Vừa học vừa…chạy

Học sinh phấp phỏng trong dãy phòng học nguy hiểm Ảnh: Hoài Văn
Học sinh phấp phỏng trong dãy phòng học nguy hiểm Ảnh: Hoài Văn
TP - Có hôm vừa tan trường, mấy viên ngói mục rớt từ trên mái xuống chỉ cách nơi học sinh đứng vài bước chân. Đợt mưa vừa rồi, khu nhà bếp của giáo viên cũng đổ sập hoàn toàn, may mà vào lúc sáng sớm nên chưa có ai ở đó.

Thầy Đặng Ngọc Kiểm – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ kể câu chuyện đầy ám ảnh của thầy trò tại điểm trường chính.

Điểm trường chính trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nằm ngay cạnh hồ Phú Ninh, thuộc thôn Thuận Yên Đông, xã Tam Sơn (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Thực ra đây cũng là địa điểm trường mượn tạm để học. Trước kia, điểm trường nằm ở thôn Thuận Yên Tây, bên kia sông nhưng lo ngại học sinh qua sông nguy hiểm nên từ năm 2013 thầy trò chuyển qua đây, mượn tạm cơ sở của trường THCS Quang Trung (đã chuyển sang trường mới) để dạy và học.

Điểm trường có tất cả 78 học sinh ở ba khối lớp 1, 2, 3, 5 (khối lớp 4 chuyển sang điểm trường khác vì không đủ phòng) phải đan xen lịch học vì không đủ phòng.

Dãy có tất cả 9 phòng thì chỉ sử dụng được 6, trong đó có 3 phòng học, 1 phòng làm thư viện, các phòng còn lại được sử dụng làm nơi làm việc, phòng máy tính…nhưng dăm ba hôm lại dịch chuyển do sợ sập.

Chỉ tay về phía phòng bên cạnh, thầy Kiểm cho biết trước đó là phòng làm việc của hiệu trưởng, nhưng mái dột, tường nứt nguy hiểm nên giờ cũng đành bỏ. Căn phòng hiện tại nơi chúng tôi đang ngồi là phòng “đa năng” của cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách, kế toán, phòng vi tính… Căn phòng cũ, vách đã có những đường chỉ nứt, mái mới được bọc lại thêm một lớp tôn được xem là tạm ổn nhất.

Cô Nguyễn Thị Lập, giáo viên tổng phụ trách thường xuyên ở lại trường vì nhà xa. Căn phòng tạm bợ ở phía sau được dùng làm phòng ở giáo viên lởm chởm chỗ lợp tôn chỗ thì ngói. Ngói thì lấy chỗ bên dãy phòng vừa sập chuyển qua lợp lại, còn phía trước mới được lợp tôn lại vì cứ sau mỗi đợt mưa thì dột khắp nơi. “Mình thì ráng được, chỉ tội các em học sinh. Nhiều phụ huynh lo sợ, còn đề xuất cho học sinh đội mũ bảo hiểm để ngồi học cho yên tâm” – cô Lập tâm sự.

“Nghe nói còn có một mạnh thường quân ở Nhật Bản cũng ủng hộ thêm mấy tỷ để xây thêm phòng tại trường mới, nhưng nếu không kịp tiến độ thì số tiền này sẽ chuyển đi nơi khác” - thầy Kiêm lo lắng.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Lê Bá Tri - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn, cho biết, sau kiến nghị của trường địa phương cũng đã đề xuất lên cấp trên. Hiện, đã có chủ trương xây dựng trường mới, theo kế hoạch sẽ triển khai xây dựng năm 2017, nhưng hiện tại còn vướng ở khâu giải phóng mặt bằng.

MỚI - NÓNG