều thấy chương trình đại học VN có vấn đề. Tôi cho rằng các nhà làm chính sách cũng nghe con em họ than thở, là ở đó ông thầy đọc một cuốn sách đã 10 năm trước, ông anh 10 năm trước đã học, cô em 10 năm sau cũng vẫn học y như vậy.

Chương trình đã tụt hậu không còn dính dáng gì đến thực tế cả. Tôi nghĩ vấn đề là ai dũng cảm, ai đứng ra để làm mô hình khác, tôi tin là VN một khi đã quyết định thì sẽ thay đổi. Cứ nhìn nền kinh tế của mình thì thấy, cái cơ chế nó khó khăn như vậy mà vẫn phải đổi, cái này cả nước đồng thuận cao. Tôi nghĩ mình làm được".

MỚI - NÓNG