Vì sao chưa nên thông qua dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS

Các nhà khoa học bày tỏ sự thất vọng với phiên bản sau khi tiếp thu ý kiến của bản dự thảo tiêu chuẩn GS/PGS tại cuộc tọa dàm do tạp chí Tia Sáng tổ chức sáng 5/4/2017. Trong ảnh: Ba giáo sư của ngành toán (từ trái qua): GS Phùng Hồ Hải, GS. Ngô Việt Trun
Các nhà khoa học bày tỏ sự thất vọng với phiên bản sau khi tiếp thu ý kiến của bản dự thảo tiêu chuẩn GS/PGS tại cuộc tọa dàm do tạp chí Tia Sáng tổ chức sáng 5/4/2017. Trong ảnh: Ba giáo sư của ngành toán (từ trái qua): GS Phùng Hồ Hải, GS. Ngô Việt Trun
Mặc dù thời hạn góp ý cho dự thảo quy định tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư đã hết, nhưng một số nhà khoa học vẫn khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng tạm thời chưa thông qua dự thảo này mà nên mở rộng việc thảo luận và sửa đổi, lý do là còn tồn tại nhiều khác biệt giữa quan điểm của Ban soạn thảo với quan điểm của giới hàn lâm - đối tượng áp dụng của quy định trong tương lai.

Từ ngày 20/1 đến 20/3/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến công khai cho Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Sau khi được tham khảo phiên bản mới nhất của bản dự thảo, các nhà khoa học đều bày tỏ sự thất vọng lớn khi những đề xuất sửa đổi cốt lõi nhất mà họ nêu ra lần lượt bị bỏ qua.

Không thể phủ nhận rằng, so với bản quy định tiêu chuẩn GS, PGS do Chính phủ ban hành năm 2008, bản dự thảo mới đã có một số thay đổi quan trọng, bao gồm tiêu chuẩn cứng về công bố quốc tế - trước đây, nhờ phép quy đổi công trình khoa học mà số lượng nghiên cứu có thể thay thế hoàn toàn cho chất lượng nghiên cứu.

Song bên cạnh những sửa đổi thể hiện quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS theo hướng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, những người dự tọa đàm cho rằng, một số quan điểm lạc điệu vẫn được bảo lưu và một số tiêu chuẩn khuyết thiếu chưa được bổ sung sẽ trở thành yếu tố cản trở quá trình hình thành một thế hệ mới những người có năng lực thực chất, tương xứng với vai trò chủ đạo trong nghiên cứu và đào tạo từ đại học trở lên.

Công bố quốc tế: GS ngang bằng nghiên cứu sinh

Một trong những quan điểm lạc điệu đầu tiên được đề cập liên quan đến tiêu chuẩn về công bố quốc tế.Dự thảo đề ra, các ứng viên PGS/GS phải công bố ít nhất một/hai bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hai danh mục ISI/Scopus.

Theo các ý kiến tại toạ đàm, tiêu chuẩn này là quá thấp, chỉ tương đương tiêu chuẩn để một nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án tiến sĩ, trong khi nghiên cứu sinh mới là người “vỡ lòng trên con đường làm khoa học”, còn người có chức danh GS/PGS là người làm thầy. Bổ nhiệm người có trình độ thấp làm thầy thì đương nhiên sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho nền giáo dục.

Vậy con số công bố quốc tế cần có để được công nhận GS/PGS nên là bao nhiêu? PGS Hoàng Mạnh Thắng (Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, sau khi bảo vệ tiến sĩ ba năm – tức thời điểm được phép nộp hồ sơ xin công nhận chức danh PGS, một nhà nghiên cứu, với tốc độ “đẻ bài” thông thường như ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, có thể có ít nhất sáu công bố trên các tạp chí uy tín.

Con số nêu trên khá gần với tính toán của GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, về số công bố quốc tế trung bình mà các GS/PGS Việt Nam đã đạt được trên thực tế. Sử dụng số liệu thống kê từ một bài báo1, GS Phú chỉ ra, trong năm 2016, nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ có 411 GS và PGS được phong với tổng cộng 2.368 bài báo ISI và Scopus, như vậy tỷ lệ bình quân là 5,76 bài/người.

Trong khi đó, con số này ở các GS/PGS được công nhận trong nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn chỉ là 0,19 bài/người, tức là thấp hơn đến 30 lần so với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ. Có những ngành Khoa học xã hội và Nhân văn vẫn công nhận hàng chục GS/PGS trong năm 2016 nhưng không có bài ISI hay Scopus nào hoặc chỉ có một bài, như các ngành ngôn ngữ học, luật học, giáo dục học và tâm lý học, GS Phú dẫn số liệu từ bài báo nói trên.

Khoảng cách về công bố quốc tế giữa hai nhóm ngành này đã được dự thảo quan tâm, thể hiện ở chỗ đề ra tiêu chuẩn thấp hơn một bài báo quốc tế đối với mỗi chức danh ở nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn, song sự khác biệt đó có lẽ chưa thật sự được đưa ra dựa trên cơ sở thực tế.

Về mặt kỹ thuật, GS Phú lưu ý Ban soạn thảo rằng, cách nói “tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI” trong dự thảo không còn đúng nữa vì hệ thống này đã được đổi tên thành Web of Science và do Clarivate Analytics, chứ không phải do Institute for Scientific Information, quản lý.

Sách phục vụ đào tạo: Chỉ khuyến khích nạn sao chép

Quy định các ứng viên GS/PGS phải là tác giả chính hoặc chủ biên các sách phục vụ đào tạo, bao gồm sách chuyên khảo và giáo trình, cũng là một nội dung gây nhiều băn khoăn của dự thảo. “Hiện nay, sách được in rất dễ, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, rất nhiều nhà xuất bản mời chào các nhà khoa học viết sách.

Trong khi đó, về cơ bản, không hề có cơ quan thẩm định chất lượng khoa học của sách mà việc này hoàn toàn được phó thác cho các hội đồng [chức danh giáo sư] ngành. Như thế hội đồng dễ thì cho qua, hội đồng khó thì trượt, khuyến khích tình trạng chạy chọt vốn đã tràn lan,” theo GS Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học.

Xuất phát từ thực tế không phải ai, kể cả người có trình độ khoa học cao, cũng có đủ năng lực và thời gian để viết sách khoa học, nhiều ý kiến tại tọa đàm chỉ ra rằng đòi hỏi mọi ứng viên GS/PGS phải ra sách thì chất lượng sách thấp là hiển nhiên, và đề xuất loại tiêu chuẩn này khỏi dự thảo vì nó không những không phản ánh đúng trình độ chuyên môn của các ứng viên mà còn có khả năng cản trở việc bổ nhiệm những ứng viên xứng đáng nhưng không chấp nhận đạo văn chỉ để có sách.

Không đề xuất bỏ tiêu chuẩn về sách phục vụ đào tạo nhưng GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, chỉ công nhận sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có ISBN ấn hành, “nếu không thì sẽ loạn sách chuyên khảo”, đồng thời không tính điểm cho giáo trình, vì “thực chất gần như 100% sách giáo trình là chép lại lẫn của nhau, xào xáo cho hợp lệ”.

Tham gia đào tạo: Gây lạm phát thạc sĩ và tiến sĩ

Một tiêu chuẩn khác cũng được đề xuất đưa ra khỏi dự thảo là tiêu chuẩn về tham gia đào tạo học viên cao học (đối với PGS) và tiến sĩ (đối với GS) bởi nó tạo sức ép bắt ứng viên phải tìm mọi cách để có học trò và hiệu ứng tiêu cực khó tránh khỏi là chất lượng đào tạo bị hạ thấp. “Ngành toán có những người vừa bảo vệ tiến sĩ xong đã lo đào tạo nghiên cứu sinh tại các cơ sở kém uy tín ở địa phương để chuẩn bị cho việc được công nhận PGS, GS của mình,” GS Ngô Việt Trung dẫn chứng.

Còn theo GS.TS Hoàng Xuân Phú, ở nhiều nước, chẳng hạn như CHLB Đức, thường chỉ GS/PGS mới đứng tên hướng dẫn nghiên cứu sinh. “Việt Nam thì làm ngược lại, đòi hỏi ứng viên GS/PGS phải hướng dẫn xong mấy nghiên cứu sinh, học viên thạc sĩ mới được công nhận chức danh,” GS. Phú nhận xét và đề nghị loại bỏ tiêu chuẩn này với lý do để bảo đảm chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học.

Không dứt khoát như GS Hoàng Xuân Phú, nhưng GS Trần Đức Viên cũng đề nghị không nên coi hướng dẫn nghiên cứu sinh hay học viên cao học là tiêu chuẩn cứng; ứng viên nào hướng dẫn học viên cao học/nghiên cứu sinh thì tính điểm, ứng viên nào không có hoặc có nhưng chưa đủ theo quy định thì có thể bù bằng các bài báo khoa học công bố trong nước hoặc quốc tế.

Các hội đồng chức danh giáo sư: Dấu hỏi về năng lực của người bình xét

Nhưng ngay cả khi đã có những tiêu chuẩn hoàn hảo thì điều này cũng không bảo đảm rằng những người được công nhận GS/PGS đều xứng đáng nếu thiếu những hội đồng bình xét có trình độ, công tâm và trách nhiệm.

Trong khi ở các nước phát triển, ứng viên có đạt hay không là do các hội đồng khoa học quyết định dựa trên thành tích nghiên cứu và khả năng thuyết trình khoa học thì ở Việt Nam, việc bình xét vẫn phải dựa trên các tiêu chuẩn cứng như một cách để giữ được một số chuẩn mực chung.

Nhưng nhận thức được nguy cơ mọi tiêu chuẩn đều có thể bị ngụy tạo nên các nhà khoa học nhất trí rằng chỉ nên xem những tiêu chuẩn cứng này như điều kiện tối thiểu, chứ không thay thế lá phiếu của các thành viên trong hội đồng ngành.

Song trên thực tế không phải lúc nào lá phiếu của thành viên các hội đồng chức danh giáo sư cũng tạo được độ tin cậy như nó được ủy thác khi người bỏ phiếu vẫn bị gắn với những nghi ngờ về năng lực hay những đàm tiếu về việc bỏ phiếu dựa trên sự yêu/ghét, về thái độ xuê xoa trước các hành vi xin xỏ mà tiếng lóng gọi là “đi hội đồng”.

Những nghi ngờ, đàm tiếu này không hẳn là không có cơ sở, bằng chứng mới nhất là vừa rồi, một Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Văn học thể hiện sự am hiểu hết sức giới hạn của mình trên báo rằng, “ISI, Scopus là tạp chí của Mỹ”!

Một nhà khoa học vừa được công nhận PGS hồi năm ngoái chia sẻ câu chuyện của bản thân: sau khi nộp hồ sơ xin công nhận PGS, anh liền nhận được điện thoại từ một số ứng viên khác mời anh cùng tham gia các cuộc “tiếp xúc” với hội đồng ngành.

Việc chưa lựa chọn được người đủ trình độ, liêm chính và trách nhiệm để “cầm cân nảy mực” ở nhiều hội đồng chức danh giáo sư bấy lâu nay xuất phát từ những tiêu chuẩn lựa chọn hết sức mơ hồ, và ở bản dự thảo cập nhật nhất, những tiêu chuẩn đó vẫn chưa được cải thiện. PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người đầu tiên nêu vấn đề phải có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với thành viên các hội đồng chức danh giáo sư.

Các nhà khoa học đề xuất một quy trình tuyển chọn thành viên các hội đồng chức danh giáo sư theo hướng cụ thể và minh bạch hóa: tiêu chuẩn phải như thế nào để bảo đảm “năng lực của người xét ít nhất cũng phải tương đương người được xét”, và lý lịch khoa học phải được công khai trên mạng, thậm chí có thể tham khảo ý kiến về việc tuyển chọn thành viên các hội đồng chức danh giáo sư trên mạng hoặc trong cộng đồng các GS/PGS.

Cơ chế làm việc của các hội đồng chức danh giáo sư cũng cần được xây dựng một cách cụ thể và chặt chẽ hơn, đảm bảo tính khách quan, loại trừ khả năng tiêu cực, và tránh tình trạng các thành viên hội đồng do thiếu trách nhiệm, hoặc do thiếu hiểu biết về các chuyên ngành hẹp khiến việc xét duyệt hồ sơ ứng viên không mang tính thực chất mà chỉ căn cứ trên những tính toán, cộng trừ điểm quy đổi một cách cứng nhắc vô cảm.

“Mỗi ngành đều gồm rất nhiều chuyên ngành hẹp nhưng hiện nay việc đọc phản biện hồ sơ của các ứng viên mới chỉ loanh quanh trong các thành viên hội đồng thôi. Theo tôi, nếu nhận thấy một chuyên ngành hẹp nào đó nằm ngoài tầm hiểu biết của các thành viên thì hội đồng phải có trách nhiệm tìm người đọc phản biện ở bên ngoài,” PGS Đỗ Vân Nam, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ AIST, ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất.

Một nội dung nữa mà dự thảo còn thiếu, đó là chế tài nào dành cho các thành viên hội đồng khi họ không hoàn thành trách nhiệm? Ngay cả việc ấn định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước, còn Thứ trưởng vào vị trí Phó Chủ tịch cũng là phi khoa học và tạo ra sự ràng buộc không cần thiết. Đặt giả thiết khi vị Chủ tịch/Phó chủ tịch không hoàn thành trách nhiệm hoặc mắc sai phạm, nhưng vì vị trí đó đã được quy định phải do Bộ trưởng/Thứ trưởng đảm nhiệm, thì làm sao có thể thay vị trí này bằng người khác.

Bất cập từ cách tiếp cận

Theo các nhà khoa học, sở dĩ bản dự thảo còn tồn tại một số bất cập là do cách tiếp cận chưa phù hợp của Ban soạn thảo. “Làm sao có thể coi việc ban hành một quy định liên quan đến giới khoa học như việc riêng của các nhà quản lý và chỉ cho các nhà khoa học góp ý một cách tượng trưng?” GS Hoàng Xuân Phú nêu câu hỏi. “Lẽ ra, trước khi viết dự thảo này thì phải dành một thời gian để tổng kết tình hình công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư trong suốt thời gian qua, để thấy cái gì có thể duy trì, cái gì cần phải khắc phục. Và việc ấy phải có sự tham gia của các nhà khoa học, chứ không phải chỉ có các nhà quản lý.”

Các ý kiến tại tọa đàm cũng đề xuất cách tiếp cận bài bản từ dưới lên, tức là có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học ở từng lĩnh vực. Theo họ, chỉ bằng cách đó mới có thể xây dựng những tiêu chuẩn phù hợp, không hạn chế mức độ đóng góp của ngành nào nhưng cũng không đặt ra những tiêu chuẩn trên trời đối với ngành nào, nhất là trong bối cảnh có khoảng cách lớn về công bố quốc tế giữa lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ với lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.

Trong quá trình thảo luận, các nhà khoa học luôn nhấn mạnh hai nguyên tắc. Một là phải kiên quyết đi theo các thông lệ quốc tế thì mới hy vọng giải quyết được triệt để những tồn tại trong hệ thống chức danh ở Việt Nam. Trong bối cảnh đặc thù, có thể nhân nhượng tính cả một số loại tiêu chuẩn xa lạ với thông lệ khoa học quốc tế (như số giờ giảng dạy, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, xuất bản sách phục vụ đào tạo...), để thay thế cho một phần kết quả nghiên cứu khoa học đích thực nhưng không thể để yếu tố số lượng lấn át chất lượng, biến những thứ thay thế bất đắc dĩ trở thành tiêu chuẩn chung, và bắt buộc tất cả các ứng viên đều phải đạt. Hai là, không vì chúng ta chưa mạnh mà hạ thấp tiêu chuẩn, hay như cách nói của GS Trần Đức Viên, “đã vào sân thi đấu bóng đá với người ta thì phải đá với 11 cầu thủ trên kích thước sân là 45x90m chứ chả lẽ lại yêu cầu do ‘đặc thù’ người Việt Nam thấp bé nhẹ cân nên vào sân với 13 cầu thủ hay đề nghị đá trên sân 30x70m?”

Và một điều lần lượt được các nhà khoa học nhắc đi nhắc lại trong phần phát biểu của mình, đó là nên lùi thời gian ký ban hành dự thảo, thêm thời gian cho cộng đồng khoa học thảo luận và công khai tất cả các ý kiến ấy lên mạng, để sau này khi quy định được ban hành thì đa số đều tâm phục khẩu phục, tránh những đàm tiếu không đáng có.

Theo Theo Tiasang
MỚI - NÓNG