Vì sao nhiều phụ huynh ngại ngùng, cấm trẻ hỏi về xâm hại tình dục

Học sinh thuyết trình về kiến thức xâm hại tình dục và cách phòng tránh hành vi xâm hại tình dục
Học sinh thuyết trình về kiến thức xâm hại tình dục và cách phòng tránh hành vi xâm hại tình dục
TPO - Hầu hết các bậc phụ huynh không cung cấp cho trẻ hiểu thế nào là xâm hại tình dục và cách phòng tránh. Họ cho rằng, trẻ con nhỏ để hiểu việc đó. Tuy nhiên, sự chủ quan đã gián tiếp gây ra những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo số liệu khảo sát, từ năm 2011 - 2015, tại Việt Nam đã xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi; 60% nạn nhân trong độ tuổi từ 11 - 25 tuổi; 32% nạn nhân bị bạo lực kép (vừa bị xâm hại, vừa bị hành hung giết chết); 13,5% là bị xâm hại tập thể từ 3 - 5 người. 

Tuy nhiên, sự quan tâm đúng mức về việc cung cấp cho trẻ những thông tin, nhận biết hành vi xâm hại tình dục, kỹ năng phòng chống của phụ huynh còn hạn chế.

Tại cuộc khảo sát mới nhất (ngày 18/4), trong chương trình “Kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em: Đừng im lặng - Hãy lên tiếng” do Hội Liên hiệp phụ nữ - Trung tâm Dân số KHHGĐ - Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò (Nghệ An) tổ chức tại Trường THCS Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) đã phần nào nói lên điều đó.

Khi trẻ bị xâm hại, im lặng là đồng lõa với tội ác.

Chương trình này nhằm trang bị các kiến thức để nhận diện hành vi tình dục, xâm hại tình dục, đối tượng gây ra các hành vi xâm hại... bằng các tình huống cụ thể được dẫn chứng. Bên cạnh đó, bằng các hướng dẫn cụ thể, ban tổ chức trang bị cho các em kỹ năng đối phó, tự giải thoát khi có đối tượng thực hiện các hành vi xấu đối với bản thân.

Hầu hết các học sinh đều không hiểu, không trả lời được câu hỏi: “Thế nào là xâm hại tình dục?”. Nhiều em còn cho rằng, bố, mẹ không cho nói về vấn đề đó bởi các em còn nhỏ, chưa cần biết làm gì. Nếu em nào muốn tìm hiểu thì đọc qua sách, báo.

Em Nguyễn Tiến Nam (lớp 6A5, trường THCS Nghi Hương) cho biết: “Các bạn đều có thể là nạn nhân. Đối tượng có thể là người lạ hoặc người thân. Người lớn, cơ quan chức năng nên có biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em”. 

“Theo em nên nói với bố, mẹ, thầy cô biết mình bị người nào xâm hại chứ im lặng sẽ bị người đó tiếp tục làm xấu”, em Hoàng Diệu Linh, lớp 6A4 nói.

Hậu quả của các vụ xâm hại tình dục không chỉ khiến trẻ đau đớn mà còn ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển tâm, sinh lý về sau. Vì thế, chương trình này sẽ giúp cho phụ huynh, học sinh hiểu tầm quan trọng về việc cung cấp thông tin cho trẻ. 

Bà Trần Thị Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi muốn giúp các em nhận thức rõ vấn đề, nhận diện các hành vi tình dục, trang bị các kỹ năng để tự bảo vệ mình hay ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Bởi vậy, khi trẻ bị xâm hại, im lặng là đồng lõa với tội ác, cần phải mạnh mẽ lên tiếng để ngăn chặn tình trạng xâm hại tiếp diễn, bảo vệ sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý cho các em. Không được chủ quan, bởi hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài tới trẻ. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình nhằm trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em ở tất cả trường học trên địa bàn thị xã Cửa Lò”.

MỚI - NÓNG