Cảnh sát đưa thí sinh đi thi ở Hà Giang:

Vì sao hai thí sinh ngủ muộn có ‘cái kết’ khác nhau?

TPO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 ở Hà Giang có 2 thí sinh ngủ muộn quên đi thi. Một thí sinh được công an đến tận nhà đón đến điểm thi, còn một thí sinh bỏ lỡ kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách? Vì sao?

Đây cũng chính là một điểm gây nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội, trong đó có ý kiến ác ý cho rằng cán bộ công an "diễn kịch” đón thí sinh để làm hình ảnh, rằng nữ sinh được công an đón là con “ông nọ, bà kia”...

Để làm rõ, báo Tiền Phong đã có bài: Cảnh sát đưa thí sinh đi thi ở Hà Giang: Sự 'độc ác' khiến tôi phải lên tiếng.

Về sự khác nhau giữa hai thí sinh ngủ quên, cần làm rõ thêm một chút để bạn đọc hiểu.

Sáng 25/6, các thí sinh ở Hà Giang và cả nước bước vào thi môn Ngữ Văn, môn đầu tiên của Kỳ thi THPT quốc gia. Tôi đến điểm thi THPT chuyên Hà Giang từ khá sớm, tuy nhiên, lực lượng an ninh không cho tác nghiệp trong khuôn viên trường. Dù đã cố thuyết phục nhưng không được, chúng tôi chụp ảnh quanh quẩn khu cổng trường rồi sang phía đối diện ngồi uống nước.

Khoảng hơn 7h, cổng trường đóng lại. Thời điểm này, còn một vài thí sinh tiếp tục vào trường. Đến 7h51 phút, một phụ nữ chở một nữ sinh đến cổng trường. Mấy CSGT bảo nhanh lên không muộn mất. Sự việc được báo cáo đến lãnh đạo điểm thi. Chúng tôi chạy sang, chụp một vài kiểu ảnh. Nữ sinh có vẻ ngại, lấy tay che mặt.

Sau đó khoảng 2 phút, bà Lương Anh Thiết, điểm trưởng điểm thi THPT chuyên Hà Giang ra trao đổi, đại ý rằng đã quá giờ so với quy định trong quy chế thi nên không được vào thi nữa. Nữ sinh này chần chừ một hồi, né tránh ống kính máy ảnh và các câu hỏi của phóng viên, đứng ven đường thêm một chút rồi bắt taxi rời cổng trường. Ngay sau đó, chúng tôi ngồi kiểm tra lại giờ thi. Thời điểm nữ sinh này đến điểm trường đã hơn 7h51, muộn hơn 15 phút sau khi phát đề thi. Chiếu theo quy chế, đúng là thí sinh này không được phép dự thi.

Vì sao hai thí sinh ngủ muộn có ‘cái kết’ khác nhau? ảnh 1

Bà Lương Anh Thiết, điểm trưởng điểm thi THPT chuyên Hà Giang thông báo thí sinh S. không được dự thi vì vi phạm quy chế. Ảnh: Trường Phong

Sáng 26/6, như đã thông tin trong bài viết Cảnh sát đưa thí sinh đi thi ở Hà Giang: Sự 'độc ác' khiến tôi phải lên tiếng, thí sinh Trần Thị Yến được Đại úy Vũ Đức Lợi đưa đến cổng trường lúc 7h25 phút, còn khoảng gần chục phút nữa mới đến giờ phát đề thi, nên Yến chưa vi phạm quy chế và hoàn toàn được phép dự thi.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người thắc mắc là tại sao Yến được công an đến đón mà thí sinh thi bên trường THPT chuyên Hà Giang lại không được ai đón? Và rằng Yến là con của "ông nọ, bà kia"...

Theo quy chế thi THPT quốc gia 2019, mỗi buổi thi đều có quy định giờ gọi thí sinh vào phòng, giờ phát đề thi, giờ tính giờ bắt đầu làm bài... Lúc gọi thí sinh vào phòng thi, các giám thị đã nắm được thông tin phòng mình coi thi vắng những thí sinh nào. Và việc kiểm tra thông tin về thí sinh vắng mặt là điều có thể làm được.

Trong suốt buổi sáng ngồi ở cổng trường THPT chuyên Hà Giang, chúng tôi không thấy thành viên điểm thi này ra ngoài cổng trường thông báo về trường hợp thí sinh nào đến muộn để cần giúp đỡ. Nếu có thí sinh cần giúp đỡ, chắc chắn các cảnh sát và tình nguyện viên túc trực ngoài cổng trường sẽ hỗ trợ ngay lập tức.

Vì sao hai thí sinh ngủ muộn có ‘cái kết’ khác nhau? ảnh 2

Thí sinh Trần Thị Yến được Đại úy Vũ Đức Lợi chở đến điểm thi vào lúc 7h25 phút, chưa vi phạm về thời gian quy định trong quy chế thi. Ảnh: Trường Phong

Trường hợp của thí sinh Yến bên trường THPT Lê Hồng Phong lại khác. Như đã thông tin, lãnh đạo điểm thi đã ra cổng trường thông tin về trường hợp thí sinh Yến vắng mặt, và nhờ tổ công tác giúp đỡ. Vì vậy, Yến mới có may mắn được Đại úy Vũ Hữu Lợi đến nhà gọi dậy và chở đến điểm thi đúng giờ.

Về trường hợp thí sinh ở trường THPT chuyên Hà Giang bị lỡ kỳ thi, chúng tôi không rõ thông tin em này đến muộn được phát hiện và xử lý như thế nào. Nhưng, thiết nghĩ, với tình cảm của những người làm nghề giáo, trước ngưỡng cửa tương lai của học trò, sẽ chẳng ai “ngoảnh mặt làm ngơ, thấy chết không cứu”. Và rõ ràng, việc thông tin nhờ trợ giúp từ lực lượng chốt trực bên ngoài điểm thi là rất dễ.

Cũng phải nói lại rằng, việc phổ biến quy chế thi đã rõ, các thí sinh cũng đã lớn, phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Nhưng, nếu giúp đỡ được, sẽ bớt đi những cảnh thí sinh lủi thủi đi về khi các bạn đang trong phòng thi, hay òa khóc trước cổng trường vì lỡ cơ hội của cuộc đời.

MỚI - NÓNG