Vét chạm đáy vẫn không hút khách: Quả đắng cho ngành sư phạm

TPO - Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT thì nhiều trường CĐ sư phạm tỷ lệ thí sinh đến xác nhận trúng tuyển chiếm tỷ lệ rất thấp. Một sự thật khiến những người làm giáo dục không khỏi cảm thấy cay đắng, thất vọng. Vì không chỉ điểm thấp mà thấp cũng không tuyển đủ được thí sinh.

Điểm chuẩn của trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk  cao nhất là sư phạm tiểu học 17,25 điểm, thấp nhất là sư phạm vật lý 12,25 điểm. Sư phạm Toán, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm hóa  học, Sư phạm Ngữ văn điểm chuẩn đều 13. Năm nay trường tuyển 400 chỉ tiêu, có 294 thí sinh trúng tuyển nhưng chỉ có 116 thí sinh đến xác nhận nhập học, đạt 29% so với chỉ tiêu được tuyển.

Nằm ngay tại Thủ đô Hà Nội, điểm chuẩn vào trường CĐ Sư phạm Hà Tây cũng chủ yếu ở ngưỡng 10 điểm, chỉ có 1 tổ hợp lấy 15 điểm và 2 tổ hợp lấy 12 điểm. Thế nhưng với 728 chỉ tiêu lấy kết quả thi THPT quốc gia chỉ có 718 thí sinh trúng tuyển và trong số này có 247 thí sinh đến xác nhận nhập học, đạt 33,47% so với chỉ tiêu đề ra.

Có thể nói, các trường CĐ sư phạm địa phương đang đối diện với hai thách thức. Đó là chất lượng đầu vào và bài toán tài chính khi mà cố vét tới điểm gần chạm đáy mà vẫn chỉ có khoảng 20%, 30% thí sinh đến xác nhận nhập học so với chỉ tiêu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, hệ thống hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện NCKH được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm). Như vậy, có 155 cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam.

Vét chạm đáy vẫn không hút khách: Quả đắng cho ngành sư phạm ảnh 1Cơ cấu quy mô sinh viên đại học chính quy theo Khối ngành
năm học 2016 -2017  - nguồn Bộ GD&ĐT

Về quy mô đào tạo: năm học 2016-2017, tổng quy mô sinh viên đại học 1.767.879 sinh viên (tăng 0,8% so với năm học 2015-2016) nhưng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y và Khối ngành III: kinh doanh quản lý, pháp luật.

Tính đến hết năm học vừa qua, quy mô sinh viên đang được đào tạo tại 14 trường ĐH sư phạm Trung ương và địa phương là  151,208. Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu của khối ngành sư phạm thêm 20%.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, đã đến lúc cần mạnh tay quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, không nhất thiết phải để quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.