Xã hội hóa giáo dục có lộ trình

Xã hội hóa giáo dục có lộ trình
Đề án tăng lương giáo viên của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, lương giáo viên tăng tối thiểu 1,7 -1,8 lần hiện nay mới tạm đủ sống.
Xã hội hóa giáo dục có lộ trình ảnh 1
Ông Huỳnh Công Minh. Ảnh: Người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương băn khoăn vì ngân sách chi cho giáo dục là có hạn. Vậy bằng cách nào để việc này khả thi? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

Lương người thầy nói chung hiện không đủ sống. Thực tế lương giáo viên tại TPHCM như thế nào, thưa ông?

Lương hiện có của giáo viên hiện nay bình quân trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo một đề tài nghiên cứu khoa học về phúc lợi xã hội của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP.HCM thực hiện cách đây một năm, xác định người thầy TP.HCM sống và làm việc được tốt phải có thu nhập từ 3 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, chế độ lương hiện nay chưa đạt được 50% nhu cầu cuộc sống.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang soạn lộ trình tăng lương giáo viên lên 1,7 lần với mong muốn đến năm 2010 giáo viên đủ sống bằng lương. Theo ông, tại TP.HCM liệu mức lương này giáo viên sẽ đủ sống?

Tôi chưa hình dung sẽ tăng lên được bao nhiêu. Nhưng phải nói rằng để có lương bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tháng/người hiện nay, thành phố đã chi 22,5% trong ngân sách chi thường xuyên của TP.HCM. Trong đó, 80% của 22,5% là chi cho lương.

Với nghiên cứu nói trên, lương bình quân của giáo viên phải tăng gấp 3 mới đủ sống thì mức chi thường xuyên của thành phố cho giáo dục phải là 67,5%. Điều này không khả thi.

Theo ông, đâu là hướng giải quyết khả thi?

Tại TP.HCM, thời gian qua thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đã góp phần phát triển giáo dục thành phố. Trong giai đoạn tiếp theo, khi có Nghị định 43 của Chính phủ sẽ thực hiện chủ trương xã hội hóa có lộ trình và đạt hiệu quả.

Đối với trường ngoài công lập (dân lập, tư thục), ngành giáo dục tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh loại hình này.

Đối với trường công lập, ngành giáo dục thành phố đang xây dựng lộ trình trường công lập tự chủ tài chính theo sự chỉ đạo của UBND TP.HCM. Từ đó, có thể tăng suất đầu tư trên mỗi học sinh, qua đó góp phần tích cực cải thiện đời sống người thầy.

Ông có thể phác thảo sơ nét về lộ trình này?

Nghị định 43/CP nêu vấn đề xác định mức chi, mức thu đối với đơn vị công lập có thu. Sau khi có nghị định này, sở đã tổ chức cho tất cả hiệu trưởng trường công lập ở các bậc học quán triệt, từ đó các trường chuẩn bị cho năm học mới (2007-2008), xây dựng kế hoạch về cung ứng dịch vụ giáo dục theo mức độ mà nhà trường có được, trên cơ sở đó xác định mức học phí tương ứng.

Tùy theo phân cấp, kế hoạch của các trường sẽ được hội đồng thẩm định (cấp quận với trường THCS trở xuống và cấp thành phố với trường THPT) xem xét để trình HĐND từng cấp quyết định.

Có thể hình dung khi đó, mức học phí chung mà học sinh hiện đóng sẽ bị phá vỡ?

Không phải là phá vỡ mà sàn chung theo quy định không còn nữa. Nói lộ trình như vậy nhưng không làm đồng loạt, trường có điều kiện, được sự đồng tình của phụ huynh thì làm trước.

Có giáo viên lãnh lương 553.350 đồng/tháng

Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho rằng: Hiện nay bình quân lương của giáo viên thành phố Cần Thơ là từ 1,2 triệu đến 1,3 triệu đồng/tháng, có giáo viên chỉ hưởng mức lương 553.350 đồng/tháng.

Thực tế hiện nay so với giá cả thị trường thì đời sống giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là giáo viên thành phố đi dạy ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, nếu đề án tăng lương của Bộ GD-ĐT được thực thi sẽ tạo một bước chuyển mới về thu nhập cho toàn ngành. Tuy nhiên tôi đề nghị Nhà nước nên có chế độ thâm niên đối với giáo viên trong ngành kể cả cán bộ quản lý.

Vì hiện tại giáo viên trực tiếp đứng lớp thì có hưởng phụ cấp ưu đãi, còn cán bộ quản lý được rút về từ giáo viên giỏi, có thâm niên giảng dạy thì bị cắt các khoản phụ cấp. Đây là một điều chưa công bằng.

Quan tâm đến thâm niên trong nghề

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Theo dõi kỳ họp quốc hội vừa qua, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ đề xuất tăng lương để bảo đảm mức sống cho giáo viên mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại phiên chất vấn.

Tại TP Đà Nẵng, hiện nay lương giáo viên được tính theo các quy định và hướng dẫn Nhà nước đã ban hành. Cách tính lương hiện nay còn mang tính chất cào bằng giữa các nghề nghiệp khác nhau và các loại hình công chức khác nhau.

Việc tăng lương giúp giáo viên sống được bằng những thu nhập chính đáng từ nghề nghiệp, ổn định cuộc sống, chuyên tâm vào việc giảng dạy tốt hơn, là việc làm hợp đạo lý.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng lương cũng cần quan tâm đến việc cải thiện điều kiện giảng dạy của giáo viên. Xây dựng các nhà công vụ cho giáo viên, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy.

Khi thực hiện đề án tăng lương cho giáo viên, các bộ ngành trung ương và Chính phủ cần quan tâm tính mức thâm niên hằng năm đối với những người làm công tác quản lý giáo dục và giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Cách tính này bảo đảm sự công bằng và khuyến khích, động viên giáo viên gắn bó với nghề và có thu nhập chính đáng.

Theo Diệu Hằng - Đ Khánh - K Ngân
Người lao động

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.