Vì sao Bộ LĐTB&XH tuýt còi việc cấm trường đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng

Mọi thay đổi trong chính sách tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, trung cấp tại thời điểm này đều ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh Ảnh: Như Ý
Mọi thay đổi trong chính sách tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, trung cấp tại thời điểm này đều ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh Ảnh: Như Ý
TP - Vừa qua, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu 45 trường đại học (ĐH) dừng đào tạo hệ cao đẳng (CĐ). Văn bản này lập tức nhận được sự chú ý của dư luận xã hội về tính pháp lý cũng như tính thời điểm của nó trong bối cảnh hiện nay.

Hai luật “đá nhau”

Theo quy định trước đây, các cơ sở giáo dục ĐH được phép đào tạo đủ 4 trình độ:  Cao đẳng, ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ và thậm chí cả trung cấp nếu đáp ứng đủ các điều kiện do Bộ GD&ĐT quy định.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 32 yêu cầu các trường ĐH có tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ giảm 20% chỉ tiêu mỗi năm, để đến năm 2020 không còn bậc học này trong trường ĐH. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2016 cũng đã quy định giáo dục ĐH không bao gồm trình độ cao đẳng và trung cấp. Hiện tại, nhiều trường ĐH trước đó có đào tạo cao đẳng, trung cấp đã bỏ hẳn tuyển sinh các bậc học này. Luật Giáo dục ĐH vừa sửa đổi cũng không quy định ĐH được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực năm 2015 lại cho phép cơ sở giáo dục ĐH cũng có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo điều 19) nếu đáp ứng đủ yêu cầu. Điều này khiến cho đại diện một số trường ĐH đang đào tạo cao đẳng cho rằng, nếu Luật Giáo dục Nghề nghiệp coi ĐH là một đơn vị có thể đăng ký hoạt động đào tạo cao đẳng, trung cấp thì trước mắt, các trường sẽ vẫn tiếp tục tuyển sinh các bậc học này, với lý do “thông tư 32 và 57 thấp hơn luật”.

Chính vì thế, việc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp vừa có văn bản đề nghị 45 cơ sở giáo dục ĐH đã được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trước đó dừng tuyển sinh hệ CĐ  kể từ ngày 1/7/2019, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp lý của văn bản này.

Phải đảm bảo quyền lợi của người học trước

Theo thông tin từ các trường ĐH, kế hoạch tuyển sinh thường được xây dựng từ đầu năm. Mùa tuyển sinh thường bắt đầu từ tháng 4 hằng năm, khi mà Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh bắt đầu đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy được phép tuyển sinh quanh năm, nhưng để ổn định kế hoạch giảng dạy, các trường ĐH thường chỉ tập trung tuyển sinh sau khi thí sinh hoàn thành thi THPT quốc gia đến hết tháng 9 hằng năm.

Hệ CĐ thuộc các trường cũng thế. PGS Nguyễn Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường  ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải (một trong 45 trường nằm trong danh sách) cho biết, trường cũng mới nhận được văn bản từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. “Dù chỉ có 1 thí sinh đăng ký học cao đẳng thì cũng phải đảm bảo quyền lợi cho các em” - ông Long nói.

Trong khi đó, một luật sư cho rằng, cho đến giờ, chưa có quy định nào bãi bỏ Điều 19 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Còn Luật Giáo dục ĐH vừa sửa đổi không quy định, vì hệ CĐ trung cấp thuộc phạm vi quản lý của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Chính vì vậy, bỗng dưng năm 2019 cơ quan quản lý lại yêu cầu dừng đào tạo CĐ với lý do viện dẫn thông tư đã hết hiệu lực để bãi bỏ điều 19 của Luật Giáo dục Nghề nghiệp đang có hiệu lực. Vị luật sư này cũng cho biết, một số nước vẫn cho các trường ĐH đào tạo trình độ thấp hơn như Úc, Mỹ...

Hơn nữa, các hoạt động tuyển sinh hệ cao đẳng trong các trường ĐH diễn ra từ đầu năm, theo quy định, hướng dẫn của chính Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đến giờ không có gì thay đổi nên không có cơ sở yêu cầu dừng tuyển sinh hệ CĐ.  Thời điểm yêu cầu đưa ra vào giữa mùa tuyển sinh, khi công tác tuyển sinh gần như sắp hoàn tất là không hợp lý”,  luật sư này khẳng định.

Chiều 29/7, trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này,  Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Lê Quân khẳng định, sáng qua, ông chỉ đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp rà soát căn cứ pháp lý đảm bảo. Văn bản yêu cầu 45 trường dừng tuyển sinh và đào tạo hệ CĐ phù hợp tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thứ nhất, nếu các văn bản pháp luật không xung đột với nhau thì áp dụng văn bản có lợi cho người học và nhà trường lấy chất lượng làm gốc. Thứ hai, hướng dẫn các trường để ổn định tình hình, đảm bảo quyền lợi cho người đã nhập học, đã đăng ký được tiếp tục học. Thứ ba, tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để có giải pháp căn cơ, lâu dài, phù hợp với quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. “Cơ bản chúng tôi vẫn đảm bảo quyền lợi cho các trường và người học”- ông Quân nói.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, sau chỉ đạo đó, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã chủ động xem xét và cho phép các trường tiếp tục thực hiện kế hoạch 2019-2020, theo đúng lộ trình đã được đưa ra trước đó. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.