Vụ ép uống nước giẻ lau: Học sinh, cô giáo cần được hỗ trợ tâm lý

Trường tiểu học An Đông, Hải Phòng- nơi xảy ra vụ việc học sinh bị cô giáo phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
Trường tiểu học An Đông, Hải Phòng- nơi xảy ra vụ việc học sinh bị cô giáo phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
TPO - Liên quan đến vụ việc học sinh ở Hải Phòng bị cô giáo ép uống nước giẻ lau bảng, TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng; đối với những trường hợp đáng tiếc này cả học sinh và giáo viên cần được hỗ trợ tâm lý ngay.  

Do nói chuyện riêng, một học sinh lớp 3 ở Hải Phòng bị cô giáo phạt bằng hình thức uống nước vắt từ giẻ lau bảng. Câu chuyện khiến dư luận bức xúc vì hình phạt được coi là phản giáo dục và tiêu cực.

Phạt nhưng phải tích cực?

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà (trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) khẳng định đây là hình phạt mang tính chất tiêu cực. Thực ra hình phạt mang tính chất tiêu cực thì không nên vì nó không giải quyết được vấn đề gì mà làm cho đứa trẻ bị tổn thương, ghét người tạo ra hình phạt khắc nghiệt quá cho mình. 

“Việc đầu tiên tôi nghĩ giáo dục học sinh phải chú ý đến điểm mạnh của học sinh. Việc giáo dục chú ý điểm mạnh chiếm 90% còn dùng hình phạt chỉ chiếm 10%. Hình phạt thì phải là hình phạt tích cực có nghĩa là hình phạt để trẻ có thể học được bài học kinh nghiệm và không được phép làm trẻ bị tổn thương thì đó mới là giáo dục tích cực”- bà Hà nêu quan điểm.

Trẻ con thường chưa hiểu đúng- sai nên đôi khi làm điều sai thì người lớn có cách giải thích cho các con. Trong trường hợp hành động đó lặp đi lặp lại quá nhiều lần thì lúc đó phạt mà phạt mang tính chất tích cực. 

Bà Hà cũng ví dụ, không cho trẻ làm điều chúng đang thích, gọi là tước đi quyền lợi của con; hay là phạt lau bảng, dọn phòng... thì hình phạt đó mang tính tính cực.

"Đối với những trường hợp đáng tiếc trong học đường, cả học sinh và giáo viên cần được hỗ trợ tâm lý ngay. Ngoài việc giúp các bên hiểu rõ vấn đề và hòa giải tinh thần, cần giúp họ lường trước những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai kể cả những hệ lụy trên mạng xã hội để sẵn sàng đương đầu, vì lợi ích tốt nhất của học sinh, sau đó là tương lai của cô giáo trẻ", TS Tâm lý Trần Thành Nam

Học sinh cần học cách “thoát hiểm”?

Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng, đối với đứa trẻ rất khó để nói kĩ năng giúp con giải quyết việc này. Trong trường hợp này sử dụng kĩ năng giao tiếp để con nói chuyện với cô giáo và việc tại sao con làm việc đó và kĩ năng nhận lỗi và hứa với cô không bao giờ sai phạm.

Những điều gì con thấy khó, không kiểm soát được bản thân có thể bày tỏ nói với cô điều đấy. Cô giáo và phụ huynh sẽ hỗ trợ con. Đó là những cách hỗ trợ học sinh để giảm thiểu những cách làm con tổn thương.

TS Tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có lẽ điều cần làm cho học sinh lúc này là xây dựng lại và phổ biến rộng rãi bộ quy tắc ứng xử của giáo viên, học sinh trong nhà trường.

Trong đó giúp học sinh ý thức được rõ các quyền và nghĩa vụ của mình. Làm rõ ràng quy trình báo cáo xử lý các tình huống vi phạm, địa chỉ email hoặc con người cụ thể để học sinh có thể báo cáo mà vẫn được bảo vệ quyền riêng tư. 

TS Nam cũng cho rằng đối với những trường hợp đáng tiếc trong học đường, cả học sinh và giáo viên cần được hỗ trợ tâm lý ngay. Ngoài việc giúp các bên hiểu rõ vấn đề và hòa giải tinh thần, cần giúp họ lường trước những hệ lụy có thể xảy ra trong tương lai kể cả những hệ lụy trên mạng xã hội để sẵn sàng đương đầu, vì lợi ích tốt nhất của học sinh, sau đó là tương lai của cô giáo trẻ.

“Đối với những người giáo viên có hành động không kiểm soát. Điều cần thiết để bảo vệ học sinh là cách ly khỏi công tác giảng dạy. Không nên nghĩ đến việc có cho giáo viên ra khỏi ngành lúc này hay không”- TS Nam nói. 

Giáo viên cần được sàng lọc nhân cách?

Lí giải nguyên nhân của những hành độc bộc phát trong nhà trường, TS Trần Thành Nam cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân về áp lực của giáo viên cũng như lỗi hành vi của học sinh góp phần làm cho giáo viên mất kiểm soát cũng cần phải xem lại về nội dung chương trình đào tạo giáo sinh.

Các chương trình đào tạo giáo viên phải có những bài đánh giá sàng lọc đặc điểm nhân cách và ứng xử đạo đức đầu vào.

Việc để giáo viên trẻ mới tốt nghiệp sẽ chỉ là trợ giảng đứng lớp luôn trong khi chương trình học không cung cấp đủ thời gian trải nghiệm nghề nghiệp đủ dài để trải nghiệm rèn luyện kỹ năng quản lý lớp học và quản lý cảm xúc bản thân trong thực tế sẽ góp phần gây ra những tình huống như thế này.

“Vì thế, có lẽ cần xem xét để yêu cầu bắt buộc các chương trình đào tạo giáo viên phải có những bài đánh giá sàng lọc đặc điểm nhân cách và ứng xử đạo đức đầu vào; nội dung đào tạo phải dành thời lượng hợp lý để rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo với các giá trị cơ bản như vì quyền lợi tốt nhất của học sinh; hành xử tin cậy, trách nhiệm, chính trực, công bằng, tôn trọng con người và phẩm giá của học sinh”- TS Nam nhấn mạnh. 

Cũng theo TS Nam, trong chương trình đào tạo cũng cần phải dành thời lượng đáng kể để các em xuống trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại các trường (giống như mô hình đào tạo bác sỹ nội trú) trước khi nhận bằng tốt nghiệp. 

Mặt khác, TS Nam cho rằng, trước những vấn nạn bạo lực học đường trong đó có nhiều hành động bạo lực của người giáo viên tới học sinh. “Tôi cũng cho rằng cần thiết phải có khảo sát lý lịch tư pháp và lý lịch sức khỏe tâm thần của người giáo viên. Chúng ta cũng có thể suy nghĩ đến các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên trong đó chủ yếu đánh giá năng lực hành vi đạo đức của đội ngũ này”- TS Nam nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG