Vì sao Việt Nam đuối ở các môn thực hành?

Vì sao Việt Nam đuối ở các môn thực hành?
TP - Trình độ thực hành thí nghiệm của học sinh kém là do các học sinh không được làm thường xuyên, vừa học môn chuyên vừa phải lo học tất cả các môn để phục vụ mục tiêu toàn diện, lo ôn thi ĐH do không được ưu tiên như trước kia…

Năm 2007, Olympic Toán học quốc tế đã được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2008 này, Olympic Vật lý cũng sẽ được tổ chức tại đất nước có truyền thống hiếu học chúng ta.

Với môn Hóa học, ông Bùi Duy Cam – Phó Hiệu trưởng ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) cho rằng khoảng năm 2012 Việt Nam mới có thể chuẩn bị chu đáo để tổ chức kỳ thi này.

Dư luận cho rằng, vì thực trạng thiếu giáo viên, thiết bị giảng dạy nên trong các cuộc đọ sức quốc tế, học sinh của ta thường đuối sức hơn trong các môn thực hành nhiều như Vật lý và Hóa học?

Đúng vậy. Các giáo viên giỏi đã đến tuổi về hưu.

Lực lượng giáo viên đang tham gia dạy khối chuyên còn trẻ và kinh nghiệm còn hạn chế nên các trường như ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội) đang phải gấp rút có chính sách tuyển dụng và đầu tư cơ sở vật chất.

Thực chất, các thiết bị của nhà trường phục vụ cho những nghiên cứu lớn rất hiện đại nhưng thiết bị phục vụ nghiên cứu đơn giản để thi học sinh giỏi quốc tế thì bị hạn chế.

Trình độ thực hành thí nghiệm của học sinh kém là do các học sinh không được làm thường xuyên, vừa học môn chuyên vừa phải lo học tất cả các môn để phục vụ mục tiêu toàn diện, lo ôn thi ĐH do không được ưu tiên như trước kia…

Thời gian dành cho thực hành hạn chế từ khâu kế hoạch nhà trường đến chương trình học những năm đầu. Chỉ khi học sinh vào đội tuyển rồi mới có chương trình thực hành riêng giúp các học sinh cập nhật với trình độ thí nghiệm của thế giới.

Như vậy thời gian dành cho thực hành quá ngắn.

Vì sao Việt Nam đuối ở các môn thực hành? ảnh 1
Ông Bùi Duy Cam

Hiện nay dư luận còn nhiều điều tiếng về chất lượng các giải thưởng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSGQG) quốc gia. Theo ông thi chọn HSGQG nên được cải tiến theo hướng nào?

Đối với các môn khoa học tự nhiên, việc tổ chức chọn HSGQG cơ bản là tốt vì các học sinh sau khi được tuyển vào vòng 2 đi thi đều đạt giải.

Đương nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải tiến công tác ra đề kỳ thi HSG để thực sự khách quan, đúng quy chế của Bộ  như:

Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi không được ra đề thi để cuộc thi được khách quan; không đặt bài toán thành tích như đã từng xảy ra thì tư duy sẽ đơn giản hơn. Người ta sẽ không phải gồng mình lên vì thành tích.

Trừ những môn mạnh của VN như Toán, Tin học, với các môn như Vật lý, Hóa học, theo ông các trường chuyên Việt Nam có nên liên kết đào tạo với các trường nước ngoài để học hỏi?

Trong 15 năm qua, khối THPT chuyên Hóa (Trường ĐHKH TN, ĐHQG Hà Nội) đã đào tạo được 1.400 học sinh phổ thông trong đó có 30% được tuyển thẳng vào ĐH, nhiều học sinh đỗ thủ khoa.

Khoảng 30% học sinh chuyên Hóa sau khi tốt nghiệp ĐH được chuyển tiếp sau ĐH ở nước ngoài. Trong các kỳ thi HSG quốc gia, học sinh chuyên Hóa đã đạt hơn 100 giải thưởng.

Từ năm 1996, học sinh chuyên Hóa đoạt 5 HCV (trong số 8 HCV của Việt Nam); 7 HCB; 2 HCĐ và một bằng khen trong các kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.

Nhân kỷ niệm 15 năm đào tạo Chuyên Hóa, Khối THPT chuyên Hóa  Trường ĐHKH TN (ĐHQG HN, được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng, ghi nhận thành tích xuất sắc của khối trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. 

Hiện nay, với xu thế hội nhập, các trường khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore đã đến thăm khối chuyên THPT của ĐHKHTN tương đối nhiều. Sắp tới, chúng tôi muốn mở rộng quan hệ giao lưu để trong các dịp hè, học sinh, giáo viên các nước có thể giao lưu, học hỏi. Giáo viên có thể phối hợp để viết sách chương trình bồi dưỡng học sinh chuyên chung cho các nước…

Vậy làm thế nào để nâng cao ngay chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi trong tình hình hiện nay, thưa ông?

Trước mắt, cần làm sao giải quyết được việc tuyển các học sinh giỏi thực sự từ các tỉnh về để bồi dưỡng và các trường chuyên phải đổi mới được chương trình trong đó kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đáp ứng yêu cầu vừa là bồi dưỡng năng lực chuyên môn vừa bồi dưỡng năng lực toàn diện.

Với các môn  khoa học thực nghiệm như Hóa học, Vật lý cần đặc biệt tiệm cận với chương trình, cách làm thiết bị hiện đại mà các kỳ thi Olympic quốc tế đặt ra.

Xin cám ơn ông!

MỚI - NÓNG