Vượt núi xuống Thủ đô học đại học

TP - Họ là hai trong số 10 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ít người tiêu biểu trúng tuyển đại học năm 2020. Đến từ miền núi phía Bắc của Tổ quốc, cả hai đều khát khao học những điều hay để trở về góp sức xây dựng quê nhà.   

Người Lô Lô đầu tiên đỗ ÐH Kiến trúc

Ở Cao Bằng, có trên 2.373 người Lô Lô, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô ở Việt Nam. Họ sinh sống chủ yếu ở Bảo Lạc, một huyện xa xôi, còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Nguyễn Bảo Ngọc sinh ra trong một gia đình pha trộn văn hóa Kinh - Lô Lô. Bố Bảo Ngọc là người Kinh, mẹ người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Người mẹ Lô Lô của Bảo Ngọc luôn hướng con trai mình đặt việc học chữ, trang bị kiến thức lên hàng đầu. Bởi tương lai của người Lô Lô nằm trong tay những người trẻ.

Người Lô Lô ở Cao Bằng học hành đỗ đạt không nhiều, còn nhiều hủ tục tồn tại như hôn nhân cận huyết chưa được gỡ bỏ. Là người dân tộc thiểu số ít người, Ngọc nhận thức rõ thực trạng đời sống của người Lô Lô và có ý thức vươn lên từ nhỏ. Suốt 12 năm học, Ngọc luôn đạt danh hiệu học sinh khá, có một năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngọc có tài lẻ, thích vẽ và vẽ khá đẹp. Học hết cấp 3 thi vào trường ĐH Kiến trúc nhưng Ngọc lại chọn một ngành mới mẻ: Công nghệ thông tin. Và cậu đã đỗ ĐH trước sự vui mừng khôn xiết của người Lô Lô. Người Lô Lô ở Bảo Lạc, quê ngoại của Ngọc hãnh diện với đứa con của dân tộc mình. Cậu là người Lô Lô đầu tiên đỗ ĐH Kiến trúc.

Cô gái Lự mê tiếng Anh

Tao Thị Sòn, dân tộc Lự, sinh ra và lớn lên ở bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Xã Nậm Tăm đã có điện lưới quốc gia song điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bản Nậm Ngập là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình người Lự nhưng họ đều chỉ sinh từ 1 đến 2 con, để nuôi dạy con tốt hơn.

Bố mẹ Tao Thị Sòn đều là người Lự. Bố Sòn sinh năm 1977, mẹ  sinh năm 1978, cả hai chỉ học đến tiểu học rồi đi làm ruộng. Tuy học ít, song hai vợ chồng chỉ sinh 2 con và đôn đốc các con học hành. Sòn từng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn của Trường THPT Nậm Tăm. Anh trai của Sòn hiện đang học ĐH Nông nghiệp ở Thái Nguyên. Còn Sòn là tân sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội. Sòn yêu thích tiếng Anh từ thời còn học phổ thông nên đã chọn ngành ngôn ngữ tiếng Anh khi học đại học. Ban đầu, nghe tin con gái đỗ đại học ở Thủ đô, bố mẹ không muốn Sòn sống xa gia đình. Nhưng Sòn thuyết phục được bố mẹ đồng ý, để cô được học lên cao.

Vượt núi xuống Thủ đô học đại học ảnh 1 Tân sinh viên ĐH Kiến trúc Nguyễn Bảo Ngọc

Sòn kể, ở quê, nhiều người bạn đồng trang lứa dân tộc Lự thường lựa chọn con đường kết hôn sớm và sinh con. Còn Sòn thích học và không bao giờ than thở về khó khăn của mình. Thời học cấp 3, trường cách nhà 4 cây số, mùa sạt lở, đường đến trường khó đi, nhưng Sòn chưa khi nào nghỉ học. Nay xuống Thủ đô, Sòn thuê trọ cách trường 8 cây số. Thủ đô vẫn còn lạ lẫm với Sòn, nhưng cô bảo, rồi sẽ hòa nhập nhanh thôi.

Vượt núi xuống Thủ đô học đại học ảnh 2 Tân sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội Tao Thị Sòn

Tân sinh viên ĐH Kiến trúc Nguyễn Bảo Ngọc và sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội Tao Thị Sòn là 2 trong số 10 học sinh DTTS ít người trúng tuyển đại học năm 2020 và là đại biểu trong số 145 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2020 được tuyên dương lần này. Chia sẻ với phóng viên, cả hai đều mong muốn được học hỏi thêm nhiều kiến thức để trở về đóng góp cho quê hương.

MỚI - NÓNG