Chấm thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL:

Vì sao điểm văn thấp?

Vì sao điểm văn thấp?
TP - Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, nơi vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của việc điểm môn văn thấp bất thường tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa ra giải thích cho sự bất thường này.

An Giang chấm bài thi tự luận cho Kiên Giang – nơi đang kiến nghị với Bộ GD&ĐT kiểm tra kết quả chấm thi môn văn của địa phương mình.

Mặt khác, An Giang cũng không hài lòng về kết quả môn văn của mình, do Vĩnh Long chấm, và đã có văn bản đề nghị Bộ xem xét.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho biết:

Theo tôi, sở dĩ có tình trạng kết quả điểm thi môn văn quá thấp ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ là do đáp án của Bộ quá chi tiết, giám khảo chấm bám sát đáp án của Bộ.

Kết quả thấp một cách bất thường nên việc khiếu nại là tất yếu. Ở An Giang chúng tôi, số bài có điểm trên trung bình môn văn chỉ khoảng 40 phần trăm, bằng một nửa những năm trước. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ xem xét kết quả thi môn văn mà Vĩnh Long chấm cho An Giang.

Quy trình chấm môn văn diễn ra thế nào, thưa ông?

Khi được biết số bài thi môn văn đạt điểm trung bình trở lên rất thấp, tôi đã qua hội đồng chấm và chỉ đạo giám khảo là chấm theo đúng hướng dẫn của Bộ, không chấm chặt (chặt hiểu theo tiếng Bắc nghĩa là xét nét), phải lấy học sinh làm trọng.

Trước đó, trong buổi khai mạc chấm thi, trước toàn bộ hội đồng chấm thi tôi cũng đã chỉ đạo, dù chấm cho tỉnh khác nhưng việc chấm thi phải diễn ra bình thường như mọi năm, nghĩa là làm đúng quy trình, làm đúng lương tâm, không khắt khe với thí sinh. Đâu cũng là học sinh của mình, Kiên Giang mà thấp tụi tôi cũng không vui.

Phản ứng của phụ huynh và học sinh ở An Giang thế nào?

Như tôi đã nói, kết quả bất thường trong môn văn không chỉ có ở Kiên Giang, An Giang mà còn ở một số tỉnh khác. Việc các địa phương đề nghị xem xét lại kết quả là chính đáng.

Với An Giang, trừ môn văn, các môn khác đều có kết quả cao. Ví dụ, môn sinh vật đạt tỉ lệ 93 phần trăm trên điểm trung bình, môn vật lý trên 80 phần trăm, môn toán gần 70 phần trăm...

Khi chúng tôi công bố kết quả tạm thời thì phụ huynh rất bức xúc với điểm thi môn văn. Hiện, lượng đơn xin phúc khảo môn văn nhiều bất thường. Có những thí sinh điểm các môn khác toàn 8, 9, 10 nhưng văn chỉ được 4 hoặc 5 điểm nên xếp loại tốt nghiệp của các em bị kéo xuống (không đạt loại giỏi, khá mà chỉ đạt loại khá hoặc trung bình).

Ông có thể giải thích cho vấn đề này?

Lẽ ra với một môn học đặc thù đòi hỏi tính chủ quan cao như môn văn, Bộ không nên đưa ra đáp án quá chi tiết, quá cụ thể như các môn khác. Điều này sẽ làm khó cho giám khảo khi chấm bài. Với cách làm này, tâm lý nói chung của giám khảo là thế thủ, không muốn gặp rắc rối khi Bộ về thanh tra.

Theo tôi, với môn văn, Bộ nên tổ chức hội nghị triển khai chấm cho những người phụ trách chấm môn văn của 63 tỉnh thành, cùng phân tích đề thi, cùng thảo luận về đáp án, triển khai cho tất cả các tỉnh thành, thảo luận chung đáp án đó, phân tích trên đề thi. Nếu cần thiết có thể chấm thử một số bài. Trên cơ sở đó, việc triển khai chấm ở từng địa phương sẽ thống nhất.

Nhưng thời gian chấm rất ngắn, đề xuất đó có khả thi?

Trong điều kiện như hiện nay nên tổ chức chấm theo cụm. Ví dụ, 10 tỉnh tây sông Hậu và nam sông Hậu có thể thành một cụm. Bộ căn cứ điều kiện cơ sở vật chất của từng tỉnh để chọn nơi nào là hội đồng chấm môn nào. Có thể tỉnh này là nơi chấm môn văn, tỉnh khác là nơi chấm môn toán...

Bộ chỉ đạo cho một tỉnh nào đó làm chủ tịch hội đồng cụm, yêu cầu mỗi tỉnh cung cấp bao nhiêu giáo viên chấm thi cho từng môn. Khi tập trung chấm theo cụm như thế thì có cái hay là không ai biết mình đang chấm bài cho địa phương nào; cái hay nữa là tất cả cùng được thảo luận về đề thi, đáp án, cùng chấm chung một số bài.

Nhờ đó, khi công bố kết quả sẽ không có chuyện lệch nhau thế này, thế kia và không làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa các địa phương. Việc công bố tỉnh nào chấm cho tỉnh nào là không nên, từ tháng 3/2009, tại một hội nghị ở Tiền Giang, tôi đã đề nghị điều này.  

Có điều bất thường là kết quả môn văn rất thấp chỉ có ở vùng ĐBSCL, còn các tỉnh phía Bắc đều có kết quả cao, đồng đều?

Đây là vấn đề nhạy cảm, xin không được so sánh, e gây mất lòng nhau. Nhưng theo tôi Bộ cũng nên cử cùng một lực lượng thanh tra chấm thi chấm thẩm định những nơi chấm có tỉ lệ thấp cả những nơi chấm có tỉ lệ cao.

Trên cơ sở đó so sánh việc vận dụng đáp án chấm của Bộ ở các địa phương khác nhau, rút kinh nghiệm cho việc ra đề thi và hướng dẫn chấm thi năm sau khoa học hơn. Đó là việc làm cần thiết.

Cảm ơn ông!

Ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre:

Quy trình chấm không có gì bất thường

Khi biết kết quả môn văn của tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt 21,8 phần trăm bài thi có điểm từ trung bình trở lên, tôi cũng băn khoăn. Nhưng rà soát lại toàn bộ quy trình và công việc chấm thi, chúng tôi không thấy có gì sai quy chế.

Ngay từ khâu chỉ đạo, chúng tôi cũng chủ trương là chấm bình thường như mọi năm, không khắt khe. Theo quy trình, chúng tôi cho chấm thanh tra 495 bài thi, kết quả là chỉ có 9 bài vênh 0,5 điểm (giữa giám khảo chấm và thanh tra chấm).

Bài thi thì giấy trắng mực đen, kết quả điểm thi là một sự thật nhưng tình cảm giữa hai Sở GD&ĐT (Bến Tre và Đồng Tháp) giờ đây bị sứt mẻ. Do đó, năm sau nếu thực hiện chấm chéo tỉnh thì nên bí mật việc tỉnh nào chấm cho tỉnh nào để tránh có sự nghi ngờ nhau.

Tốt nhất là gom bài thi của nhiều tỉnh về một chỗ, nhiều tỉnh khác cùng nhau chấm chung. Chẳng có giáo viên nào muốn hại học sinh, nhưng bổn phận của họ là phải làm đúng quy chế.

Quý Hiên
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.